Theo tinh thần của quy hoạch, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được tu bổ, tôn tạo thành một công viên lịch sử văn hóa mở, có sự kết nối với khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và nhà Quốc hội. Quy hoạch đề xuất tại khu vực Cột cờ và Công viên tượng đài Lênin sẽ cải tạo lại thành một khối thống nhất; khu vực từ Cột cờ đến Đoan Môn sẽ là không gian quảng trường, nơi chờ của du khách trước khi vào tham quan; từ Đoan Môn vào đến điện Kính Thiên sẽ di dời trụ sở làm việc của Cục Tác chiến, tạo thành một không gian thống nhất.
Quy hoạch cũng đề xuất mở rộng nền điện Kính Thiên theo hướng hạ giải một số công trình xung quanh, tiến tới quy hoạch lại nền điện theo đúng giá trị lịch sử. Khu Hậu Lâu sẽ quy hoạch thành không gian trưng bày và lưu trữ các cổ vật. Tại cửa Bắc, nghiên cứu phục dựng hai lối lên bằng bậc thang như Đoan Môn... Quy hoạch cũng mở rộng vùng đệm bảo tồn lên 176,6 ha theo khuyến cáo của UNESCO.
Đối với thành Cổ Loa, quy hoạch xác định thành 4 khu vực bảo tồn tương ứng với 4 vòng thành. Theo đó, vùng lõi là khu trung tâm sẽ được bảo tồn nguyên trạng, tổ chức các dịch vụ phục vụ tham quan kết hợp bảo tồn các giá trị nhân văn. Khu ngoại sẽ bố trí bảo tàng, các địa điểm tham quan, du lịch. Khu biên là nơi trồng các hàng cây xanh với chiều dài 50 m.
Quy hoạch cũng xác định toàn bộ khu di tích, với tổng diện tích 860 ha thành 3 vùng, vùng 1 là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng 2 là vành đai cảnh quan, vùng 3 là vùng kiểm soát kiến trúc và hoạt động. Đồng thời, quy hoạch đề xuất phương án phục hồi các hào, vòng thành và di dân, dự kiến giai đoạn 1 sẽ có 720 hộ phải di dời.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh, quy hoạch này liên quan đến con người bởi đây là nơi sinh sống của gần 15.000 dân, cần sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đồng thời khẳng định, khu di tích Cổ Loa sẽ là một trong những công viên chính của thành phố.
V.Chiến
>> Lạnh lẽo du lịch Cổ Loa
>> Ế chợ Cổ Loa
>> Khó bỏ con đường "đâm xuyên" thành Cổ Loa
>> Con đường “đâm xuyên” thành Cổ Loa
Bình luận (0)