Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 3: Ám ảnh ma làng

17/07/2013 00:00 GMT+7

Những nhân chứng sống mà chúng tôi gặp gỡ đã tố cáo một tập tục kinh hoàng - đòi chôn sống trẻ sơ sinh nếu chẳng may sản phụ tử vong - cùng với nỗi ám ảnh dai dẳng về “cái chết xấu”.

Thoát hiểm hy hữu

H.T.D. bị đuổi ra khỏi làng, khi người dân ở làng Tăk Giang thuộc thôn 6 xã Trà Cang (H.Nam Trà My, Quảng Nam) phát hiện cô không chồng mà chửa. 26 tuổi, cô gái Xê đăng này mang tiếng “chửa hoang” đến 2 lần. “Cả làng đuổi tôi. Họ bảo, nếu mày muốn sinh con thì đừng có bước vô làng này, đừng bước vô nhà của mày nữa”, D. nhớ lại. Trong căn nhà gỗ vắng chủ cách làng cũ hơn 30 km nơi D. đang trú ngụ, đúng tháng 7 năm ngoái, D. âm thầm sinh nở và suýt nữa cả mẹ con đã bỏ mạng. Chuyện của D. nhắc nhớ về luật lệ khắc nghiệt ở vùng cao dành cho những cô gái lầm lỡ. Nhưng dẫu sao, mẹ con D. thoát chết vì may mắn gặp được ân nhân Hồ Thị Hiếu - một cô gái Xê đăng ở thôn 7 cùng xã. D. chuyển dạ, sinh con từ 7 giờ tối, đến 10 giờ trưa hôm sau Hiếu mới hay tin thuê xe ôm chạy vào. Lúc đó, đứa bé nằm dưới đất, bên cạnh người mẹ đang thoi thóp…

 
Cháu bé Hồ Quốc Khánh và “mẹ” Hiếu sau 22 tháng thoát hiểm - Ảnh: H.X.H

Hồi tháng 9.2011, vùng cao Quảng Nam đã chấn động với thông tin y sĩ Hồ Thị Hiếu kịp cứu sống đứa trẻ Xê đăng Hồ Quốc Khánh suýt bị dân làng chôn sống theo mẹ. Cô y sĩ sinh năm 1987 này khi ấy mới nhận quyết định bổ nhiệm Trưởng trạm y tế xã Trà Cang đúng 1 ngày. Ngày 2.9.2011, khi đang nghỉ lễ ở trung tâm cụm xã Tăk Pỏ, Hiếu nhận điện thoại của em gái từ thôn 7 Trà Giang báo tin đang có ca sinh khó ở làng Tăk Giang (thôn 6). Sang đến nơi, em gái Hiếu còn hốt hoảng bảo người ta đòi chôn sống đứa trẻ theo tập tục cũ sau khi sản phụ Hồ Thị Yên (sinh năm 1978) băng huyết, tử vong. Dân làng quan niệm, lỡ sau đó đứa trẻ bị khát sữa chết sẽ biến thành “ma làng” gây hại. Không còn cách nào khác, Hiếu “điều đình” qua sóng điện thoại di động với người chồng tên Hồ Văn Xếp: “Sao ác độc quá vậy? Cứ cắt rốn cho nó, rồi để tôi nuôi. Nó cũng ưng sống như mấy người vậy!”. Hiếu kể, phải làm căng lắm gia đình ông Xếp mới cho bế đứa trẻ đi, nhưng phải tốn thêm hơn 200.000 đồng để trả công cho người làng Tăk Giang cắt rừng dẫn xuống huyện.

Hiếu và cháu bé hiện đang ở trong ngôi nhà gỗ dựng bên bờ sông Tranh dưới thôn 4. Trạm y tế xã Trà Cang ở thôn cách nhà chừng 15 km, nhưng cô phải chạy xe máy gần 1 giờ 30 phút mới đến, cứ đều đặn sáng đi chiều về. Hôm chúng tôi đi cùng chuyến với Hiếu từ dưới nhà lên trạm y tế, cô bị ngã xe mấy lần do chở thùng y tế cồng kềnh khi vượt lên các đoạn dốc đá lởm chởm…

