Nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Giờ đây, vẫn có người nhắc lại câu chuyện Xuân Diệu từng to tiếng với bạn tri kỷ Huy Cận của mình ra sao về việc thay quốc ca. Thời điểm đó khoảng 30 năm trước (đầu những năm 80 của thế kỷ 20), tại căn gác số 24 Cột Cờ, Hà Nội, Xuân Diệu đã bảo Huy Cận - Thư ký thường trực Ban Tổ chức thay Quốc ca Việt Nam rằng tại sao Cận có mồm mà cậu không dám nói? Ai hay được hơn ông Văn Cao mà đòi thay?
|
Cuộc thi chọn quốc ca đến chung cuộc đã chọn ra được 20 ca khúc nhưng cuối cùng dư luận và những người đứng về phía Văn Cao đã chiến thắng. Tiến quân ca của Văn Cao vẫn vang lên trên khắp các quảng trường trong nước và quốc tế sau bao cuộc phán xét của lịch sử cho đến ngày hôm nay. Ngay cả khi người nhạc sĩ tài hoa ấy qua đời, gia đình Văn Cao đã tuyên bố trao lại ca khúc mang hồn thiêng dân tộc ấy cho nhân dân phán xét, lịch sử vẫn công bằng gìn giữ và tôn vinh ca khúc xứng đáng nhất đại diện cho tâm hồn và khí thế dân tộc Việt Nam.
“Từ đây người biết yêu người”
Chưa kể những biến cố, thăng trầm cùng Tiến quân ca - quốc ca chính thức và duy nhất của nước ta cho đến thời điểm này, cuộc đời của Văn Cao cũng trải qua không ít những trầm luân trước những biến cố lớn của thời đại. Ông vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả với người cha là cai máy nước tại thành phố biển Hải Phòng nhưng những rủi ro khó đoán định của cuộc đời ập đến đã sớm đưa đẩy Văn Cao vào vòng nghiệt ngã của số phận. Khó có thể tưởng tượng nổi là người nhạc sĩ tài hoa ấy đã từng phải đi vẽ minh họa cho các số báo Văn nghệ với giá 5.000 đồng tương đương với 2 lít rượu lậu cho mỗi tranh suốt những năm phải “treo bút” sau vụ án Nhân văn giai phẩm. Nhưng cũng chính thời gian khó khăn ấy, chúng ta đã phát hiện ra một tài năng nữa của hội họa Việt Nam với trường phái thẩm mỹ riêng của tranh minh họa. Những tác phẩm “mạnh dạn xử lý nét mảng khối theo một tiếp cận lập thể” (Dương Tường nhận xét) của Văn Cao trên báo Văn nghệ cũng đã phần nào phản ánh con người và cốt cách của ông.
Mặc dù người nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ ấy đã từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật nhưng có lẽ dù ở đâu, dù làm gì thì soi sáng trong suy nghĩ cũng như hành động của Văn Cao cũng vẫn là một lý tưởng duy nhất - lý tưởng cách mạng và niềm tin vào một thế giới đoàn kết, yêu thương đại đồng. “Văn Cao đến với cách mạng hoàn toàn chủ động bằng ý thức tự nguyện. Ông đi làm cách mạng chứ không đi theo cách mạng” - nhạc sĩ, họa sĩ Văn Thao - con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao nhấn mạnh.
Chính nhờ lý tưởng nhất quán ấy mà Văn Cao đã vững lòng vượt qua những khó khăn, gian khổ để chờ đến Mùa xuân đầu tiên (1976), chứng kiến niềm ao ước, tâm nguyện bao lâu: “Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người…”. Ca khúc với số phận đặc biệt phải sau 20 năm mới được công bố và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam do tính chất lạc điệu với khí thế sục sôi và hân hoan niềm vui chiến thắng lúc bấy giờ ấy, cũng chính là ca khúc cuối cùng của cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao. Với Mùa xuân đầu tiên, ông đã mỉm cười thanh thản với cuộc đời sau tất cả những gian khổ, thấm thía về mất mát, chia ly của “nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh…” bằng một lòng bao dung, độ lượng từ đáy lòng người công dân trung thành với Tổ quốc.
Giấc mơ “đàn chim bay trên cao xanh”
Có không ít nhạc sĩ đã cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình cho lý tưởng tối cao của người Cộng sản và tinh thần dân tộc nhưng có lẽ hiếm có ai sớm mơ về một nước Việt Nam mới với một lực lượng quân đội hùng mạnh như Văn Cao. Ông viết Tiến quân ca như một nhiệm vụ đầu tiên được giao trước khi ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Nếu đó là một dự báo, một hy vọng đầu tiên dâng lên cho cách mạng Việt Nam thì tiếp sau đó, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Chiến sĩ Việt Nam… chính là hình dung trong ông về một đất nước Việt Nam hùng cường, lớn mạnh trong tương lai.
Vào thời điểm cách mạng còn đang đi những bước đầu gian khổ và khó khăn nhất, Văn Cao đã dám tin và mơ về một viễn cảnh hết sức lạc quan, tươi đẹp của một nước Việt Nam với “Đôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh. Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng”. Những giấc mơ từ tầm nhìn xa đó có đôi khi khiến Văn Cao trở thành người “lạc nhịp” như những giọt nước mắt của mất mát trong Mùa xuân đầu tiên nhưng đó cũng là những dự báo, những lời tiên tri đi trước cả một thời đại.
Một năm sau khi Văn Cao viết Tiến quân ca (1944), nước Việt Nam chính thức giành được độc lập và chủ quyền dân tộc. Nhiều năm sau khi ông viết Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam… Quân đội nhân dân Việt Nam đã hình thành và vững vàng nơi biên cương Tổ quốc. Mùa xuân đầu tiên trong hòa bình, độc lập của toàn dân ta cũng là mùa xuân mà Văn Cao đã đấu tranh và hy sinh cả một đời để được nhìn thấy.
Có thể trong cuộc đời Văn Cao, “những gì ông chưa làm được còn nhiều hơn những gì ông đã làm” như lời nhà nghiên cứu Thái Bá Vân. Nhưng có lẽ được nhìn thấy giấc mơ là đàn chim bay bổng trong mùa xuân tự do kia thành hình, ông cũng đã mãn nguyện dừng bút.
Văn Cao (1923 - 1995) là một nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam, là tác giả của Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam đồng thời cũng là một họa sĩ, một nhà thơ đa tài với nhiều tác phẩm có giá trị. Ông thuộc thế hệ những nhạc sĩ tiên phong vốn xuất thân từ nhóm Đồng Vọng với các ca khúc lãng mạn nổi tiếng như: Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi... nhưng sau khi gia nhập Việt Minh, ông trở thành nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc kháng chiến với những tác phẩm bất hủ: Tiến quân ca, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Làng tôi, Ngày mùa... Tác phẩm thơ: Lá (1988), Tuyển tập Văn Cao (1994). Với sự nghiệp phong phú, đồ sộ và những cống hiến trên nhiều lĩnh vực, Văn Cao đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên năm 1996. Ông cũng được nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất cho những hy sinh và đóng góp quan trọng trong suốt cuộc đời mình. Một trong những bài thơ của Văn Cao: Thời gian qua kẽ tay rơi riêng những bài hát và đôi mắt em (Thời gian) |
Quỳnh An
>> Đêm nhạc tưởng nhớ 18 năm ngày mất Văn Cao
>> Quốc ca ra đời trong sự kỳ lạ của nhạc sĩ Văn Cao
>> Ánh Tuyết nức nở kể chuyện nhạc sĩ Văn Cao
Bình luận (0)