(TNO) Đây là số liệu trong một cuộc khảo sát ở 39 nước trên thế giới về hình ảnh của Mỹ và Trung Quốc, theo đó chỉ có 5% người Nhật tỏ ra thiện cảm với đất nước láng giềng.
Báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện và công bố vào hôm nay, 18.7, cho thấy người dân thế giới xem Mỹ là một siêu cường đang suy tàn trong khi Trung Quốc đang sẵn sàng để thế chỗ.
Cuộc khảo sát tiết lộ người dân ở nhiều nước đã xem Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu. Trong số 39 nước được khảo sát, có 6 nước, gồm cả Mỹ và Nhật, có đa số người dân nhận xét Trung Quốc sẽ không bao giờ thay thế được Mỹ.
“Bất luận nước nào được xem là quyền lực kinh tế vào lúc này, nhiều người tin Trung Quốc rốt cuộc sẽ thay thế Mỹ ở vị trí siêu cường hàng đầu thế giới, nếu điều này chưa xảy ra trong hiện tại”, báo cáo trong Dự án Thái độ Toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu Pew viết.
|
Những kết luận sâu rộng hơn của Pew được tổng kết trong tựa đề của bản báo cáo: “Hình ảnh toàn cầu của Mỹ vẫn tích cực hơn Trung Quốc song nhiều người đoán Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường hàng đầu”.
Theo Bloomberg, cuộc khảo sát cho thấy trung bình có 63% người có thiện cảm với Mỹ, so với 50% dành cho Trung Quốc. Một số người được khảo sát ở nhiều quốc gia cũng bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo các tác giả.
“Trên toàn cầu, người ta thiên về khả năng xem Mỹ là một đối tác với nước họ hơn là Trung Quốc, dù tương đối ít người xem một trong hai nước là kẻ thù”, báo cáo viết.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc gây lo lắng cho nhiều người ở một số quốc gia láng giềng, gồm Nhật, Hàn Quốc, Úc và Philippines, theo báo cáo.
“Với cách biệt lớn, người Nhật cho Trung Quốc số điểm tệ nhất - chỉ có 5% thể hiện thái độ tích cực. Tranh chấp lãnh thổ đã gia tăng căng thẳng giữa hai đối thủ lịch sử trong vài năm qua, và 82% người Nhật mô tả các tranh chấp đó là vấn đề lớn hoặc rất lớn”.
Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng xem quan hệ với Mỹ quan trọng hơn nhiều so với Trung Quốc. Theo tờ Washington Post, có đến 93% người Nhật có thái độ tiêu cực với Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng duy trì lợi thế nhờ vào quyền lực mềm ở Nam Mỹ và khu vực châu Phi hạ Sahara, những nơi mà Trung Quốc đã tăng cường đầu tư kinh tế để xây dựng ảnh hưởng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu.
Những yếu tố của quyền lực mềm bao gồm các tiến bộ khoa học, âm nhạc, phim ảnh và cách thức kinh doanh.
Các kết luận được đưa ra trong cuộc khảo sát thực hiện với 37.658 người ở 39 nước từ ngày 2.3 đến ngày 1.5, trước khi có những tiết lộ về chương trình do thám gây tranh cãi của Mỹ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy căng thẳng gia tăng giữa dư luận Mỹ và Trung Quốc.
“Chỉ có 37% người Mỹ có cái nhìn tích cực với Trung Quốc, giảm từ 51% cách đây hai năm. Tương tự, tỷ lệ dành cho Mỹ đã tụt xuống ở Trung Quốc - trong cuộc thăm dò năm 2010 được thực hiện vài tháng sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Barack Obama, 58% có ấn tượng thiện cảm với Mỹ, so với 40% trong lúc này”, báo cáo viết.
Sơn Duân
>> “Trung Quốc chưa phải là cường quốc thế giới”
>> Mỹ - Nhật do thám cuộc tập trận Nga - Trung
>> Nhật cảnh báo Trung Quốc dùng vũ lực trên biển
>> Nhật lo ngại về giàn khoan của Trung Quốc ở Hoa Đông
Bình luận (0)