Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 4: Có đến 82% thí sinh hưởng ưu tiên!

18/07/2013 03:20 GMT+7

Theo số liệu thống kê năm 2012, chỉ tính riêng bậc ĐH, toàn quốc có gần 1,2 triệu lượt thí sinh dự thi. Đáng ngạc nhiên là chỉ 13% trong số đó hoàn toàn không được ưu tiên gì.

Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng?
 Thí sinh các trường dự thi ĐH, CĐ có thể được hưởng ưu tiên lên đến 3,5 điểm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hơn một triệu lượt thí sinh được cộng điểm!

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành, ngoại trừ một số cơ sở đào tạo như các trường ĐH nước ngoài đặt tại Việt Nam, các chương trình liên kết đào tạo, trường thuộc hệ thống đào tạo nghề, các trường được phép thí điểm… có kỳ tuyển sinh riêng, còn lại tất cả các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam đều tuyển sinh thông qua kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh theo phương thức “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển). 

 

Việc xem xét phân bổ khu vực ưu tiên cần phải dựa trên nhiều yếu tố, nhiều chỉ số sao cho chính sách ưu tiên được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh tiêu cực, là động lực thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội của các vùng miền

Chính sách ưu tiên được quy định khá rõ tại điều 7 của quy chế nói trên, trong đó nêu 2 diện ưu tiên chính là theo đối tượng và theo khu vực. Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng nhất để chọn thí sinh trúng tuyển vào học tại các trường ĐH, CĐ là điểm thi vì đây là kỳ thi tuyển, số thí sinh dự thi cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển. Do vậy, nhìn dưới góc độ quản lý đào tạo, chỉ có 2 diện ưu tiên là ưu tiên do có năng lực, thành tích xuất sắc và cho các đối tượng thuộc diện chính sách.

Việc ưu tiên cho các thí sinh có năng lực và thành tích xuất sắc (bao gồm các thành viên trong đội tuyển tập huấn dự các giải Olympic quốc tế dù đoạt giải hay không; các học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh đoạt giải cấp quốc gia về nghệ thuật, thể dục thể thao hoặc hội thi nghề, hội thi kỹ thuật sáng tạo…) là điều không cần bàn cãi vì đây thực sự là các nhân tài của đất nước, được tuyển vào đúng ngành nghề để phát triển tiềm năng của các học sinh. Hơn nữa, số lượng thí sinh thuộc diện này cũng rất ít, chỉ khoảng trên dưới 4.000 em mỗi năm.

Tuy nhiên, ưu tiên tuyển sinh theo diện đối tượng chính sách hiện tác động đến một số lượng và tỷ lệ thí sinh rất lớn.

Thống kê số liệu tuyển sinh ĐH năm 2012 (không tính CĐ), cho thấy các đối tượng không được ưu tiên gì - học sinh phổ thông thuộc khu vực 3 - chỉ chiếm khoảng 13%. Như vậy, đã có hơn 1 triệu lượt thí sinh thi ĐH được cộng thêm điểm từ 0,5 đến 3,5. Trong đó ưu tiên do khu vực chiếm tuyệt đại đa số (82% tổng số thí sinh), và số thí sinh được ưu tiên tối đa (khu vực 1, nhóm ưu tiên 1) chiếm khoảng 3%. Còn lại là các ưu tiên khác.

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh quyết định cơ cấu sinh viên của các trường. Chẳng hạn với chính sách ưu tiên như hiện nay, cơ cấu sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM là 25% khu vực 3; 25% khu vực 2; 20% khu vực 2 nông thôn và 30% khu vực 1. Chưa kể điều này có liên quan đến chế độ chính sách miễn giảm học phí, chuẩn bị ký túc xá và nhiều vấn đề khác.

Cân nhắc bổ sung hoặc mở rộng đối tượng ưu tiên

Chính sách ưu tiên tuyển sinh, đặc biệt là ưu tiên theo khu vực có tác động rất lớn đến đào tạo nguồn nhân lực cho từng địa phương. Điều này thể hiện rất rõ qua trường hợp của TP.Cần Thơ. Khi Cần Thơ chuyển thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2003 và chấm dứt ưu tiên theo khu vực, 3 năm sau đó Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH thấp nhất nước vào năm 2006.

Chính vì vậy, việc xem xét phân bổ khu vực ưu tiên cần phải dựa trên nhiều yếu tố, nhiều chỉ số sao cho chính sách ưu tiên được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh tiêu cực, là động lực thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội của các vùng miền. Vì thế nên chăng hạn chế một số ngành đặc thù và chỉ tuyển đúng thí sinh có năng lực thực sự.

Cơ sở để chúng tôi đặt ra kiến nghị này là trong những năm gần đây, khoảng cách điểm thi ĐH, CĐ của các thí sinh đã nhích lại gần nhau hơn. Thậm chí hiện nay số thí sinh đạt điểm thi cao nhưng thuộc các khu vực ưu tiên chiếm tỷ lệ khá lớn, có nghĩa là những thí sinh này không cần hưởng chính sách ưu tiên cũng có thể trúng tuyển bằng chính năng lực của mình. Vì thế, chênh lệch điểm trúng tuyển cao nhất giữa các nhóm đối tượng và các khu vực ưu tiên ngày càng được rút ngắn. Những năm 80 của thế kỷ trước lên đến 14 điểm, những năm đầu thế kỷ này là 5 và hiện nay rút ngắn còn 3,5 điểm.

Thực tế hiện nay cho thấy việc bổ sung các quy định nhằm kéo giãn rộng hơn khoảng cách chênh lệch này hoặc mở rộng thêm các đối tượng được hưởng ưu tiên do chính sách phải được cân nhắc hết sức thận trọng.

Ý kiến

“Việc người ta lấy lý do ưu đãi bằng cách cộng điểm là để các em học xong trở về phục vụ quê hương là thiếu cơ sở. Trên thực tế, rất nhiều em học xong không trở về mà ở lại thành phố. Do đó chẳng thà nhà nước cứ bỏ tiền ra cho các em kéo dài thời gian học còn hơn là cộng điểm cho các em rồi không đạt yêu cầu về chất lượng đào tạo”.

Vũ Thế Khôi
Nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Hà Nội)

“Chính sách khuyến khích của ta với học sinh các vùng khó khăn trong tuyển sinh ĐH hiện nay hơi bị lạm dụng. Có quá nhiều tầng nấc ưu đãi khiến nhiều thí sinh ở thành phố bị thiệt thòi. Cũng là Hà Nội thôi mà có thí sinh chẳng được cộng điểm nào, có thí sinh được cộng tới 2, 3 điểm (nếu xét cả diện ưu tiên) trong khi đó thí sinh đi thi hơn nhau được 0,5 điểm đã rất cố gắng”.

 GS-TSKH Hà Huy Bằng
Chủ nhiệm Khoa Lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội

Lê Đăng Ngọc (ghi)

TS Nguyễn Đức Nghĩa
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.