Mà có lẽ không phải chỉ mình tôi, bất cứ ai đến đây một lần, chạm vào sự linh thiêng, tinh khiết đến lạ kỳ của một khu tưởng niệm sẽ cảm thấy sự thù hằn, bon chen trong cuộc sống đều trở nên vô nghĩa.
Không gian xanh trong đến lạ, bên ngoài là những hàng cây xanh, những hố bom xưa giờ đây cỏ mọc đầy trở thành di tích về một thời dữ dội. Chỉ riêng hố bom nơi 10 cô gái hy sinh thì không một ngọn cỏ, xung quanh đầy những chân nhang. Có thể ai đến một nơi nào đó chỉ nhìn ngắm tìm về quá khứ, nhưng ở đây ai cũng thắp một nén nhang lên mộ 10 cô gái trẻ. Đến 10 ngôi mộ ấy không phải để rong chơi, thậm chí chẳng phải hào hứng làm một cuộc hành trình về nguồn, mà để thấm đẫm lòng mình về một vẻ đẹp thanh tao, sự hy sinh cao cả.
Tại nhà tưởng niệm, trong tất cả các bài thơ viết về ngã ba Đồng Lộc, bài Cúc ơi của Yến Thanh đã làm tôi rơi lệ, và chắc chắn làm cho rất nhiều người rơi lệ: Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc. Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần. Chỉ sợ em đau nên lát cuốc chùng.
Trong đất trời Đồng Lộc, tôi đứng bên những ngôi mộ tràn ngập hoa trắng: hoa cúc, hoa hồng… của rất nhiều người từ mọi miền đất nước tìm đến và đặt lên với lòng kính cẩn. Bao quanh khu mộ là những cây bồ kết. Và có lẽ những ngôi mộ trắng ở đây là nơi duy nhất trên cả nước này mọi người đến thăm đều mang theo những thứ dành riêng cho con gái: gương, lược, trái bồ kết… Chỉ nhìn thấy những gì mà người đi thăm mang theo, để lại trên mộ thì hiểu rằng trong thẳm sâu tâm hồn của bất cứ ai khi đặt chân đến khu di tích, ngoài sự cảm phục là chút sắt se lòng đối với 10 đóa hoa bất tử. Họ đều muốn các cô được soi gương, chải lại mái tóc óng nuột tuổi thanh xuân và được gội đầu bằng nước bồ kết như ngày xưa mẹ từng chăm cho con gái.
Ngã ba Đồng Lộc giờ đây trở thành điểm đến cho khách hành hương. Nhiều người tới, chụp những tấm ảnh lưu niệm, ngắm những hố bom xưa và sau đó trở về với cuộc sống đã có tất cả của mình. Nhưng khi đã một lần tìm đến Đồng Lộc thì hiểu thêm, sâu sắc hơn những giá trị cái mà ta nhận được hôm nay. Và nhớ mãi 10 ngôi mộ với hoa trắng cùng gương lược.
Khuê Việt Trường
Bình luận (0)