Bức xúc vì nhà văn hóa bị phá để xây chung cư

12/07/2013 11:05 GMT+7

Ngày 9.7, hàng trăm người dân khu Nam Thăng Long (P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã ngăn UBND phường thu lại nhà văn hóa của khu tại 95 đường Khuất Duy Tiến để xây chung cư.

Khu vực này được thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đào tạo và Xây lắp điện Hà Nội để xây chung cư cao tầng. Ngay sau đó, một cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân đã được tổ chức trên hè đường Khuất Duy Tiến.

Người dân tụ tập ngăn chính quyền lấy nhà văn hóa - d
Người dân tụ tập ngăn chính quyền lấy nhà văn hóa - Ảnh: Hoàng Trang

Ông Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và là người dân ở đây cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị giữ nhà văn hóa hoặc xây thành nhà trẻ cho các cháu nhưng chính quyền không phản hồi, nay lại ủng hộ doanh nghiệp thì dân bức xúc là đúng”.

Nhiều người dân còn cho rằng việc đền bù giải phóng cũng chưa công bằng vì ngoài lấy nhà văn hóa, dự án còn ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, nhưng có hộ được đền bù hàng chục triệu đồng/m2, có hộ chỉ được 50.000 đồng/m2. Trong khi đó hầu hết các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đều mua lại đất của một hợp tác xã từ năm 1990 - 1991, nhiều trường hợp đã được cấp cả sổ đỏ. Bà Nguyễn Thị Vi (số nhà 89 Khuất Duy Tiến) cho biết nhà của bà rộng 49 m2, đóng thuế từ năm 1991 đến nay và đang nằm trong danh sách cấp sổ đỏ, nhưng theo thông báo thì số tiền đền bù và hỗ trợ chỉ dăm chục triệu đồng.

Đưa công an ra “dọa” dân?

Đáng chú ý, ông Hoàng Mạnh Hùng cho biết khi làm dự án, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cho biết dự án có liên quan đến Cục cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an nên người dân phải hợp tác. Tài liệu do người dân cung cấp thể hiện, trong một số văn bản của dự án có nêu: tòa nhà có giải quyết một phần chỗ ở cho cán bộ chiến sĩ C46. Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư trên 715 tỉ đồng thì vốn đầu tư của chiến sĩ C46 khoảng 157 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi người dân khiếu nại đến Bộ Công an thì đại diện C46 khẳng định không có chuyện góp vốn đầu tư mà chỉ xin mua nhà thuộc diện 20% diện tích xây dựng mà chủ đầu tư phải trả cho thành phố để làm nhà ở xã hội. “Phải chăng, chính quyền, chủ đầu tư đã dựng chuyện liên kết với công an để dọa dân?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm 11.7, bà Nguyễn Thị Năm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Xây lắp điện Hà Nội, chủ đầu tư cho biết dự án kể trên có diện tích trên 3.600 m2, gồm đất chung, trong đó có nhà văn hóa và đất do 21 hộ dân sử dụng. Dự án được UBND TP chấp thuận từ năm 2009, triển khai từ tháng 11.2012 nhưng đang khó giải phóng mặt bằng.

Theo bà Năm, trong dự án có tính đến việc dành diện tích làm nhà văn hóa, trong thời gian thi công, đơn vị có thể thuê chỗ cho khu dân cư sinh hoạt nhưng người dân không chịu.

Về sự chênh lệch giá đền bù, bà Năm cho biết chủ đầu tư căn cứ theo quyết định của Hội đồng giải phóng mặt bằng của quận, trong đó, mức giá 50.000 đồng/m2 đối với một số hộ dân là tiền hỗ trợ chứ không phải là đền bù.

Về việc liên quan đến C46, bà Năm cho hay trong giai đoạn tiền khả thi cũng có tính đến việc liên kết nhưng sau đó đã điều chỉnh vì không phù hợp với quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP.Hà Nội cấp cũng không thể hiện có việc góp vốn của C46 và dự án sẽ dành khoảng 10 căn hộ bán cho C46 theo diện nhà ở xã hội. Về dư luận liên quan đến C46, bà Năm cho là hiểu lầm.

Thái Sơn

>> Bàn giao nhà văn hóa đa năng
>> Chuyện địa phương: Bất cập nhà văn hóa thôn ấp
>> Bức xúc việc thu tiền giữ xe ở Nhà văn hóa Thanh niên
>> Hàng chục nhà văn hóa bỏ không

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.