Một buổi lễ khai giảng của VATC - Ảnh: Nguyên Nga |
Việt kiều đầu tiên đầu tư vào giáo dục
Năm 1992, ông Võ Văn Kiệt, khi đó đang làm Thủ tướng Chính phủ, ra chỉ thị buộc viên chức nhà nước phải học tiếng Anh. Nhận thấy đây là cơ may, ông Phan mở trường dạy nghề và cả ngoại ngữ. Thế nhưng, lúc đó, việc một công ty nước ngoài lập dự án đầu tư giáo dục còn quá mới mẻ khiến không ít các cấp thẩm quyền lúng túng. Chia sẻ trong bài báo in trong tập sách 100 Việt kiều TP.HCM, ông nói: “Dự án đầu tư giáo dục với tư cách là của một công ty nước ngoài, vốn đầu tư 250.000 USD, qua 8 bộ duyệt chấp nhận, đích thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thời đó là ông Trần Xuân Giá gửi đề nghị lên Thủ tướng… Thế nhưng, bởi chưa có “tiền lệ” nên cứ ách lại”. Sau này, vào năm 2007, khi VATC được Bộ LĐ-TB-XH ký chấp nhận nâng lên thành trường cao đẳng nghề, ông Phan chia sẻ với tôi: “Thời đó, may nhờ có Báo Thanh Niên lên tiếng, nên trường hợp của tôi được Thành ủy ủng hộ. Và rồi, hồ sơ thành lập doanh nghiệp của tôi được hướng dẫn hoạt động theo luật Đầu tư trong nước, khuyến khích đầu tư nước ngoài”.
Năm 1994, một trung tâm ngoại ngữ Việt - Mỹ chính thức hoạt động với số học viên ban đầu chưa tới 100 người. Năm 1999 thành trường dạy nghề và đến năm 2007, với thương hiệu VATC, trường đã có 16.000 học viên và tổng thu nhập 70 tỉ đồng mỗi năm. Ông Phan đùa rằng, mình là người trúng độc đắc khi đã thành công trong đầu tư vào giáo dục, một lĩnh vực “chưa có tiền lệ” trước đó. Đến năm 2007, VATC chính thức nâng lên thành trường cao đẳng trực thuộc Công ty TNHH Liên Việt Mỹ (PAN VAT) do ông Hoàng Ngọc Phan làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Đổi tên trường, mở rộng quy mô và nhiều hạng mục cơ sở vật chất phải được đầu tư nhiều hơn, cũng từ đó, những khó khăn của trường bắt đầu xuất hiện. VATC bắt đầu nghiên cứu phát triển theo mô hình franchise (nhượng quyền) hoặc bán cổ phần cho công ty tài chính nước ngoài.
Dứt áo ra đi !
Tháng 9.2008, VATC (thuộc PAN VAT) bất ngờ có chủ mới là Quỹ đầu tư tài chính BAM (được thành lập ở Singapore, có nguồn gốc ở Mỹ). Trong đó, 80% vốn góp thuộc BAM và 20% vốn góp của ông Hoàng Ngọc Phan. Giải thích việc bán đến 80% vốn đầu tư này, ông Phan cho biết VATC cũng nằm trong cơn bão khó khăn về tài chính. Ông nói: “Là một người đứng đầu, tôi phải có quyết sách để ổn định công ăn việc làm cho nhân viên và quan trọng hơn vẫn giữ được uy tín thương hiệu. Hơn nữa, tuổi của tôi cũng đã lớn, tôi muốn nghỉ ngơi…”.
Tại thời điểm đó, VATC có trên 15.000 học viên, hơn 300 giáo viên và gần 500 nhân viên. Ngoài ra, PAN VAT còn có hệ thống các trường mầm non, tiểu học, trung học tại TP.HCM và Cần Thơ. Ông Phan nhấn mạnh: “Trường muốn duy trì và phát triển cần phải có nguồn lực từ bên ngoài cả về tài chính và con người”.
Như vậy, sau hơn 15 năm về nước làm ăn, ông Phan chấp nhận bỏ cuộc, nơi ông đã từng quyết chí phải thành công từ ngày trở về. Sau đó, ông Phan tiếp tục bán hết cho BAM và sang Mỹ sống cùng gia đình. Điều đáng tiếc là, sau khi bán công ty cho BAM, VATC đã đối diện khủng hoảng xuất phát từ nội bộ của trường khi bản thân ông chưa kịp rời chiếc ghế Chủ tịch HĐQT. Trong thời gian đó, VATC dưới trướng một tổng giám đốc người nước ngoài mới, chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, vội vã cắt giảm nhân sự để cải cách bộ máy hoạt động. Đỉnh điểm là một cựu giáo viên quốc tịch Mỹ của trường, người đã môi giới thành công thương vụ này, được cất nhắc lên ngồi ghế Phó tổng giám đốc PAN VAT và tự thay quyền ông Phan, ký cho thôi việc vài nhân sự. Cuối cùng, hiệu trưởng đương nhiệm và 3 trưởng khoa trường đã nộp đơn xin thôi việc trước cách quản lý “không giống ai của tân phó tổng lạm quyền”, một trưởng khoa của trường cho biết. Nhiều cuộc họp sau đó nhằm giải quyết và cả xoa dịu dư luận. Ông Phan giải thích khủng hoảng xảy ra thực chất do bất đồng quan điểm giữa hai nền văn hóa Việt - Mỹ. Ngoài ra, BAM chưa từng có kinh nghiệm đầu tư trong giáo dục, lĩnh vực mà không phải có tiền là làm tốt.
Ông Phan rất thích một câu nói nổi tiếng trong vở kịch Hamlet của Shakespeare - “Tồn tại hay không tồn tại” (To be or not to be) và coi đó như triết lý kinh doanh của mình. Ông chọn giải pháp “không tồn tại” để cứu trường và không chấp nhận phá sản. Từ đây, cũng chấm dứt giấc mơ xây dựng trường nghề tốt nhất ở Việt Nam của ông ngày trở về. “Làm kinh doanh cũng giống như làm chính trị vậy, phải tồn tại và phát triển, thậm chí phải mưu lược hơn cả làm chính trị”, ông Phan bộc bạch.
Nguyên Nga
>> Cuộc chiến thương hiệu Việt - Kỳ 5: Mất hút Bông Bạch Tuyết
>> Cuộc chiến thương hiệu Việt - Kỳ 6: Dấu chấm hết cho Tribeco
Bình luận (0)