Singapore đương đầu với tham nhũng

26/07/2013 11:00 GMT+7

Việc một cán bộ chống tham nhũng ra tòa vì biển thủ công quỹ đặt quốc gia có chỉ số minh bạch hàng đầu thế giới trước những thách thức lớn.

Nhiều thập niên qua, Singapore luôn nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số minh bạch, theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Thành quả này được cho là có sự đóng góp lớn của chính sách lương bổng và đãi ngộ đối với công chức nhà nước. Bên cạnh đó, từ đầu thập niên 1950, Singapore đã thành lập Cơ quan Điều tra tham nhũng (CPIB) độc lập với lực lượng cảnh sát để điều tra sai phạm trong chính bộ máy công quyền. Từ năm 1968, CPIB trực tiếp nằm dưới sự quản lý của Văn phòng Thủ tướng (PMO).

Lịch sử CPIB từng 2 lần bị vấy bẩn. Đó là vào năm 1997 khi một điều tra viên cao cấp bị phạt tù 1 năm vì lừa đảo, và năm 2002, một chuyên viên lãnh 2 năm tù giam vì tuồn thông tin mật cho 2 cảnh sát đang bị điều tra.


Edwin Yeo Seow Hiong che mặt khi đối diện báo chí trước tòa án - Ảnh: The Straits Times
 

Nhưng vụ việc được công khai ngày 24.7 mới “đặc biệt nghiêm trọng”. Tin từ tòa án hình sự cho biết ông Edwin Yeo Seow Hiong, 39 tuổi, nguyên Phó ban Nghiên cứu hiện trường và hỗ trợ kỹ thuật của CPIB bị buộc 21 tội trạng. Trong đó, có 8 cáo buộc biển thủ tổng số tiền đến hơn 1,76 triệu SGD (30 tỉ đồng) trong suốt 4 năm từ 2008, 1 tội làm giả hóa đơn trị giá 370.755 SGD mà CPIB phải thanh toán và 12 tội dùng tiền biển thủ đánh bạc tại sòng bài Marina Bay Sands trong năm 2012. Hành vi của Yeo chỉ được phát hiện khi một nhân viên CPIB rỉ tai với cấp trên vào tháng 9.2012.

Quy trình điều tra tham nhũng

Sau cáo buộc của tòa án, PMO lập tức gửi đến báo chí thông cáo dài 2 trang khẳng định ngay khi phát hiện, vụ việc được xếp vào diện hình sự và chuyển sang Ban Điều tra thương mại của lực lượng cảnh sát “nhằm đảm bảo tính toàn diện và không thiên vị trong quá trình điều tra”.  Bên cạnh đó, “Thủ tướng cũng lập ra một ban kiểm tra độc lập để xem xét vụ này đã xảy ra như thế nào”, thông cáo cho biết.

Để trấn an thêm dư luận, CPIB liền sau đó cũng gửi đến báo chí một bản cáo bạch, nói rõ rằng Yeo bị giáng chức ngày 15.9.2012, chỉ một ngày sau khi có tin về những hành vi sai trái của ông này và sau những điều tra khẩn cấp ban đầu. Thông cáo cũng cho biết thêm: “Nhân viên CPIB, cũng như tất cả các công chức khác, hằng năm phải kê khai trách nhiệm tài chính nhằm bảo đảm họ không vướng vào tình trạng tài chính xấu”. “Trong trường hợp của Yeo, đã có những lúc quy trình và việc kê khai bị lỗ hổng”, CPIB nhìn nhận. Giám đốc CPIB Eric Tan cũng nhận trách nhiệm: “Tôi đau buồn sâu sắc về việc thất thoát công quỹ trong khi tôi nắm giữ CPIB. Là người đứng đầu cơ quan, tôi nhận trách nhiệm về sơ suất và thiếu sót dẫn đến hành động sai trái của cấp dưới diễn ra trong suốt 4 năm”.

 

Cần có cải cách thật sự, chứ bỏ tù hay cách chức cũng chưa hẳn là liều thuốc đủ hiệu nghiệm

Tiến sĩ Vũ Minh Khương - ĐH Quốc gia Singapore

Thông cáo của PMO lẫn CPIB cũng cho hay ủy ban độc lập mà Thủ tướng Lý Hiển Long lập ra để điều tra vụ này đã hoàn tất bản báo cáo với những đề xuất quản trị tài chính và hoạt động của CPIB. Thủ tướng đã thông qua những khuyến nghị này và CPIB đang thực thi nhằm tăng cường kiểm soát tài chính.

Nhưng những “trần tình” của PMO, CPIB và ông Tan xem ra không được công chúng thông cảm cho lắm. “Anh ta lấy trộm đến 1,76 triệu SGD của CPIB mà không hề bị phát hiện trong suốt 4 năm. Thật lạ lùng!”, cựu phóng viên Jabbar Hanieff viết trên Facebook.

Thách thức

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Teo Chee Hean trong thông cáo của PMO thừa nhận: “Trường hợp này là đặc biệt nghiêm trọng vì liên quan đến một nhân viên cao cấp của CPIB, cơ quan vốn được trao sứ mệnh duy trì sự chính trực của hệ thống”. Nếu bị kết tội, hành vi biển thủ công quỹ có thể khiến ông Yeo bị tù chung thân, chưa kể các tội danh khác đều có mức án tù từ 4-7 năm.

Dư luận mong đợi hành động đầu tiên mà chính quyền cần làm để chứng tỏ quyết tâm chấn chỉnh bộ máy công quyền mà gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ bê bối lớn là việc từ chức của người đứng đầu CPIB. Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng dạy tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nói với Thanh Niên rằng nguyện vọng đó của công chúng là chính đáng. Tuy nhiên, theo cựu nhà báo Chin Kah Chong, việc một quan chức từ chức vì sai phạm của cấp dưới là điều ông chưa từng thấy ở nước này.

Trong khi đó, đảng Nhân dân Singapore đối lập đã ra thông cáo về vụ việc. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ siết chặt hệ thống chống tham nhũng. Nhưng câu hỏi cũ rích mà quan trọng hơn, đó là: Ai giám sát những người giám sát tham nhũng? Chính phủ cần phải trả lời những quan ngại này của công chúng”, thông cáo viết. Theo tiến sĩ Vũ Minh Khương, đó không phải là những câu hỏi dễ trả lời, đặc biệt vào thời điểm mà ông cho là tinh thần cống hiến của công chức xứ sư tử có phần xuống dốc so với thời Singapore còn khó khăn dựng nước. “Cần có cải cách thật sự, chứ bỏ tù hay cách chức cũng chưa hẳn là liều thuốc đủ hiệu nghiệm”, ông nói.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Kiến nghị Bộ GTVT kiểm điểm phòng chống tham nhũng
>> Singapore truy tố quan chức chống tham nhũng tội biển thủ
>> Chậm xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế vì... thiếu tiền
>> Kỷ luật Phó ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Hậu Giang
>> Án tham nhũng chủ yếu tập trung trong lĩnh vực ngân hàng tài chính
>> Giải trình về chống tham nhũng: Khó phát hiện vì người tham nhũng... có chức vụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.