Lòng tin doanh nghiệp vào tư vấn: Cần nỗ lực từ hai phía

16/07/2013 03:20 GMT+7

Điều quan trọng nhất để giải quyết lòng tin của doanh nghiệp đối với tư vấn là cần sự nỗ lực từ cả hai phía.

Tấm gương

Tại Diễn đàn tư vấn quản trị 2013 diễn ra ở TP.HCM gần đây, bà Tiêu Yến Trinh (Tổng GĐ Talentnet Corporation) nhận định: “Trong hầu hết quyết định đầu tư của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tự làm, khả năng thành công là 70%, chính tư vấn mang đến 10-30% còn lại. Như vậy cần lưu ý, tư vấn là để làm gia tăng khả năng gặt hái thành công chứ không phải để làm thay cho doanh nghiệp”. Không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính ban lãnh đạo và những người đang làm việc tại doanh nghiệp, còn dịch vụ tư vấn như tấm gương để soi thấy những điều mà doanh nghiệp không thể tự mình nhìn thấy được. Ngoài ra, trên thực tế, doanh nghiệp cần chấp nhận một sự thật: Vấn đề nào cũng có giải pháp, nhưng giải pháp nào rồi cũng sẽ có vấn đề. Mặt khác, một chiến lược đúng, giải pháp đúng chưa chắc đã tạo ra kết quả như mong đợi vì quá trình thực thi ý tưởng tư vấn quan trọng không kém. Vì vậy, khi tìm đến tư vấn, doanh nghiệp không cần “đón rước” những người giỏi nhất, mà cần nhận diện đâu là nhà tư vấn có thể bổ khuyết đúng cái mà doanh nghiệp đang cần.

 Không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính ban lãnh đạo và những người đang làm việc tại doanh nghiệp - d
Không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính ban lãnh đạo và những người đang làm việc
tại doanh nghiệp - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Trong hầu hết quyết định đầu tư của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tự làm, khả năng thành công là 70%, chính tư vấn mang đến 10-30% còn lại. Như vậy cần lưu ý, tư vấn là để làm gia tăng khả năng gặt hái thành công chứ không phải để làm thay cho doanh nghiệp

Tiêu Yến Trinh

Mặt khác, khi nhà tư vấn làm việc, doanh nghiệp cần cử người tham gia thường trực để cung cấp những thông tin mà nhà tư vấn cần, đồng thời tìm hiểu thấu đáo các giải pháp tư vấn. Doanh nghiệp không nên giao toàn bộ công việc cho nhà tư vấn. Nếu không, đến khi kết thúc công việc, nhà tư vấn rút đi, khoảng trống được tạo ra quá lớn, kết quả lại không như mong đợi. Cuối cùng, doanh nghiệp cần thấu hiểu: “Nhà tư vấn cũng như bác sĩ: có tin thì mới dùng, đã dùng thì phải tin”.

Lòng tin ai bán mà mua

Trong khi đó, để gây dựng lòng tin cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đăng Duy Nhất (Chủ tịch CMO Council Việt Nam) nhận định ba yếu tố căn bản mà nhà tư vấn cần trau dồi, đó là sự hiểu biết, sự trải nghiệm và kỹ năng mềm. Nhà tư vấn phải nắm vững chuyên môn trong lĩnh vực mình tư vấn, phải tự tích lũy kinh nghiệm thông qua những bài học xương máu thực tế, đồng thời không ngừng rèn luyện kỹ năng truyền tải ý tưởng tới doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Triết (Giám đốc điều hành Strategy Asia Group) chia sẻ hai tố chất mà nhà tư vấn cần chú trọng là chuyên môn và con người. Nếu quyết định lựa chọn nhà tư vấn căn cứ trên nền tảng lý và tình, thì “chuyên môn giỏi” mang đến lòng tin về mặt lý, còn “con người tốt” giúp củng cố cái tình giữa nhà tư vấn và doanh nghiệp.

Chính vì thế, chuyên gia tư vấn chiến lược Lý Trường Chiến nhận định về thách thức đối với tư vấn để có được lòng tin doanh nghiệp là: “Không có gì có ý nghĩa, có giá trị và đáng tôn trọng mà dễ dàng có được”.

MBA Huỳnh Thị Minh Châu
(GV Đại học Bách khoa TP.HCM)

>> Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao xuất khẩu
>> Lòng tin doanh nghiệp vào tư vấn
>> Cán bộ thuế "làm tiền" doanh nghiệp bị bắt
>> Doanh nghiệp du lịch không dám nhận tour vì giá USD tăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.