Mỹ chạy đua khắc chế tên lửa Trung Quốc

30/07/2013 11:00 GMT+7

Mỹ đang nỗ lực phát triển mục tiêu mô phỏng các tên lửa đối hạm cận âm của Trung Quốc để tìm ra điểm yếu của dòng vũ khí này.

Hải quân Mỹ đang đặt hàng các nhà thầu vũ khí một loại hỏa tiễn mô phỏng những tên lửa đối hạm của Trung Quốc. Theo trang tin StrategyPage.com, Washington yêu cầu các nhà sản xuất vũ khí phải chế tạo một mục tiêu tên lửa, với tốc độ tối đa khoảng 900 km/giờ, di chuyển cách mặt nước khoảng 1 m, có thể được điều khiển từ xa và tầm hoạt động tối đa 700 km. Tên lửa mô phỏng phải nổi được, tái sử dụng khoảng 20 lần bay và chi phí sản xuất dưới 200.000 USD. Nó được thiết kế để mang theo thiết bị điện tử, cho phép chuyên viên điều khiển và theo dõi mọi thông tin trong lúc vận hành.

Mỹ chạy đua khắc chế tên lửa Trung Quốc
 Phiên bản cải tiến của C-802 bắn từ tàu chiến - Ảnh: defenceforumindia.com

 

P3C Orion tuần tra biển Đông

Kyodo News dẫn tài liệu mật của chính phủ Philippines cho biết các máy bay do thám của hải quân Mỹ đang thực hiện những cuộc tuần tra định kỳ trên biển Đông. Động thái này nhằm theo dõi chặt chẽ những hoạt động diễn ra tại các khu tranh chấp, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Hồi năm ngoái, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tiết lộ rằng đã đề nghị Mỹ triển khai máy bay do thám P3C Orion đến khu vực, do Manila không đủ khả năng bao quát những vùng đang tranh chấp. Giới chuyên gia quân sự mô tả P3C Orion là một trong những dòng máy bay nhạy cảm nhất của Mỹ, có khả năng chống tàu ngầm và do thám biển hiệu quả.

H.G

Trong khi đó, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Iran đều đang sở hữu những dòng tên lửa cận âm do Bắc Kinh cung cấp như C-801 và C-802. Cụ thể, C-801 có độ dài 5,81 m, đường kính 360 mm, tầm bắn 42 km, và nặng 636 kg. Tên lửa này tương tự như dòng Exocet của Pháp, thậm chí còn cho rằng C-801 được sao chép từ Exocet. Phiên bản cải tiến của nó là C802A, với các thông số như dài 6,8 m, đường kính 360 mm, nặng 682 kg, mang theo đầu đạn 165 kg. C802A có tầm bắn tối đa 120 km và bay với tốc độ khoảng 900 km/giờ, và giá chỉ bằng phân nửa so với mức 1 triệu USD mỗi quả của Exocet.

Thành công của Coyote

Lầu Năm Góc hy vọng có thể tái lập thành công từng có. Cách đây 3 năm, sau gần 1 thập niên nỗ lực, hải quân Mỹ đã chính thức đưa phiên bản mô phỏng tên lửa đối hạm tốc độ cao vào sử dụng. Nó chính là GQM-163A Coyote SSST, một tên lửa dài 9,5 m, nặng 800 kg, được nhồi kết hợp nhiên liệu lỏng với động cơ phản lực. Tầm bắn của Coyote ở mức 110 km, và đạt tốc độ tối đa hơn 2.600 km/giờ. Coyote là phương tiện giúp các tàu chiến Mỹ có được mô hình thực tế của các tên lửa hành trình Nga, điển hình như Klub. Coyote được chế tạo đã giúp Mỹ có một kế hoạch đối phó khả thi trước bối cảnh nhiều nước liên tục đặt mua những dòng tên lửa tốc độ cao. Chẳng hạn như dòng tên lửa đối hạm 3M54 của Nga, được lắp trên tàu ngầm, mang theo đầu đạn 200 kg, tốc độ tối đa có thể lên đến 3.000 km/giờ khi gần tiếp cận mục tiêu. Vì thế, các tàu chiến bị tấn công bởi 3M54 khó đủ sức phòng vệ bởi nó còn có ưu điểm hạn chế khả năng bị radar dò tìm khi bay ở độ cao 30 m.

Với thành công trước kia, giới quan sát nhận định Washington đang nỗ lực tìm cách khắc chế tên lửa đối hạm của Bắc Kinh để sẵn sàng ứng phó khi hai bên bùng nổ xung đột trên biển. Nhất là khi Mỹ liên tục khẳng định chuyển hướng trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, giữa lúc Trung Quốc không ngừng có những hành động gây quan ngại ở nhiều vùng biển trong khu vực.

Thụy Miên

>> Nga triển khai S-400 ở khu vực giáp Trung Quốc và Triều Tiên
>> Nga thử hệ thống tên lửa phòng không S-400
>> Nga sẽ bán tên lửa S-400 cho Trung Quốc
>> Quân khu miền đông Nga nhận tên lửa S-400
>> Nga đưa tên lửa S-400 tới vùng Viễn đông
>> Nga sắp triển khai tên lửa S-400 ở Kaliningrad

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.