Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 7: Rừng ma và thiên táng

22/07/2013 00:15 GMT+7

Mỗi làng của đồng bào dân tộc Tây nguyên đều có một “gồ năm” (rừng ma). Đây là cõi linh thiêng và là thế giới của người chết, nên sau lễ “bỏ mả”, đồng bào không dám bén mảng đến. Tại các rừng ma này, đồng bào còn có tục táng người chết… trên cây, gọi là “thiên táng”.

>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 6: Phạt vạ trai gái quan hệ bất chính
>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 5: Muốn được chồng phải đi chặt củi
>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 4: Nói chuyện bằng “mật ngữ”

Theo dấu rừng ma

“Nó ở cách làng không xa lắm đâu. Cứ đi, thấy rừng le, lồ ô và cây rừng rậm rạp thì đó là rừng ma”, một người Hà Lăng ở làng Đăk Ak (xã Đăk Long, H.Đăk Glei, Kon Tum) chỉ đường nhưng sợ sệt ra mặt... Bloong Dan, cán bộ văn hóa xã Đăk Glei là người Giẻ, nghe tôi rủ vào rừng ma, có vẻ e ngại nhưng cũng theo chân.

 Một ngôi mộ trong rừng ma rậm rạp - d
Một ngôi mộ trong rừng ma rậm rạp - Ảnh: Phạm Anh

Bước vào rừng ma của làng Đăk Ak, mùi ẩm thấp bay lên xông vào mũi. Đã gần trưa nhưng sương còn đậm trên lá rừng. Vạch cây rừng chằng chịt đi được khoảng 30 phút, quần áo đã ướt sũng. Càng đi sâu vào bên trong, rừng cây càng rậm rạp. Phía dưới chân, thảm lá cây mục nát theo năm tháng, có nơi trơn trượt khiến tôi suýt ngã mấy lần. Vắt bò lổm ngổm, ngửi được hơi người chúng búng nhanh bám vào da thịt. Lác đác những mộ táng hiện ra. Có mộ làm bằng xi măng hẳn hoi, có mộ làm sơ sài chỉ gạch viền xung quanh. Đặc biệt, mộ ở đây chôn cạn, hòm được xây kín mặt phía trên bằng lớp xi măng dày nổi lên mặt đất.

Đến giữa rừng ma, xung quanh bịt bùng. Lâu lâu lại gặp một số ngôi mộ vỡ toác, gỗ, gạch vất vưởng, còn huyệt mộ bị thú rừng đào nát, tung tóe đất đỏ. Lăn lóc trong các bụi cây, có những mẩu gì trăng trắng như xương người. Anh bạn đi cùng bỗng nhiên lên cơn ho sù sụ và ói ra từng ngụm khi chứng kiến cảnh này cùng mùi hôi thối khó chịu bốc lên. Quan sát các khu mộ ở đây, chúng tôi thấy có chỗ mộ tập trung rất uy nghi, nhưng sâu sau rừng ma, mộ chôn rất cạn và sơ sài, giống như người ta mang lấp xuống rồi chẳng quan tâm gì nữa.

A Xon, cán bộ văn hóa thông tin xã Đăk Long, cho hay ở đây có tám làng, thì có tám rừng ma. Nhìn bên ngoài ngỡ như nhau, nhưng bên trong có chia ra chết thường và “chết xấu”. Những ngôi mộ chôn cất đàng hoàng là người lớn tuổi, bị đau chết tại nhà… Còn mộ sơ sài là của người “chết xấu”: bị tai nạn trên rừng, chết đuối nước, bị cây đè, trèo cây té xuống và đau một ngày rồi chết cũng là “chết xấu”.

