Mùa hè vốn được xem là khoảng thời gian tuyệt vời của trẻ, đó là tạm xa trường lớp để nghỉ ngơi thoải mái và tự do khám phá thế giới rộng mở. Nhưng quan niệm đó có còn đúng với trẻ em thời nay hay không, khi mùa hè của trẻ ngày càng bị rút ngắn lại, nhường chỗ cho chuyện học hành?
Hai tuần cho một kỳ nghỉ hè !
Giữa tháng 6, chị Hải Vân, ngụ ở P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho bé Vân Anh đến trường, bắt đầu năm học lớp 3. Kỳ nghỉ hè của Vân Anh thực sự kéo dài 2 tuần và như chị Vân tâm sự, đã bù đắp cho cô bé bằng một chuyến đi chơi dài ngày dọc dải bờ biển miền Trung. “Phải cho con đi học thôi vì trẻ con ở nhà hoài cũng chán, cha mẹ thì đều bận rộn không thể lúc nào cũng đưa con đi chơi được. Với lại, bạn bè của cháu cũng đi học cả rồi, không học tại trường thì tới các trung tâm học thêm”, chị Vân cho biết.
|
Những kỳ nghỉ hè của con trẻ ngày một ngắn đi, cùng với đó là những lớp học hè nở rộ. Trên các diễn đàn của một số trang mạng dành cho phụ nữ dịp hè nóng lên chủ đề “Cho con học hè ở đâu?”, “Cho con học gì vào mùa hè?”. Ngay từ khi học kỳ 2 chuẩn bị kết thúc, nhiều trung tâm tăng cường quảng cáo dạy hè. Những lớp học năng khiếu, ngoại ngữ và rèn toán tăng sĩ số gấp đôi, gấp 3 là chuyện bình thường.
Chị Ngọc Diệp, ngụ Q.2. TP.HCM, cho biết giữa tháng 6 chị đã đăng ký cho hai con học ngoại ngữ và thuê thầy dạy piano tại nhà. Riêng Bảo Hân - cô gái lớn lớp 5, còn được học thêm hội họa. Khi hỏi về mùa hè có gì đặc biệt, Bảo Hân đáp: “Chẳng có gì, cháu vẫn đi học bình thường ạ”. Cô bé 11 tuổi khuôn mặt thông minh với cặp kính cận khá dày, chẳng hề hào hứng khi nói đến chuyện nghỉ hè. Giờ đây một tuần cháu học 3 buổi tiếng Anh và 3 buổi học vẽ cùng 2 buổi học đàn. Bảo Hân cho biết bạn bè của cô bé ai cũng “đón hè” như vậy cả.
Mùa hè ngày nay đã khác ?
Trường hợp trẻ em lao vào học hè, có khi lịch học còn kín hơn cả chính khóa, xem ra cũng không hiếm! Nhìn cảnh đó, nhiều người lớn chúng ta chợt nghĩ: phải chăng xu hướng mùa hè đã khác?
Khi nhắc tới mùa hè xưa, nhà văn Lê Minh Quốc chia sẻ: “Ngày đó, mẹ tôi thường dẫn ra chợ Cồn, được các anh chị dẫn đi chơi Hội An, Ngũ Hành Sơn, Mỹ Khê, Mỹ Sơn… qua đó tôi thấy cụ thể những gì mà trước đó chỉ biết qua sách vở. Những hình ảnh mới mẻ này đọng lại trong ký ức lâu bền hơn là chỉ học và đọc từ các trang sách. Nếu không có những ngày hè lang thang nhiều nơi ở vùng quê Quảng Nam, đi cắm trại, du lịch… chắc chắn ký ức về tuổi thơ của tôi rất nghèo nàn; và nhất là sự thăng hoa, bay bổng của trí tượng tượng khó có thể hình thành từ ngày ấy”. Cô Lê Thị Thanh Xuân, giảng viên Trường ĐH ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng nhớ mỗi mùa hè xưa của mình là được vui chơi thoải mái cùng bạn bè suốt ba tháng hè, không phải lo lắng chuyện bài vở, sách bút - đó mới thực sự là đúng nghĩa là mùa hè tuổi thơ gắn liền với thiên nhiên và những kỷ niệm bạn bè. Cô nhận xét: “Theo những gì đang xảy ra hiện nay, đúng là mùa hè của các em học sinh đang dần biến thành "học kỳ 3". "Học kỳ 3" thực sự đã và đang là nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh và học sinh”.
Theo cô Thanh Xuân, chính vì điều đó khiến các em dần thiếu thời gian hấp thu các kiến thức xã hội. Bên cạnh đó, một số phụ huynh đặt quá nhiều quan tâm vào việc học văn hóa của con, và quên dạy con những kỹ năng sống cơ bản dẫn đến các em không biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình, vì đã quen được cha mẹ bảo bọc.
Báo Thanh Niên mở chuyên đề Mùa hè của con trẻ xoay quanh vấn đề trẻ nên học hay nên chơi trong dịp hè. Mời bạn đọc cùng tham gia chia sẻ, đóng góp ý kiến. Mọi ý kiến xin gửi về: cauchuyengiaoduc@thanhnien.com.vn hoặc qua đường bưu điện gửi về Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM (ngoài bì thư xin đề: Gửi chuyên đề Mùa hè của con trẻ). Những ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải để chia sẻ. |
Kim Oanh - Quang Viên
>> Học sinh mầm non nghỉ hè hơn 2 tuần
>> Hành trang cho kỳ nghỉ hè năng động
>> Chọn cách nghỉ hè thông minh
>> Nghỉ hè
>> Khổ vì con nghỉ hè
Bình luận (0)