Cuối tháng 6, RIA-Novosti dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho hay nước này có thể sẽ xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph cho Trung Quốc. Đây là hệ thống tên lửa đất đối không, có thể phá hủy các mục tiêu trên không như chiến đấu cơ, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo ở khoảng cách có thể lên đến 400 km và độ cao tối đa
30 km. Tên lửa S-400 còn được gắn bộ thu phát tín hiệu radar giúp tăng khả năng dò tìm và theo dõi mục tiêu. Cũng trong tháng 6, Hãng tin Interfax dẫn lời Phó giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport Alexander Mikheyev cho hay Moscow và Bắc Kinh đang tiến hành tư vấn kỹ thuật về thương vụ 24 chiến đấu cơ đa nhiệm Su-35. Tuy các bên chưa lên tiếng chính thức nhưng tuần báo Defense News dẫn một số nguồn tin nói hợp đồng có thể được ký vào cuối năm nay. Chuyên gia Vasiliy Kashin tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow cho hay Su-35 được trang bị radar mới IRBIS-E có thể phát hiện, theo dõi tới 30 mục tiêu trên không ở khoảng cách 400 km.
“Tin xấu cho Đài Loan”
Hiện nay, các hệ thống tên lửa phòng không di động HQ-9 và S-300 của Trung Quốc đại lục chỉ có thể bao phủ khu vực tây bắc Đài Loan, theo Defense News. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh sở hữu được S-400 và Su-35, toàn bộ không phận Đài Loan sẽ “nằm trong lòng bàn tay” của đại lục. Cựu thành viên Hội đồng An ninh Đài Loan York Chen cảnh báo: “Việc triển khai S-300 PMU2 phía bên kia eo biển đã gây căng thẳng đáng kể cho phi công chiến đấu cơ Đài Loan. Bây giờ, nếu Trung Quốc có được hệ thống S-400 hiện đại và chẳng sớm thì muộn cũng sẽ triển khai ở tỉnh Phúc Kiến như S-300 PMU2 thì tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn”. Ông Chen còn khẳng định: “Khi S-400 phối hợp với các chiến đấu cơ, phía Trung Quốc sẽ thêm tự tin trong việc duy trì khả năng kiểm soát không phận Đài Loan, ngăn chặn mọi nỗ lực kháng cự của không lực Đài Loan cũng như các động thái can thiệp của Mỹ”.
|
Chuyên gia quân sự Alexander Huang tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan cũng cảnh báo một khi Trung Quốc được trang bị S-400 và Su-35, đó là “tin xấu cho Đài Loan”, vì máy bay Su-35 với radar IRBIS-E có thể phát hiện chiến đấu cơ F-16 của Đài Bắc từ rất sớm và khoảng cách rất xa. “Điều đó có nghĩa là Su-35 của Trung Quốc đang tuần tra ở phía đại lục vẫn có thể thấy tất cả mục tiêu trên không phận Đài Loan”, Defense News dẫn lời ông Huang phân tích.
Trong khi đó, Đài Loan đã lên kế hoạch cho “về vườn” 56 chiến đấu cơ Mirage 2000 và khoảng 50 chiếc F-5. Chính quyền đảo này đang nâng cấp 126 chiến đấu cơ nội địa và 145 chiếc F-16A/B, đồng thời yêu cầu Mỹ bán thêm máy bay F-16 mới. Tuy nhiên, Washington tỏ ra lừng khừng do e ngại ảnh hưởng quan hệ vốn đang không mấy mặn mà với Bắc Kinh. Song song đó, Đài Loan bắt đầu đưa vào sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hùng Phong 2E và đang phát triển nhiều loại tên lửa chống tàu mới. Tuy nhiên, nỗ lực của Đài Loan, theo chuyên gia quân sự Douglas Barrie tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Anh, có thể gặp thách thức lớn bởi khả năng phát hiện mục tiêu bay ở tầm thấp của Su-35. Ông Barrie còn cho rằng tầm hoạt động 400 km của hệ thống IRBIS-E có thể hỗ trợ hiệu quả cho đội máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS) còn hạn chế về số lượng của không quân Trung Quốc.
Khả năng ứng phó
Defense News dẫn lời chuyên gia Lance Gatling tại Công ty tư vấn quốc phòng Nexial Research (Tokyo, Nhật Bản) cũng nhận định S-400 và Su-35 với radar IRBIS-E là “những bước ấn tượng” trong việc tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông, Bắc Kinh vẫn đang gặp khó khăn trong việc tích hợp 2 loại vũ khí trên vào hệ thống phòng không - không quân của nước này, chẳng hạn như radar của S-400 không thể phát hiện chiến đấu cơ bay ở tầm rất thấp trên không phận Đài Loan.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Đài Loan có thể đối phó các radar phòng không hiện đại của đại lục bằng khả năng gây nhiễu của hệ thống cảnh báo sớm mới lắp đặt ở Lạc Sơn thuộc huyện Tân Trúc, tây bắc đảo này. Đây được xem là một trong những hệ thống radar mạnh nhất trên thế giới, được cho là có thể truyền dữ liệu trực tiếp cho quân đội Mỹ để giám sát hoạt động tên lửa và máy bay ở Trung Quốc.
Mặt khác, nhà phân tích Ian Easton tại Viện Nghiên cứu dự án 2049 của Mỹ cho Defense News hay trước thông tin Trung Quốc sẽ sắm S-400, Đài Loan không còn hăng hái đề nghị Mỹ bán F-16 mà thay vào đó là F-35. Nếu vẫn bị Mỹ từ chối, Đài Loan có thể chọn cách tăng cường sản xuất tên lửa hành trình và triển khai tên lửa đạn đạo. Một lựa chọn khác nữa là cải thiện khả năng tác chiến điện tử. Ông Easton còn lưu ý rằng Đài Loan đã triển khai nhiều tên lửa, rốc két và các vũ khí khác trên các đảo gần Phúc Kiến, có thể uy hiếp hệ thống S-400 nếu Trung Quốc đặt chúng nằm quá gần bờ biển.
Văn Khoa
>> Tên lửa đánh chặn Mỹ tiếp tục rơi khi thử nghiệm
>> Tên lửa mang theo vệ tinh Nga rơi sau khi rời bệ phóng
>> Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa S-400 cho Trung Quốc
>> Nga đề xuất dùng tên lửa hạng nặng chống tiểu hành tinh
>> Tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ thăm Trung Quốc
>> Thông tin về tên lửa Triều Tiên “bị đánh cắp”
Bình luận (0)