Tàu đến G - Truyện ngắn của Ý Nhi

28/07/2013 03:00 GMT+7

Ông lên tàu lúc mười giờ đêm. Theo lịch trình thì hai giờ sáng tàu sẽ đến G. Trong gian phòng nhỏ có hai chiếc giường ba tầng, chỗ nằm của sáu người. Thế nhưng, cho đến khi tàu chạy, vẫn chỉ có một mình ông. Ông xếp đồ đạc lên tầng trên cùng rồi ngả lưng xuống chiếc giường có nệm cứng, bọc simili màu nâu sẫm.

Chiếc nệm quá cứng. Ông xoay đi xoay lại để tìm một thế nằm dễ chịu nhưng không sao có thể nằm yên ở bất cứ tư thế nào. Ông bật dậy, đập đập tay xuống nệm, nệm gì mà như một phiến đá thế này. Ông nghe thấy tiếng nói của mình lẫn trong tiếng xình xịch đều đặn, mệt mỏi của con tàu.

Ông cứ ngồi yên như thế, tay buông thõng, người hơi cúi gập xuống vì sợ đụng đầu vào tầng trên, mắt nhìn sàn tàu gỗ nâu đang rung lắc. Ông hối hận vì đã chọn đi tàu thay vì đi ô tô. Đã có cuộc tranh cãi nho nhỏ giữa hai cha con ông. Con trai ông muốn bố đi ô tô để rút ngắn thời gian dọc đường nhưng ông cương quyết chọn tàu hỏa để có một chỗ nằm. Hai cha con ông khắc khẩu, cứ  trò chuyện với nhau dăm bảy phút là lại bắt đầu tranh cãi, nhiều khi chỉ vì những lý do rất vớ vẩn. Hồi trẻ thì ông dừng lại trước, tay vỗ vỗ vào vai nó, thôi nào, thôi nào. Bây giờ nó dừng lại trước, vâng, tùy bố. Ông mỉm cười, nhớ lại ánh nhìn của nó khi từ biệt, con sẽ thu xếp đến G thăm bố. Nó có đôi mắt đen thông minh, quả quyết của mẹ.

Tàu đến G - Truyện ngắn của Ý Nhi 
Minh họa: Tuấn Anh

G là một khu nghỉ dưỡng nằm trên vùng cao, nơi có khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, dễ chịu. Khu nghỉ dưỡng nổi tiếng này chỉ cách thị trấn D xinh đẹp, thơ mộng vài cây số. Con trai ông đã thu xếp cho chuyến đi 3 tháng ngay sau khi ông nghỉ hưu. Nó bảo, bố dứt hẳn ra khỏi những vướng bận của mấy chục năm làm việc đi. Nó dừng lại, cúi xuống buộc lại sợi dây ni lông màu xanh ràng rịt thùng sách, bố thèm đọc sách, con chuẩn bị đủ để bố đọc trong lúc nghỉ ngơi. Ông biết, nó đã không nói hết những điều muốn nói. Từ ngày lớn lên, nó tránh nhắc đến mẹ, tránh khơi lại câu chuyện của cha mẹ. Nó cẩn thận để riêng một cuốn tiểu thuyết vào túi xách tay của ông, cuốn này rất thú vị, câu chuyện giản dị mà sâu sắc bố ạ. Con đã đọc cuốn sách một mạch, không rời ra được. Ông nhà văn này viết hay, nổi tiếng, giành đủ loại giải thưởng danh giá, vậy mà bỗng tuyên bố ngừng viết khiến người đọc tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nghe đâu rất nhiều độc giả gửi thư đến nhà xuất bản, đến các tòa soạn báo và gửi trực tiếp cho ông ấy nữa, chất vấn lý do ông ấy ngừng viết. Ông ấy im lặng trước tất cả. Con người cũng lạ bố nhỉ. Cứ thích người khác phải thỏa mãn nhu cầu của mình mà quên rằng người kia cũng có nhu cầu của riêng họ, một nhu cầu mà họ không thể chia sẻ cho bất cứ ai. Nó im lặng một chút rồi nói thêm, mà chắc gì người ta có thể tự lý giải được mọi hành động của chính mình. Một ngày đẹp trời nào đó, bỗng thích dừng lại, bỗng muốn rẽ sang một lối khác. Thế thôi. Hai chữ thế thôi thốt lên, che khuất một tiếng thở dài.

