Sáng 15.7, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đã kiểm tra công tác chấm thi ĐH một số hội đồng thi Hà Nội.
Ông Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết: “Hai ngày qua đã chấm được khoảng 8.000 bài, số TS làm được bài cao hơn hẳn so với năm ngoái. Nếu như năm trước một túi bài thi ít nhất có vài điểm 0 thì năm nay nhiều túi bài thi mới có một điểm 0. Thay vào đó, số TS đạt điểm 3-5 nhiều hơn”. Đến hôm qua, trường này chưa có TS đạt điểm 10. Điểm cao nhất ở môn toán đến ngày 15.7 mới là 8 điểm. Ông Lê Anh Thắng, một giám khảo môn toán cho rằng với cách ra đề năm nay, chỉ những học sinh xuất sắc mới có thể đạt 9-10 điểm.
Tương tự, với môn văn, bà Ngô Thu Hương, Tổ trưởng tổ chấm thi văn của Trường ĐH Công nghiệp, nhận xét: “Qua hai ngày chấm thi chỉ có một vài em để giấy trắng, đa số còn lại đều viết được 2-3 tờ giấy thi và phổ điểm nhiều nhất là ở mức 5-6. Điểm cao nhất là 7,5”.
Ông Nguyễn Hữu Dư, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái từ 1-2 điểm; môn toán tập trung ở mức 5-6 điểm. Ông Dư cũng có chung lý giải kết quả này xuất phát từ cách ra đề năm nay: các câu hỏi thuộc phần kiến thức cơ bản trong đề thi dễ hơn năm ngoái, vì vậy TS trung bình vẫn có thể làm được.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng chấm thi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết thống kê sơ bộ ở môn văn có tới 778 điểm 8 trở lên, trong đó có 14 điểm 9. Về môn toán, ông Nguyễn Cảnh Hoàng, giám khảo, nhận định: “Do hai câu hỏi khó nên điểm 9 năm nay có vẻ ít hơn năm ngoái. Trong khi đó, số bài thi đạt điểm 6-8,5 lại nhiều hơn hẳn”. Tuy vậy trong một phòng chấm, tính đến trưa 15.7, giám khảo cũng đã cho 5 bài thi đạt điểm 10.
Cuối giờ chiều 15.7, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết đã chấm được khoảng 40% bài thi môn toán, điểm môn này năm nay có vẻ nhỉnh hơn so với năm trước. Có 5 bài thi đạt điểm 10 và phổ điểm tập trung ở mức 7 điểm. Theo ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, hiện tại điểm cao nhất môn toán là 9,5; phổ điểm chủ yếu từ 5-6.
Từ kết quả bước đầu chấm thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, dù mức điểm sàn của từng khối có thể không thay đổi nhưng chắc chắn số TS đạt điểm sàn sẽ cao hơn năm trước, nguồn tuyển cho các trường khó tuyển sinh sẽ dồi dào hơn. Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc xây dựng điểm sàn phải chờ sau khi các trường chấm thi xong và Bộ đã có đầy đủ số liệu kết quả tuyển sinh của các trường. “Những TS làm được 50% đề thi trở lên chắc sẽ có nhiều cơ hội trên điểm sàn” - ông Ga nói.
Chưa nhiều bài thi toán điểm 10 Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Sau 2 vòng chấm, đã có khoảng 3 - 4 điểm 10 tuyệt đối môn toán. Các bài thi điểm 6-7 nhiều hơn năm trước”. Đến hết ngày 14.7, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM cũng có 2 điểm 10 môn toán khối B và D1, 2 bài thi 9,75 điểm môn toán khối B và D1. Chiều 15.7, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: “Trường có 1 điểm 10, 2 điểm 9 và một số điểm 8-8,5 môn toán khối B, phổ điểm nhiều nhất của môn này từ 4-4,5. Riêng môn văn, điểm 5-6 tương đối nhiều”. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Nhìn qua một vài túi bài thi môn toán đã chấm xong thì thấy, chỉ có một vài bài đạt điểm 6-7, phần lớn nằm trong khoảng 3-5 điểm, rất hiếm điểm 8-9”. Hà Ánh |
Tuệ Nguyễn
>> Hơn 800.000 thí sinh thi đại học đợt 2
>> Cô bé tí hon trốn bố mẹ đi thi đại học
>> Cô gái Cơ Tu thi đại học với 200.000 đồng
>> Gợi ý giải đề thi môn toán (khối A, A1, B, D)
>> Thí sinh phấn khởi vì môn toán không khó
>> Đà Nẵng: Đề thi môn Toán có tính phân loại cao
Bình luận (0)