Tình trạng găm giữ, đầu cơ USD đang tiếp tục lan rộng khi ngân hàng tố doanh nghiệp xuất khẩu không bán USD cho ngân hàng, còn ngân hàng bị tố “khép cửa” với doanh nghiệp nhập khẩu. Cùng lúc đó, tình trạng “hai giá” xuất hiện khiến thị trường ngoại hối càng “căng” hơn.
|
Ngân hàng bán USD “hai giá”
Ngày 9.7, tỷ giá có dấu hiệu bớt sốt hơn so với một ngày trước đó, nhưng vẫn chưa hết căng thẳng. Trên thị trường chính thức, các ngân hàng (NH) vẫn niêm yết giá bán USD ra ở mức kịch trần 21.246 đồng/USD. Tuy nhiên, ở đầu thu mua giá cũng đã được kéo sát với đầu bán lên mức 21.240 đồng/USD, khoảng cách chênh lệch chỉ còn 6 đồng/USD. Thị trường chợ đen đã giảm nhiệt hơn, nhưng các “đầu nậu” vẫn hét giá 21.700 đồng/USD, cao hơn tỷ giá trần mà NH bán ra khoảng 546 - 600 đồng/USD.
|
Nhưng một tình trạng thực sự đáng lo ngại đã diễn ra khi những ngày gần đây, các doanh nghiệp (DN) liên tục phản ánh việc khó mua USD, thậm chí phải mua tại NH với giá cao hơn trần niêm yết và ngang ngửa giá “chợ đen”. Ông Nguyễn Tiến Đ., một DN chuyên nhập khẩu máy móc, linh kiện tại Ninh Bình, cho biết trong vòng hơn 1 tháng qua công ty đã phải mua USD tại các NH trên địa bàn này với giá cao hơn giá trần niêm yết là 21.036 đồng. Đặc biệt, trong một, hai tuần trở lại đây, giá càng bị đẩy lên cao hơn và DN cũng vô cùng khó tiếp cận dù hợp đồng thanh toán với đối tác nước ngoài, các loại giấy tờ cần thiết đều đầy đủ.
Trong vai một DN nhập khẩu đang cần mua gấp ngoại tệ để thanh toán tiền hàng cho đối tác Hàn Quốc, chúng tôi tiếp cận chi nhánh một NH cổ phần lớn tại Cầu Giấy (Hà Nội). Nhân viên kinh doanh ngoại hối không ngần ngại cho biết, hiện nay để mua được 100.000 USD, ngoài thủ tục giấy tờ chứng minh đầy đủ, công ty phải chi thêm cho NH. “Chúng em vẫn bán với giá trần niêm yết 21.246 đồng/USD, nhưng như anh biết dạo này USD khan lắm, nên bọn anh phải chi thêm phí dịch vụ. Bọn em sẽ hợp thức hóa vào phí chuyển tiền, kiểm đếm... Tổng cộng rơi vào khoảng 21.500 đồng/USD”, nhân viên này chào giá.
Trước câu hỏi vì sao NH lại lách quy định của pháp luật để bán USD vượt trần, liệu giao dịch có sợ bị phát hiện và xử phạt, nhân viên trên giãi bày, "cực chẳng đã" các NH mới phải làm vậy. Vì thời gian qua các DN xuất khẩu thu ngoại tệ nhưng không bán lại hoặc có bán thì cũng “hét giá” cao hơn giá trần niêm yết. Do đó, để đảm bảo kinh doanh có lãi, NH khi bán lại cho DN xuất khẩu cũng phải với giá cao hơn trần quy định.
Thời điểm "cân não"
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo một NH lớn tại Hà Nội cũng thừa nhận thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều DN không muốn vay USD của NH do lãi suất VND đang ngày càng giảm thấp. Để có USD thanh toán tiền hàng, các DN cố gắng đi mua trên cả thị trường chính thức lẫn tự do. Không ít DN xuất khẩu do thấy tỷ giá có xu hướng nóng lên đã quay ra găm USD, không bán cho các NH. Điều này thể hiện rõ khi thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 6 dư nợ tín dụng tăng 4,5%, riêng VND tăng 7,5%, còn dư nợ ngoại tệ lại giảm gần 10%.
|
Tuy nhiên, như Thanh Niên đã đề cập, hiện nay không chỉ các DN xuất khẩu, mà ngay chính bản thân một số NH cũng đang có xu hướng lợi dụng sự biến động của tỷ giá để đầu cơ, kinh doanh hòng tìm kiếm lợi nhuận. Trước bối cảnh tín dụng bị tắc nghẽn, nhiều kênh đầu tư khó sinh lời, hiện tại cửa hy vọng cao nhất vẫn là tỷ giá và vàng. Với mức biến động với biên độ càng lớn, chắc chắn doanh thu từ phí mua bán ngoại tệ, từ chênh lệch tỷ giá sẽ ngày càng tăng lên và đối tượng chịu khổ là chính bản thân các DN nhập khẩu.
Sức nóng của tỷ giá đang khiến NHNN ngày càng trở nên khó xử, đặc biệt đặt trong bối cảnh giá vàng hiện vẫn còn đang chênh lệch với thế giới hơn 6 triệu đồng/lượng. Cho tới hôm qua (9.7), NHNN vẫn nghe ngóng, chưa bán ngoại tệ can thiệp, vì cho rằng trạng thái ngoại hối của nhiều NH vẫn cân bằng, chưa có dấu hiệu bị âm quá 20% vốn tự có cho phép. Nhưng theo một chuyên gia, đây là thời điểm thực sự “cân não” với nhà điều hành, khi hiện tại không chỉ tình trạng găm giữ USD đang lan rộng, mà ngay chính giá vàng cũng diễn biến hết sức bất lợi.
Đây cũng là yếu tố gây nhiều quan ngại tới ổn định tỷ giá, khi mà nhiều chuyên gia cũng khẳng định mức chênh lệch này đang kích thích các đầu nậu tích cực gom ngoại tệ để nhập lậu vàng từ nước ngoài về bán tại thị trường trong nước hòng kiếm lời.
Anh Vũ
>> Sóng" đầu cơ USD
>> Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đạt 26 tỉ USD
>> Vay 500 triệu USD phát triển giao thông tại TP.HCM
>> Nhập siêu 8,9 tỉ USD từ Trung Quốc
>> Giá vàng tiếp tục rơi tự do, USD tăng giá
Bình luận (0)