>> Những tập tục kỳ lạ: Gieo quẻ đặt tên
Lời thách đố ứa máu
Tháng 3 năm ngoái, ở thôn 7, xã Trà Cang, H.Nam Trà My (Quảng Nam) xảy ra vụ mất trộm điện thoại di động. Lời tố cáo của Hồ Văn Kiêu (17 tuổi) khiến đồng bào Xêđăng ở xóm trên, xóm dưới phải mở cuộc đâm tay truy tìm thủ phạm. Cả nóc C72, đặt theo tên Tiểu đoàn 72 Huyện đội Trà My từng đóng quân, xôn xao. Ban đầu, mỗi xóm chọn một người đại diện tham gia vụ đâm tay để “khoanh vùng”, sau đó xóm dưới thua cuộc nên về nhóm các hộ lại đâm tiếp. Rốt cuộc, thủ phạm cũng lộ diện. Hồ Thị T. (23 tuổi) phải công khai thừa nhận lấy trộm, nộp phạt cho người thách đố lẫn những người dân trong làng bị nghi oan và lôi kéo vào cuộc tranh cãi...
|
Khởi sự từ vụ tranh chấp cây cối, giành nương rẫy, mất trộm, nghi trai gái quan hệ bất chính gây “chuyện xấu” cho làng…, nếu các bên không dàn xếp được thì thách nhau đâm tay. Người nào thua cuộc phải bồi thường theo cam kết và chịu phạt của làng. Hai thanh nứa được vót nhọn, dài bằng nhau (khoảng 4 cm), đánh dấu phần sẽ đâm (khoảng 1 cm). Vụ phân xử diễn ra lúc mặt trời chưa mọc, gà chưa gáy, cả làng kéo ra chứng kiến. Nếu trễ, mặt trời nhô lên khỏi núi, là phải dời sang ngày hôm sau. Hai người thách đố đứng sát nhau, tay phải người này đâm vào tay trái người kia. Trước khi đâm thanh nứa vào tay, họ buông ra những lời thề rất độc: “Mời trời đất, thần linh, ông bà đã khuất chứng giám. Xin hãy giữ giùm máu trong người con, đừng cho chảy ra. Hãy cho máu chảy ở đứa phạm tội!”. Họ giơ thanh nứa lên cao cầu khẩn, đoạn cả hai cùng đâm vào tay người đối diện với độ sâu bằng nhau, trong vài phút sẽ đồng loạt rút ra. Máu chảy ở tay ai, người đó thua cuộc.
Nhiều người xác nhận tập tục lạ này hiện diện ở hầu hết bản làng các xã Trà Cang, Trà Linh, Trà Tập, Trà Dơn… (H.Nam Trà My). Mỗi nơi chích mỗi kiểu, như Trà Tập, Trà Cang thường đâm vào lòng bàn tay, còn dưới Trà Tân (H.Bắc Trà My) lại chích nơi đầu ngón tay. Càng nguy hiểm khi có những cặp thách nhau kéo ra rừng… cắn rễ cây đa, cắn vào cục đá, cắn cục than hồng để tìm đáp số cho vụ tranh cãi bất phân thắng phụ.
“Giải pháp” cuối cùng
Khoảng 1 tháng trước, hai người Cadong một già một trẻ kéo đến trung tâm xã Trà Tập cãi om sòm giành quyền sở hữu mảnh đất sát đường ở thôn 1 để trồng keo, sau khi hay tin có dự án mở đường. Cụ Nguyễn Đình Nớ (70 tuổi) thách đâm tay, còn chàng trai Hồ Văn Núp (20 tuổi) thì muốn phân xử theo pháp luật. Biết mảnh đất này vô chủ, các cán bộ tư pháp, công an xã, địa chính xã đề nghị chia đôi nhưng hai người chẳng ai chịu ai, lại cãi. Một cán bộ xã đội theo dõi vụ việc cho hay đến đầu tháng 7 vẫn chưa thấy “diễn biến” mới từ trên thôn báo về… Năm ngoái, vì muốn giành những gốc quế không rõ nguồn gốc mà Hồ Văn Xứng (thôn 1) và Hồ Văn Níu (thôn 2, cùng xã Trà Tập) thách nhau đâm tay. Cũng năm ngoái, Hồ Thị L. (39 tuổi, thôn 4, Trà Cang) bị làng buộc đâm tay để giải quyết nghi ngờ về chuyện yêu đương bậy bạ. Ở nóc Tu Chân (thôn 4, xã Trà Cang), một người dân trong xã cho hay 2 - 3 năm trước hầu như tháng nào cũng có vụ đâm tay vì trai gái quan hệ bất chính.