Ông mở đèn bàn, với tay lên tầng trên, tìm cuốn sách Người phàm của Philip Roth. Tên tác phẩm cũng như tên nhà văn đều khá xa lạ, hình như đây là lần đầu ông nghe nhắc đến. Ông không hiểu con trai ông, một kỹ sư địa chất, lấy đâu ra thời gian để cập nhật các sáng tác văn chương. Có lần nghe ông hỏi, nó cười cười, con không tưởng tượng nổi một cuộc sống không có sách. Cuốn sách khoảng vài trăm trang, hình một vòng xoáy lớn chiếm hết mặt bìa màu vàng nhạt, tên tác giả và tác phẩm được viết bằng những nét mảnh mai, rất nhỏ. Đèn trong khoang hơi tối, lại chập chờn theo nhịp tàu nên ông chỉ đọc vội mấy dòng giới thiệu in ở chỗ bìa gấp: Rất hiếm nhà văn có thể viết sống động như Roth về sức tàn phá của các cuộc hôn nhân thất bại và thuyết phục như Roth về sự bất khả của lòng chung thủy hay tình yêu…Thông qua người đàn ông không mang tên này, Philip Roth đã kể một câu chuyện vừa riêng tư vừa phổ quát về đời người, về mất mát, về tội lỗi, về ân hận, về nỗi sợ hãi, về lòng ham sống và can đảm vô song của con người trong hành trình đi tới đích cuối của số phận… Cuốn sách nhỏ tinh tế này lấp lánh những bí ẩn và hối tiếc của cả một đời người…Ông gấp sách đặt xuống gối, nhớ đến vẻ đăm chiêu của con trai khi nói về Roth, nhớ đến hai chữ thế thôi như một tiếng thở dài của nó. Hẳn nó đã đọc và muốn đây là cuốn sách đầu tiên của ông trong kỳ nghỉ dài hạn. Hẳn nó tin rằng Người phàm sẽ an ủi ông, sẽ đem lại cho ông một cách nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Sau mấy ngày lo giấy tờ, chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi, ông nghĩ mình sẽ ngủ vùi khi đã yên vị trên tàu. Thế nhưng ông cứ loay hoay trở tới trở lui, hết nằm xuống lại ngồi dậy, không sao chợp mắt. Ông khép cửa phòng, ra đầu toa hóng gió. Người gác tàu còn trẻ, có lẽ chỉ hơn con trai ông vài ba tuổi, đang phì phèo thuốc lá, ngẩng lên, lạ chỗ không ngủ được hử ông. Ông cười, chắc vậy. Cậu ta chìa gói thuốc về phía ông, ông hút thuốc cho tỉnh hẳn đi. Cứ ngật ngà ngật ngừ oải lắm. Ông đáp, tôi không hút thuốc. Có thể đó là một sai lầm. Tôi chẳng có thứ gì để giải khuây, để tỉnh táo cả. Cậu ta cười lớn, quăng mẩu thuốc đã tắt ra ngoài trời đêm, ông nói sao ấy chứ. Con đang muốn cai đây. Cô bạn con cứ gặp mặt là lại lằng nhằng chuyện trà lá, bia bọt của con, làm như chẳng còn chuyện gì khác để nói với nhau. Ông vỗ vỗ vai cậu ta, còn bà nhà tôi thì lại chê tôi chẳng biết gì ngoài mấy cuốn sách. Phụ nữ luôn luôn đúng. Cậu nên thuộc nằm lòng câu châm ngôn này. Cậu ta đứng bật dậy, để cháu lấy ấm trà Tân Cương đãi ông. Nghe ông, cháu tỉnh hẳn ra, làm ngụm trà nữa là tỉnh như sáo luôn. Ông mỉm cười nhìn theo dáng đi hàng hai tất bật của chàng trai.

Ông không hiểu tại sao mình lại bịa ra câu chuyện về người vợ. Suốt thời gian chung sống, bà chưa khi nào chê bai, phiền trách ông bất cứ việc gì. Họ tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu về miền biển quê ông. Tàu vắng. Trên chiếc ghế dành cho ba người chỉ có một mình ông với cái túi du lịch nhỏ. Ghế đối diện cũng chỉ có một bà cụ và một cô gái. Bà cụ hẳn đã ngoài tuổi bảy mươi, mặc áo cánh trắng mới, mái tóc bạc búi lại gọn gàng. Cô gái đang cúi xuống, lúi húi tìm kiếm vật gì đó trong  túi xách tay màu đen. Bà cụ hỏi, bác về đâu. Ông đáp, cháu về H ạ. Bà cụ mừng rỡ, may quá, tôi đang lo, sợ không có ai chỉ đường. Bà kể lể, cô em con dì con già của tôi lấy chồng ở H đã mấy chục năm. Chị em chỉ thi thoảng biết tin nhau, không thăm nom gì. Nay nghe chồng cô ấy ốm nặng, chẳng biết liệu có qua khỏi không, nên tôi phải thu xếp để đến thăm. Nói dại, nhỡ chú ấy có mệnh hệ gì thì chị em cũng còn nhìn thấy nhau. Con cháu bận bịu cả, chẳng đứa nào đi cùng. Sao bây giờ chúng nó bận bịu thế không biết. Ông cười, bà yên tâm, bà đến nơi nào của H cháu cũng sẽ đưa bà về tận nhà. Cháu là dân H mà. Cô gái ngẩng lên. Ông choáng váng vì đôi mắt đen láy và khuôn mặt thanh tú của cô. Ông muốn nói một câu gì nhưng tiếng tắt nghẹn, không sao thốt lên nổi. Lúc ấy ông 25 tuổi, vừa đi làm được ít lâu tại một trung tâm nghiên cứu giống cây cho vùng đất đồi trung du. Ông lục tìm cây thuốc đem về làm quà cho người chú, bóc ra một gói, rồi cầm điếu thuốc, gõ nhè nhẹ xuống mặt bàn, ra dáng sành điệu, tìm cách nhìn bìa cuốn sách cô gái vừa mở ra. Ông nói như reo, xin lỗi, cô nghiên cứu về thổ nhưỡng ư. Đôi mắt đen của cô thoáng ngạc nhiên, anh quan tâm đến việc này sao. Ông đỏ mặt, cũng có chút liên quan đến công việc của tôi. Hóa ra, họ học cùng trường, ở những chuyên ngành khác nhau. Có điều, cô vào trường thì ông vừa tốt nghiệp.

