Suốt mười ngày cô thân nơi vạt rừng vắng không người bén mảng, không ai chăm sóc, tới thăm, sản phụ mới được về nhà. Phía sau mỗi lần vượt cạn là những dòng nước mắt đầy thân phận.
10 lần sinh con trong rừng
Trời nhá nhem tối, bà Y May (60 tuổi) ở thôn Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei, Kon Tum mới về. Thấy khách trong nhà bà Y May xuýt xoa hai bàn tay lạnh: “Tui về trễ là do đi hái nắm thuốc cho ông A Grô (chồng bà Y May) bị bệnh mấy ngày qua”.
Buổi chiều miền biên viễn se lạnh khiến cho những người ngồi bên bếp lửa dễ bộc lộ tâm trạng của mình hơn. Bà Y May cũng thế, vừa nấu bữa tối, bà vừa kể chuyện cho khách nghe về cuộc đời mình, về tục sinh con trong rừng của người phụ nữ Giẻ - Striêng và người Tà Rẻ nơi này.
“Quê già ở làng Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, H.Đăk Glei, Kon Tum, năm 1993 mới về ở thị trấn này. Mà cho dù ở trong làng xa hay về thị trấn, việc đẻ con vẫn không khác gì nhau: phải vào rừng đẻ theo phong tục thôi”, bà Y May mở đầu câu chuyện. Bà đã đẻ 10 đứa con trong rừng, đứa đầu tiên sinh năm 1977 và đứa cuối cùng năm 1996, cứ mỗi đứa được sinh ra là một lần người mẹ tội nghiệp ấy phải đấu tranh với bệnh tật, khổ đau và cô quạnh.
|
Bà kể, gần đến ngày vượt cạn, người đàn bà phải tự chuẩn bị từ nước uống, thức ăn và nhất là củi: lựa cây củi tươi, để nó tự khô và cấm kỵ việc lấy củi đã khô hoặc đã bị cháy. “Nghe cái bụng đau đau là tìm vào vạt rừng nào thật vắng, không có ai qua lại. Chỗ vượt cạn là hai tấm ni lông: một lót chỗ nằm, một treo trên đầu che nắng, mưa”. Nhìn ra rừng xà nu mờ sương sau khói bếp, Y May kể với giọng buồn buồn.
Đứa con đầu của Y May là Y Bóp sinh vào mùa đông năm 1977. Ngày đó, Y May nghĩ, đã là phong tục thì phải làm, dù chồng bà, ông A Grô là giáo viên, người mang nhiều cái chữ, cái đẹp dạy cho đồng bào nơi đây, nhưng đã là người làng Đăk Ung, nơi góc rừng Tây nguyên xa xôi bí ẩn, thì ai cũng không vượt qua được tục làng. Ngày ấy, vào khoảng chiều tối, nghe cái bụng âm ẩm đau, Y May thui thủi vào rừng. Đêm vượt cạn con so, Y May một mình vật vã, nhìn xung quanh chỉ có cây rừng và bóng tối vây quanh, không có ai bên cạnh. Đẻ xong, có lúc đau quá ngất đi, tỉnh dậy thấy con đỏ hỏn tím tái vì rừng đêm lạnh lẽo. Buồn tê tái, cảnh rừng đêm vắng vẻ, đâu đấy lại nghe tiếng thú rừng hú dài. “Nói thiệt, nếu không có tiếng khóc của con thét giữa đêm rừng lạnh, mình không dám ở đâu. Có hồi, mẹ sốt, con sốt, trời lại đổ mưa, ướt cả củi, thức ăn, chỉ có nước ôm con khóc...”, Y May nhớ lại.