Gần như là sự trùng hợp ngẫu nhiên, những vụ việc thách đâm tay mà chúng tôi liệt kê đều xác định được người thua cuộc. Câu hỏi về sự phi khoa học, về cơ chế sinh lý nào khiến người bị đâm không chảy máu (tạm gọi là người thắng cuộc)… đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Một vài cán bộ lãnh đạo xã (đề nghị giấu tên) nhìn nhận, trong nhiều trường hợp tranh chấp căng thẳng, khi các biện pháp mà chính quyền đưa ra đều không thuyết phục được người dân hoặc hòa giải không thành thì “giải pháp” đâm tay được lựa chọn. Sau cuộc thách đố ấy, dù người thua cuộc có bị hàm oan hay không, vụ việc vẫn kết thúc êm thấm mà không hề xảy ra va chạm, gây gổ thêm. Với nhiều thôn nóc, đây là giải pháp cuối cùng vì vốn dĩ họ tin vào luật tục.
Đôi khi, sự căng thẳng cao độ của tập tục đâm tay cũng khiến thủ phạm… chưa đánh đã khai. Như chuyện xảy ra hồi năm ngoái ở thôn 4, Trà Cang. Một con bò thả rông trong rừng có giá tương đương 10 triệu đồng bị ai đó chém chết. Sau một hồi truy tìm và sàng lọc, đối tượng cùng thôn bị nghi ngờ nhưng một mực từ chối, bèn dọa chích máu. Rốt cuộc, vì lo sợ, thủ phạm tự giác thừa nhận. Chính quyền địa phương chỉ đạo hòa giải, bồi thường theo giá trị con bò, thủ phạm chỉ tốn 7 triệu đồng vì trước đó gia chủ đã kịp xẻ thịt ăn hết một phần.
Từng chứng kiến cảnh đâm tay để phân xử vụ tranh giành vườn quế ở thôn năm 12 tuổi, một cán bộ xã Trà Tập khẳng định với PV Thanh Niên: “Nghĩ mãi không ra, cây nứa vót như nhau, kích thước bằng nhau, vậy mà người bị chảy máu người lại không. Xét về mặt khoa học, điều này là không thể! Bây giờ bảo người dân bỏ tập tục này, chưa chắc họ chịu bỏ”. Lạ hơn, những người biết đến tập tục này đều quả quyết chưa từng xảy ra trường hợp 2 người cùng chảy máu.
Không tin, nhưng thấy... đúng 100% Chuyện đâm vào tay mà không chảy máu, đã lạ. Nhưng nhiều người dù nghi ngờ tính chuẩn xác của “phương pháp” này vẫn cứ tin, còn lạ hơn. Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang, ông Huỳnh Hồ Tanh quả quyết: “Không riêng ở xã Trà Cang, mỗi vùng mỗi xã đều có tập tục riêng. Về cách đâm tay, thấy ít khi sai. Mình đôi lúc không tin, nhưng vẫn không giải thích được vì sao lối phân xử này trong nhiều trường hợp lại... đúng 100% như vậy”. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Tập tục tàn bạo từ thời Aztec
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 9: Đâm tay để tìm ra... quan hệ bất chính
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 8: “Thổi” bệnh huyền bí
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 7: Ám ảnh ma rừng
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 6: Lễ cột chỉ linh thiêng
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 5: Bản thờ “ma ná”
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 4: Đàn ông ở nhà, đàn bà lên rẫy
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 3: Sơn nữ răng đen
>> Tập tục lạ ở vùng cao: Mã não quyền uy
>> Tập tục ngày tết trên thế giới
Bình luận (0)