Hiệp hội Quốc tế về đài mặt trăng (ILOA) và hãng Moon Express đã lựa chọn vị trí khá khó khăn để đặt kính thiên văn, nhưng họ tin rằng từ đó sẽ có cái nhìn rõ ràng về thiên hà của chúng ta.
Hai cơ quan này đã lên kế hoạch lắp đặt một ăng ten radio 2 m và cài đặt một kính thiên văn quang học bên mép cao của miệng núi lửa Malapert. Theo tạp chí Wired thì ILOA nhắm đến việc xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học và thương mại trên mặt trăng, trong khi Moon Express muốn cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh trong không gian vào 10 năm tới.
Hai đơn vị này đã gia nhập vào lực lượng muốn thiết lập hai đài thiên văn trên cực nam của mặt trăng. Những công cụ này không bị che mờ vì bầu không khí như trên trái đất, cũng không bị ảnh hưởng bởi sóng của các đài phát thanh và tiếng ồn điện từ được tạo ra bởi các công nghệ hiện đại.
Ý tưởng đặt kính viễn vọng trên mặt trăng không phải là mới. Các nhà thiên văn từ lâu đã muốn đưa lên phần tối của mặt trăng kính thiên văn, với hy vọng sẽ thu được hình ảnh rõ ràng hơn so với bất kỳ thiết bị nào từ trái đất, thậm chí cả trong không gian. Wired dẫn lời Steve Durst, người sáng lập và Giám đốc điều hành ILOA cho biết những hình ảnh thu được từ mặt trăng sẽ được truyền thẳng về trái đất.
Một ngày trên mặt trăng tương đương 1 tháng trên trái đất, có hai tuần như ban ngày với nhiệt độ lên đến 120 độ C và hai tuần kế tiếp là đêm lạnh âm 170 độ C. Vì vậy thiết bị khoa học kỹ thuật phải chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt này. Tuy nhiên, vị trí chọn đặt kính viễn vọng ở cực nam mặt trăng giúp nó hưởng được 90% ánh sáng mặt trời và nhiệt độ ổn định ở mức âm 50 độ C.
Báo Daily Mail dẫn lời ông Durst rằng các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ giúp cung cấp điện cho kính thiên văn hoạt động và nơi này cũng được coi là vị trí tốt nhất nếu trong tương lai con người lại muốn đổ bộ xuống mặt trăng. Dự tính kính thiên văn trên mặt trăng sẽ hoàn thành trong năm 2016 với chi phí chừng 100 triệu USD.
Tạ Xuân Quan
>> Khởi công đài quan sát thiên văn số 1 châu Á
>> Kính sát tròng "thiên văn
>> Giải mã sự kiện thiên văn độc đáo
>> Khánh thành đài thiên văn lớn nhất thế giới
Bình luận (0)