EVN với chiến lược nâng cao năng lực tài chính

26/07/2013 09:15 GMT+7

Mỗi năm Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần hơn trăm ngàn tỉ đồng để đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện. Để tìm lời giải cho bài toán tài chính, EVN đang xây dựng Chiến lược nâng cao năng lực tài chính.

Theo Quy hoạch điện VII, giai đoạn 2011-2030, tổng số vốn đầu tư cho toàn bộ hệ thống điện Việt Nam là hơn 123 tỉ USD, cụ thể từ 2011-2020: cần 48,8 tỉ USD, mỗi năm cần 4,9 tỉ USD. Giai đoạn 2021-2030: cần 75 tỉ USD, tương ứng mỗi năm cần 7,5 tỉ USD.

Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu có tổng mức đầu tư 35.700 tỉ đồng d
Nhà máy Thủy điện Lai Châu có tổng mức đầu tư 35.700 tỉ đồng - Ảnh: N.H

Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn đầu tư là 501.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Nam - Phó ban Tài chính Kế toán EVN cho biết ngân sách Nhà nước chủ yếu được ưu tiên cho việc đền bù di dân tái định cư của các dự án điện lớn. Đối với vấn đề đầu tư xây dựng, EVN gần như phải huy động từ nguồn vốn tự có, vốn vay hoặc thu xếp vốn.

Giải pháp nào cho vấn đề tài chính?

Đi tìm đáp án cho bài toán về nguồn vốn, trong khuôn khổ chương trình khổ hợp tác giữa EVN và Ngân hàng thế giới (WB), Công ty tư vấn Mercados sẽ tìm hiểu, thu thập số liệu và thảo luận với các bên liên quan và đề xuất chiến lược cụ thể nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động, từng bước nâng cao năng lực tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo nhận định của ông David Parish - Chuyên gia Tài chính kiêm Giám đốc Dự án cải tiến hiệu quả hoạt động tài chính của EVN, nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam tăng liên tục và nhanh hơn so với mức độ tăng trưởng GDP. Để đáp ứng nhu cầu điện, từ nay đến năm 2030, mỗi năm EVN cần  5-7 tỉ USD để đầu tư nguồn và hệ thống truyền tải.

Ông David Parish khẳng định: “Không thể có số vốn lớn như vậy nếu chúng ta không đưa ra các kịch bản về tăng trưởng phát triển khác nhau và những chính sách thay đổi phù hợp”.

Phát biểu về vấn đề này, bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc Quốc gia của WB phân tích: EVN cần phải xây dựng lộ trình cụ thể để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, WB sẽ tích cực hỗ trợ EVN, giúp EVN tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực tài chính bền vững. Đó là nhóm những giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam, không phải sao chép kinh nghiệm của bất kỳ quốc gia nào.

Những giải pháp nâng cao năng lực tài chính được EVN và các chuyên gia tính đến là: tăng khả năng huy động tài chính trong các doanh nghiệp ngành điện; thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện; liên doanh trong và ngoài nước nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng phát triển các dự án điện; cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện...

Theo các chuyên gia, đây là những giải pháp mang tính chiến lược, giúp EVN có nền tảng tài chính vững mạnh. Không những thế, các giải pháp thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, cổ phần hóa… sẽ còn nâng cao tính minh bạch, nâng cao hiệu quả của dự án điện.

Tổng nhu cầu đầu tư theo Quy hoạch điện VII

Giai đoạn 2011-2020: Toàn hệ thống điện cần 48,8 tỉ USD, mỗi năm cần 4,9 tỉ USD.

Giai đoạn 2021-2030: Cần 75 tỉ USD, tương ứng mỗi năm cần 7,5 tỉ USD.

Trang Phan

>> Vườn cây thanh niên trên Thủy điện Sơn La
>> Mổ lợn ăn mừng thủy điện Sơn La
>> Nguồn sống mới từ hồ thủy điện Sơn La
>> Trắng đêm trên công trình thủy điện Lai Châu
>> “4 nhất” trên công trình Thủy điện Lai Châu
>> Đêm trên công trường Thủy điện Lai Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.