Về lại Hà Nội, ông dành cả sáng chủ nhật cho việc “tu sửa” căn phòng của mình. Lần đầu tiên ông nhận ra sự nghèo nàn và bừa bộn của nó. Dù vậy, ông chỉ có thể làm cho nó bớt bừa bộn mà thôi. Ông không thể chạy đi mua sắm thứ này thứ khác với đồng lương ít ỏi của mình. Khi cô đến, trên bàn đã có một lọ hoa cẩm chướng nhỏ và một đĩa kẹo hoa quả. Cô mang đến cho ông mấy gói thuốc, gọi là chút quà cho người nghiện. Ông đỏ mặt thú nhận, đó chỉ là chút sáng kiến để làm quen thôi. Cô cười giòn tan, không ngờ anh ghê gớm thế nhưng quà đã mang đến, không thể mang về, anh giữ lấy đem về cho ông chú ở H Ông ngớ ra, định hỏi vì sao cô biết chú của mình thì cô đã nói, em về H nhiều lần, thường đến làm việc ở phòng nông nghiệp huyện nên quen với chú anh từ trước kia. Em còn đến nhà chú thím anh ăn cơm nữa. Đố anh biết thím anh đãi món gì. Ông cười, mực luộc chấm nước mắm gừng. Cô cười to, mắt lúng liếng, món ngon nhớ lâu. Ông cũng cười, đòn đau nhớ đời. Cô đưa tay che miệng ông, ra dấu, đừng nói gở. Từ hôm ấy, cuộc sống của chàng kỹ sư nông nghiệp tràn ngập niềm vui. Căn phòng của chàng cũng ngăn nắp, sáng sủa, tươi tắn hẳn lên nhờ sự khéo léo, đảm đang của cô gái. Đám cưới của họ được tổ chức ở H và một cuộc liên hoan vui vẻ với bè bạn tại Hà Nội.

Họ sinh con trai. Ngày tháng của họ trôi qua êm ả. Ông không bao giờ nghĩ đến rủi ro, đến sóng gió, đến bất cứ vật cản nào. Vậy mà vào một ngày cuối năm lạnh giá, căn nhà của họ đã vỡ vụn. Số là, trong cuộc hội thảo khoa học về cải tạo đất ven sông, cô có một tham luận. Một kỹ sư thổ nhưỡng người Pháp đến xin phép được dịch và in trên tạp chí của trường đại học nông nghiệp của anh. Rồi cô nhận được lời mời dự một khóa thực tập 6 tháng do trường đại học nọ chu cấp. Cô gửi về nhiều quần áo, thuốc men, bánh kẹo cho hai bố con với những dặn dò, chăm nom chu đáo. Khi đang háo hức chờ ngày đoàn tụ thì ông nhận được một gói quà lớn, kèm một bức thư khá dài. Ông đọc bức thư hai lần, rồi đọc lại vài đoạn ông cho là quan trọng mà không sao hiểu hết những điều vợ ông viết. Ông để gói quà vừa mở tung trên sàn nhà, nhét bức thư dày đặc chữ vào cuốn sách đang đọc dở, tất tưởi đi đón con. Ông ôm chặt đứa trẻ trong lòng, nghe thấy hơi ấm của nó truyền qua mình, lòng nghẹn ngào. Thằng bé năm tuổi nhoài khỏi tay bố, sà vào chiếc ô tô màu vàng vặn giây cót, mặt sáng bừng, miệng không ngừng xuýt xoa gọi mẹ. Ông tựa người vào cánh cửa vừa khép lại, nhìn con, mặc cho nước mắt lăn dài trên má.