Theo A Xon, cả người Giẻ và Hà Lăng ở đây đều có tục giống nhau: khi chôn cất người chết, người già trong làng vào rừng tìm bảy lá gai. Đến khi đưa người chết xuống mộ, bảy lá gai được đặt trên ngực. Lúc này, người đưa tang ma im lặng chừng 10 - 15 phút. Sau đó, các già làng đến xem lá gai: nếu người chết bị ai đó “thư” thì lá gai có màu đỏ, lá cây có đất đỏ dính lên là mai mốt có người làng bị bắt đi theo. Ở đây có tục nữa là phụ nữ không được tham gia an táng. Và sau 10 ngày, người ở đây làm lễ “bỏ mả”. Ngày này, gia đình sẽ mang con gà và chia của cho người chết bằng vật hay tài sản mà khi còn sống người chết thích nhất, mang ra bỏ trên mộ, kèm theo thức ăn gồm nội tạng sống của các con vật trộn với cơm, rượu.

Thiên táng ở rừng ma

Bloong Dan kể, rừng mà chúng tôi vào, cách đây gần 10 năm anh từng đi và thấy có thiên táng. Hồi đó, mộ thiên táng bằng các loại cây gỗ quý như trắc, hương được đục lỗ ở giữa, cho người chết nằm vào. Sau đó gia đình đưa vào rừng ma, tìm cây rậm rạp để treo mộ này lên, cách mặt đất chừng 2,5 - 3 m. “Khi thiên táng, đồng bào cho rằng khi sống rừng cho cái ăn, cái mặc; chết đi thì về với Yàng, nhờ cây rừng che chở linh hồn người chết”, Bloong Dan giải thích.

Thanh niên người Kinh tên Hoa buôn bán ở làng Đăk Ak mười mấy năm nay cho biết, ngày trước có việc đi ngang rừng ma, thấy hòm người treo lủng lẳng, sợ lắm. “Vào rừng ma, do bà con chôn cạn và mộ thiên táng rơi xuống đất, nhìn thấy hãi lắm!”, Hoa nói.

Già làng Y Côi bảo, theo quan niệm của đồng bào ở đây, nếu mộ người chết bị moi lên thì đó là con ma rừng đáng sợ nhất. Nó sẽ tìm đường về làng, bắt người nhà, bắt người làng theo nó. Ấy là chưa kể nó sẽ quấy phá làng liên tục: làm người đau ốm, đau chết, mùa rẫy thất bát. Vì vậy ngày trước nhiều làng phải dời đi tìm nơi ở mới, tránh xa con ma rừng đáng sợ kia. Đây là lý do lớn nhất khiến đồng bào thiên táng. “Hồi đó, có đêm cọp gầm rú ngoài rừng ma. Bởi nó đánh hơi được thịt nhưng không leo lên cây được nên gầm rú thế. Còn ban ngày, quạ bay đầy chỗ thiên táng. Chúng nó là loài ăn thịt thối, bay quần qua lại để ăn xác chết thôi”, già Y Côi kể.

“Với rừng ma, dù thiên táng hay địa táng, thì người làng không ai dám vào. Vì trong ấy là thế giới của ma rừng, thế giới của người chết. Ai lại đi vào sống với con ma rừng”, già Y Côi cho biết thêm. Người làng còn nói, nếu ai vào rừng ma, thấy thú rừng moi xác lên ăn, thì dứt khoát người thấy này trước sau gì cũng đau chết, vợ sinh ra con cái không bình thường. Tiếp lời, A Xon cho hay chỉ có nhà giàu mới thiên táng. Vì chỉ họ mới thuê được người đi tìm cây gỗ rừng quý, đường kính 1,5 đến hơn 2 m, chặt về rồi đục bên trong. Rất công phu và tốn kém.

Già làng Y Côi kể, tục thiên táng có từ ngày trước. Xuất phát từ việc vùng này là rừng cây rậm rạp, khi chôn cất người chết bị thú rừng, nhất là mèo rừng và cọp moi xác lên ăn. Vì vậy, ngoài phong tục cho rằng nhờ cây rừng che chở linh hồn, thì do nghĩ là treo lên cây không bị thú rừng ăn thịt.

Phạm Anh

>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 3: Ám ảnh ma làng
>> “Ma làng” thời đổi mới
>> “Ma làng” ở Thượng Trạch
>> “Thây ma” lang thang trên phố ở New York

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.