Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng ? - Kỳ 5: “Ưu tiên” phải là một lượng nhỏ

19/07/2013 00:00 GMT+7

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) về những vấn đề liên quan đến ưu tiên tuyển sinh.

Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng ?
Ông Đỗ Đăng Khoa

Thưa ông, nhiều người cho rằng Bộ GD-ĐT thiếu tính thực tế khi có thông tư cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ VN anh hùng thi ĐH, CĐ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Xã hội bây giờ là xã hội học tập. Bây giờ người già đi thi bất kỳ lúc nào cũng được, không phải vì bằng cấp danh lợi mà họ muốn nâng cao trình độ. Gần đây nhất, báo chí đăng tải trường hợp ông Nguyễn Văn Minh (63 tuổi, ở Quảng Trị) vẫn đi thi ĐH đấy thôi. Còn về Bà mẹ VN anh hùng, bây giờ chưa có nhưng thực tế có thể có những bà mẹ rất trẻ, trên dưới 30. Để công nhận liệt sĩ, không nhất thiết phải trong ngành quân đội, công an, có trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân cũng sẽ được phong tặng liệt sĩ. Con độc nhất của một bà mẹ nhảy xuống cứu bạn chết đuối. Đó là hành động dũng cảm hy sinh cứu người, bà mẹ đó có thể được phong tặng Bà mẹ VN anh hùng. Xã hội cứ nói phi thực tế nhưng nếu đùng một cái, nay mai có bà mẹ như vậy, lúc đó xã hội lại quay lại nói Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH không có chế độ cho Bà mẹ VN anh hùng trong khi các đối tượng khác lại ưu tiên.

Dưới góc độ chuyên môn, thông tư sẽ hoàn thiện, hợp lý hơn nếu Bộ GD-ĐT quy định thân nhân liệt sĩ bởi vì Bà mẹ VN anh hùng bản thân là thân nhân liệt sĩ rồi. Nếu chỉ ưu tiên xếp vào diện thân nhân liệt sĩ có lẽ dư luận sẽ thấy hợp lý hơn.

Nếu nói về tính thực tiễn, đối tượng ưu tiên chỉ nên chiếm một số lượng nhỏ nào đó trong tổng số thí sinh dự thi. Để tất cả số lượng này được hưởng ưu đãi giáo dục thì lớn lắm, như vậy mất cân đối và gây thiệt thòi cho các đối tượng khác.

Thế nhưng ngày 16.7 vừa qua Bộ GD-ĐT lại có thông tư bãi bỏ Thông tư 24 bổ sung 3 đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh, trong đó có Bà mẹ VN anh hùng. Ông nghĩ sao về quyết định này?

Tôi không rõ lý do Bộ GD-ĐT hủy bỏ Thông tư 24 là vì cầu thị lắng nghe ý kiến dư luận xã hội hay vì thấy bất hợp lý. Tuy nhiên, khi đã ban hành văn bản, dư luận có ý kiến ủng hộ, có ý kiến không; mình phải có quan điểm bảo vệ văn bản đó. Không phải vì ý kiến này nọ là hủy bỏ. Cục Người có công chưa gặp trường hợp vừa ban hành văn bản, chưa có hiệu lực đã phải hủy bỏ như vậy.

Dư luận xã hội là một kênh để tham khảo rà soát lại xem mình đã làm đúng hay chưa, có gì bất hợp lý, chưa đúng phải sửa lại. Làm chính sách có thể có những sai sót trong chuyên môn, đó là điều không tránh khỏi, nhưng cũng không vì vừa lên tiếng là sửa ngay.

Văn bản ban hành để giải quyết vấn đề trong quá khứ, hiện tại và cho cả tương lai, có thể kết quả khảo sát hiện tại chưa có nhưng trong tương lai có thể xảy ra trường hợp đó thì sao? Lúc đó lại không có hành lang pháp lý để giải quyết. Chẳng nhẽ lại tiếp tục ban hành một văn bản nữa. Ban hành một văn bản pháp quy không phải đơn giản chỉ là viết mấy dòng, rồi ký là xong mà phải tổ chức hội thảo, xin ý kiến các bộ ngành, địa phương. Ngoài ra, trước khi ban hành văn bản, phải khảo sát, nắm số liệu thực tế về đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh cho phù hợp.

Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng ?
Học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vậy theo ông, nên cộng điểm cho các đối tượng chính sách hay ưu đãi bằng các hình thức như hỗ trợ học phí, cấp học bổng...?

Dưới góc độ là người làm chính sách xã hội và chính sách người có công, tôi hoàn toàn ủng hộ ưu tiên cộng điểm tuyển sinh cho các đối tượng chính sách. Vì những người có công với cách mạng, con em của họ ít nhiều đã gặp phải thiệt thòi hơn những người khác. Ví dụ, bố là liệt sĩ, thương binh, họ không được quan tâm chăm sóc, giáo dục, dạy bảo như người bình thường. Tất nhiên, ưu tiên mức độ nào, cộng 1 hay 2 điểm đó là quyết định của Bộ GD-ĐT, xem xét thế nào cho hợp lý cân đối. Nếu quy định tất cả đều như nhau, có lẽ những đối tượng này ít có cơ hội nâng cao trình độ.

Có nhiều cách thể hiện sự công bằng

Về mặt chính sách nhà nước, những thành phần dân cư nào thiệt thòi (người thiểu số, phụ nữ, con liệt sĩ, thương binh - do điều kiện gia đình nên thời trẻ không được đi học tử tế...) cần phải được tạo điều kiện để phát triển theo kịp số đông. Ở đây, việc ưu tiên là cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quy định với những công thức máy móc: nơi này cộng 2, nơi khác 1 điểm... Vì như thế là hoàn toàn tùy tiện, chẳng có cơ sở khoa học gì cả. Chưa kể còn có những điều vô lý như việc TP.Đà Lạt được xem là vùng sâu vùng xa như toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, vốn có những nơi rất heo hút?

Trong khi đó, đầu vào như thế nào phải là quyết định của từng trường, thậm chí từng khoa. Có những ngành đầu vào không cần quá xuất sắc (những ngành xã hội, nhân văn chẳng hạn, vì nó có tính tích lũy dần) nhưng sẽ có những ngành yêu cầu đầu vào rất nghiêm nhặt (thường là các ngành tự nhiên, kỹ thuật, y học...). Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, chẳng hạn Mỹ thì quyền tuyển sinh là của các trường, do các trường quyết định. Như vậy, thường các trường có chính sách tuyển sinh khác nhau cho các đối tượng chứ không phải máy móc dựa trên điểm số của một kỳ thi duy nhất. Đặc biệt, càng không bao giờ có chuyện cộng điểm khơi khơi như vậy! Thông thường, tuyển sinh ở Mỹ là đa tiêu chí, tức cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố: điểm thi (chỉ là một yếu tố), học bạ, hồ sơ cá nhân để xem các đặc điểm và quá trình hoạt động ngoài nhà trường của người học, thư giới thiệu... Dựa trên tất cả những yếu tố đó, người ta đưa ra quyết định cho từng trường hợp, trong đó sự ưu tiên cho các đối tượng được thể hiện bằng một tỷ lệ chỗ học dành cho đối tượng đó. Chẳng hạn, cần phải ưu tiên cho người Mỹ gốc Phi thì người ta sẽ dành ví dụ 10% chỗ học cho người gốc Phi, tất cả đối tượng cùng là gốc Phi sẽ được xem xét theo một nhóm đối tượng riêng, lấy từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu (không so sánh với những đối tượng không ưu tiên).

TS Vũ Thị Phương Anh
(Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)

Thu Hằng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.