Ông xoay người vào vách, dùng mu bàn tay chặn một giọt nước mắt. Ông nghe thấy người gác tàu gọi mời uống trà nhưng ông không trở dậy. Đúng ra là không thể trở dậy. Như vừa làm một việc quá sức khi nhớ lại câu chuyện cũ, ông thấy tay chân rời rã, không sao nhấc lên nổi. Ông cứ nằm yên như thế, lắng nghe tiếng xình xịch xình xịch của con tàu rồi thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề.

Ông chợt giật mình, cảm giác như có ai đó trong khoang tàu. Dù vậy, phải mất một lúc ông mới tỉnh hẳn và nhìn thấy người phụ nữ mặc áo sẫm màu, tóc búi lại sau gáy, tì khuỷu tay lên mặt bàn, hai bàn tay mở xòe, ôm lấy khuôn mặt đang chăm chú nhìn ra khoảng không ngoài ô cửa nhỏ. Có lẽ bà ta vừa lên tàu từ một ga lẻ nào đó khi ông đang ngủ, ông bình thản nghĩ, nhưng rồi chẳng rõ vì lẽ gì, lại cảm thấy hoang mang với những câu hỏi vẩn vơ, không biết bà ta lên từ ga nào, bà ta đã bước vào căn phòng này như thế nào, bà ta có nhìn thấy mình không, vì sao bà ta lại ngồi im lặng… Người phụ nữ khiến ông tò mò. Ông nằm im, gác tay lên trán để che ánh nhìn của mình, mặc dù dường như bà ta không để ý đến sự hiện diện của ông. Nếu không có tiếng chuông điện thoại, hẳn bà ta sẽ còn ngồi như một pho tượng bên ô cửa nhỏ. Bà nhoài người về phía giường, lục tìm trong chiếc túi một hồi lâu, vẻ sốt ruột. Bà kêu khẽ, đây rồi, a lô, a lô rồi tắt máy, đặt lên bàn, lẩm bẩm một câu gì, nghe như là, quái quỷ. Ông đỏ mặt, xấu hổ vì đã vô tình trở thành kẻ nghe lén. Ông định kéo chiếc chăn mỏng trùm lên đầu thì vừa lúc chuông lại đổ, bà ta lại vội vã nhấc máy, M. hả. Có lẽ không phải người bà đang chờ đợi. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện kéo dài khá lâu, với một người phụ nữ tên Y. nào đó và nhắc nhiều lần đến một M. nào đó. Ông không thể nói chắc là khoảnh khắc nào trong chuỗi trò chuyện ấy ông nhận ra giọng nói của người phụ nữ. Nhưng đó chính là khi ông gần như nghẹn thở trong cơn ớn lạnh bất thường. Ông hơi nhổm người dậy để thở. Ông nghĩ, các cử động của ông đã tạo nên những âm thanh rất lớn nhưng có vẻ  như người phụ nữ không nghe thấy hoặc nghe thấy nhưng không để tâm. Bà vẫn ngồi bất động, mắt nhìn ra khoảng không và không ngừng nói. Dù vậy, ông không thể nghe, không thể hiểu được bà đang nói về chuyện gì, ngoài hai tên người Y. và M. Giọng nói của bà vẫn như ngày nào, không khàn đi, không vỡ ra như số đông người đã đứng tuổi. Vẫn là cái giọng mũi lanh lảnh, sắc lạnh. Sau lần gặp đầu tiên, mẹ ông đã chê giọng nói của cô gái. Bà bảo, nhất thanh nhì sắc con ạ. Giọng cô ấy hỏng, không có hậu. Ông còn nhớ, ông ôm vai mẹ, cười phá lên, mẹ cổ hủ quá. Sau này, khi mọi chuyện xảy ra, mẹ ông cũng không lần nào nhắc lại các nhận xét của mình. Bà chỉ bảo, bố anh mất sớm, tôi nuôi anh còm cõm một mình, nay lại đến lượt anh. Bà tìm mọi cách bù trừ cho hai cha con. Cứ rỗi việc ở quê là bà chạy lên thành phố, lo chợ búa, cơm nước, giặt giũ. Bà còn tìm cho con mấy đám “khá ra phết” nữa mà chẳng đám nào thành. Bà bảo, số anh cô quả. (Còn tiếp)

Y.N
(Mời bạn đón đọc phần tiếp theo trên Thanh Niên Chủ Nhật số ra ngày 4.8.2013)

>> Gió - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Với chiếc đèn quảng cáo… - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Đợi tàu ngược - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Mix" - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Q trở lại" - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Trước chân dung Akhmatova" - Thơ của Ý Nhi
>> Nhà thơ Ý Nhi: Lòng đã nên nhẫn nại
>> Vườn nhà Ý Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.