Khổ nỗi, suốt 10 ngày ở rừng, dẫu là con ruột cũng không có đứa nào dám đến thăm. Nếu đến thăm thì chỉ có cha mẹ, nhưng đứng cách xa 4 - 5 m hỏi thăm rồi về. Điều đáng nói là, sau 10 ngày ở rừng, sản phụ khi về nhà phải làm rượu ghè lót trên một tấm sắt và một con gà để đãi cha hoặc mẹ đến thăm lúc mình sinh đẻ. “Nếu không làm thế, cha mẹ ngủ mà thấy giấc mơ xấu, hay đi rừng bị vấp rễ cây, vắt cắn… là đổ cho con gái (hoặc con dâu) không làm rượu, gà cho ăn uống để giải xui”, Y May giải thích.
“Lúc bà sinh con, ông A Grô ở đâu?”, chúng tôi hỏi. Bà Y May lắc đầu: “Ô, ổng đi dạy suốt. Lâu lâu lại đi ra kiếm thịt chuột nấu cho vợ ăn. Mà không dám đi xa đâu, vì lỡ gặp cây bị sét đánh, hay gặp cây đa là sợ lắm”. Theo quan niệm của đồng bào Giẻ - Striêng lúc vợ sinh, người chồng đi mà gặp cây đa và cây bị sét đánh, thì vợ hoặc con sẽ chết trong dịp ấy. Y May cũng bảo, bà có hai đứa con gái chết khi sinh trong rừng là do ông A Grô gặp phải những thứ như trên. Câu chuyện huyền hoặc nghe rờn rợn.
“Trả một đứa cho trời, còn một đứa mang về nuôi”
Hỏi về tục “đẻ trong rừng” của đồng bào bắc Tây nguyên, bà Y Nhung, Phó phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao H.Đăk Glei bảo vẫn còn đấy, dù mức độ xảy ra ít hơn. Nói rồi Y Nhung cử cán bộ đi với chúng tôi về xã Xốp, vùng người Tà Rẻ sinh sống nhiều nhất. Tại đây, chúng tôi đi gặp già làng A Ruối ở làng Xốp Dùi. Già A Ruối kể, đồng bào đẻ theo phong tục có từ ngày xưa. Đàn bà khi muốn sinh con, phải ra núi mà đẻ. Mỗi người phải mang theo một nồi cơm, một nồi canh. Sau này trong làng, có đứa nào đẻ nữa, đến mượn hai cái nồi này mang vào rừng nấu ăn khi sinh đẻ.
Ai ra rừng đẻ hai đứa (sinh đôi) thì “trả một đứa cho trời, còn một đứa mang về nuôi”. Nghĩa là, sản phụ phải bỏ một đứa con trong rừng, mặc cho sống chết, chỉ mang một đứa về nuôi thôi. Có người sinh đôi xong, đứa con bị bỏ lại được bú no, rồi quấn quần áo thật nhiều cho ấm, người mẹ mới bỏ đi. Hoặc, có bà mẹ thương con nên treo con lên cây cho thú dữ khỏi ăn thịt. Những phụ nữ này được người làng cảm phục vì cho rằng đã cứu làng thoát khỏi ma xấu về phá làng, gây bệnh tật, gây mất mùa. Ấy là chưa kể, khi mang một đứa con về, nhà sinh đôi phải mổ heo, mổ trâu mời làng đến ăn để “xin lỗi”. “Thưa già làng, bây giờ còn đẻ kiểu này nữa không?”, chúng tôi hỏi. “Còn chứ, ở mấy làng xa còn thế. Còn đẻ hai bỏ một thì nay lạc hậu rồi, không ai làm thế mà mang tội”, già A Ruối trả lời.
Ông A Nhoan, Phó chủ tịch UBND xã Xốp, H.Đăk Glei, cho biết chuyện “sinh hai bỏ một” của người Tà Rẻ đã bỏ cách đây khoảng 10 năm. A Nhoan cũng khẳng định là việc sinh con tại rừng hầu như không còn nữa, phụ nữ bây giờ khi đẻ nhiều người đến trạm y tế xã. |
Phạm Anh
>> Những tập tục kỳ lạ: Gieo quẻ đặt tên
>> Tập tục tàn bạo từ thời Aztec
>> Tập tục lạ ở vùng cao: Mã não quyền uy
>> Tập tục ngày tết trên thế giới
Bình luận (0)