Bước qua lời nguyền

Làng Tăk Giang nằm ở lưng chừng ngọn núi Piêu, vỏn vẹn chưa đầy 100 nóc nhà, cách trung tâm huyện Nam Trà My hơn 4 giờ đồng hồ đi bộ. Nơi đây tồn tại một qui định bất thành văn: mỗi khi có người “chết xấu”, cả làng kiêng cữ đến mức “nội bất xuất ngoại bất nhập”, ai không tuân theo sẽ bị già làng phạt vạ. Kinh hoàng hơn, đứa trẻ nếu còn sống cũng bị chôn theo mẹ…

Nhớ lại, Hiếu vẫn còn rùng mình: “Họ nói tôi phản bội dân làng. Nhà cũ của tôi ở chỉ cách chỗ đó 1 thôn. Người ở làng cứ quở trách tôi hoài, bảo mày cũng là người Xê đăng, chưa có chồng con mà không biết kiêng cữ. Đã không tránh cái chết xấu, lại còn rước nó về làm con nuôi”. Lúc đó, Hiếu bảo mình chỉ nghĩ đến việc cứu người, thậm chí “cam kết” sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước dân làng, miễn là cứu được đứa trẻ.

Câu chuyện cứu sống cháu bé Hồ Quốc Khánh đã “đánh thức” lương tâm nhiều người. Cán bộ xã cũng tìm về làng Tăk Giang biệt lập ấy nhiều hơn, có điều dân  làng né tránh không ai chịu “thừa nhận” hủ tục dai dẳng ấy, như lời một vị lãnh đạo xã Trà Cang trần tình với chúng tôi. Nhưng cô gái Xê đăng Hồ Thị Hiếu không nghĩ vậy. Những trường hợp mà Hiếu liệt kê thật kinh hoàng: Năm 2009, ở thôn 5 Trà Giang, có gia đình cố tình đẩy người mẹ (đã tử vong vì sinh khó) đè lên đứa trẻ đến ngạt thở. Hồi tháng 7.2010, cũng ở thôn 6, sản phụ Hồ Thị Sam sinh đứa thứ 5 lúc nửa đêm khi người chồng đang ở nhà cha mẹ ruột. Mãi đến sáng hôm sau, hàng xóm nghe tiếng trẻ khóc tìm đến thì người mẹ đã chết. Người chồng Hồ Văn Níu trở về, lạnh lùng đưa cả hai mẹ con đi chôn. “Hồi đó, nghe tin xấu tôi đã tức tốc chạy bộ lên làng để cứu đứa bé, nhưng khi đến nơi thì đã quá muộn. Tôi không hiểu vì sao họ có thể làm những chuyện khủng khiếp đến thế?”, Hiếu nói.

Ngay ở thôn 7 quê Hiếu, người làng còn nhớ một trường hợp tương tự xảy ra 30 năm trước. Nỗi ám ảnh về “ma làng” thi thoảng mới xuất hiện ở vài thôn nóc vùng cao, nhưng có sức ám ảnh khủng khiếp. Nơi bản làng heo hút, nhiều lời nguyền cũ vẫn đang bao phủ. Người dũng cảm dám bước qua lời nguyền như Hồ Thị Hiếu quá hiếm hoi. Những sự cố đau lòng ấy cùng với nhân chứng sống đã đặt ra câu hỏi: bao giờ, và ai, sẽ xóa bỏ tập tục kinh hoàng này?

Hồ Quốc Khánh, tên đứa bé may mắn được Hồ Thị Hiếu nhận làm con nuôi và đặt tên, giờ đã 22 tháng tuổi. Mẹ con Hiếu ở ngôi nhà gỗ ven đường dưới thôn 4 Trà Cang, cách không xa trung tâm H.Nam Trà My. Hằng ngày, Hiếu phải thuê người giữ con với tiền công 500.000 đồng/tháng, chưa kể khoản ăn uống, quần áo… Gia cảnh Hiếu thật khốn khó. Nhà đông anh chị em, chỉ mình cô được theo học ngành y tại Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam. Năm 2009, Hiếu quay về làm việc không lương tại Trạm y tế xã Trà Cang. Đến năm 2010, Hiếu mới được nhận mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng, sau đó (năm 2011) lại cáng đáng nuôi thêm một đứa trẻ với nhiều lời dị nghị…

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Tập tục ngày tết trên thế giới
>> Tập tục tàn bạo từ thời Aztec
>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 2: Đâm tay xử án
>> Những tập tục kỳ lạ: Gieo quẻ đặt tên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.