Malaysia trong vòng xoáy tội phạm

01/08/2013 11:00 GMT+7

Cướp giật có vũ trang, thanh toán bằng súng đạn giữa ban ngày ở chốn đông người khiến người dân Malaysia bất an tột cùng.

Tình trạng tồi tệ đến mức báo The Star ngày 31.7 đăng xã luận với tựa đề Có phải Malaysia đang rơi vào tình trạng vô luật lệ?. “Một ngày mới, một vụ bắn giết mới. Có vẻ như Malaysia đang trở nên nguy hiểm như một số quốc gia Nam Mỹ, nơi mà bạo lực súng ống dường như là thông lệ”, bài xã luận mở đầu.

Người dân Malaysia trong mấy ngày qua đặc biệt lo lắng trước cái chết của ông chủ Arab Malaysian Development Bank, ngân hàng lớn thứ 5 ở nước này. Chiều 29.7, ông Hussain Ahmad Najadi, 75 tuổi, bị bắn chết ngay giữa trung tâm thủ đô Kuala Lumpur. Kẻ nổ súng lập tức cùng 2 đồng bọn nhảy lên một xe taxi tẩu thoát. Cảnh sát nhận định đây là một vụ “giết người theo hợp đồng” do bất đồng trong làm ăn.

Trước đó, chiều 27.7, một vụ ám sát đình đám khác xảy ra ngay một giao lộ ở thủ đô. Nạn nhân là anh R.Sri Sanjeevan, Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận MyWatch chuyên theo dõi tội phạm và các sai phạm của cảnh sát. Sanjeevan đang lái xe hơi dừng tại đèn đỏ thì bất ngờ bị bắn tới tấp bởi người ngồi sau một xe gắn máy dừng bên cạnh. Cho đến chiều 31.7, Sanjeevan vẫn trong tình trạng nghiêm trọng. Dư luận tin rằng đây là một vụ trả thù, còn một lãnh đạo đảng Công lý Nhân dân đối lập là Rafizi Ramli cho hay đêm trước khi xảy ra vụ án, Sanjeevan tiết lộ với ông về việc có trong tay một danh sách các cảnh sát đang bị điều tra vì dính líu đến ma túy.

 
Nhà hàng phải thuê bảo vệ có vũ trang sau nhiều vụ án nghiêm trọng, như vụ sát hại ông Hussain Ahmad Najadi (ảnh nhỏ) - Ảnh: MalaysiaChronicle/News Straits Times

Cựu Giám đốc Cục Điều tra tội phạm Malaysia Zaman Khan nhận định với thông tấn xã Bernama rằng đây là những vụ thanh toán do bọn giết thuê thực hiện.

Cướp giật tràn lan

Bên cạnh những vụ thanh toán mang động cơ chính trị hay mâu thuẫn cá nhân, nạn cướp giật có vũ trang cũng xảy ra “hàng loạt”, không chỉ ở Kuala Lumpur mà “khắp toàn quốc”, báo The Star viết. Kẻ cướp tấn công thực khách ngay trong nhà hàng, đến mức hiện nay “các khu ăn uống đóng cửa sớm”, “không mấy ai dám liều lĩnh đi ăn khuya”, còn các nhà hàng phải thuê nhân viên an ninh bồng súng đứng gác. Người đi mua sắm cũng là đối tượng bị tấn công, nhất là khi đi bộ ra vào bãi đỗ xe. Thông thường, nạn nhân không chỉ bị cướp mà còn bị chém hoặc bắn thương tích để hạn chế khả năng kêu cứu.

Khó có thể liệt kê tất cả những vụ cướp có vũ trang xuất hiện trên mặt báo trong vòng vài ngày trên khắp Malaysia. Báo chí Singapore láng giềng gần đây cũng thường xuyên đưa tin người nước này bị cướp, bắt cóc, thậm chí sát hại ở bang Johor, miền nam Malaysia. “Rợn tóc gáy” hơn cả là vụ cướp tấn công một cơ sở y tế tư nhân ở thị trấn Cheras, ngoại ô Kuala Lumpur đêm 4.7.2013 và chém Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa kiều bang Pahang Lam Kam Sang bất chấp ông này rút súng cảnh báo. Cuối cùng một tên bị ông Lam bắn chết, 2 tên còn lại chạy mất.  

Súng đạn “rẻ bèo”

Thủ tướng Najib Razak đã bày tỏ quan ngại và chỉ đạo: “Các cơ quan chức năng phải hành động quyết liệt và ngay lập tức để vãn hồi niềm tin và bình yên trong công chúng”. Trong khi đó, bọn tội phạm tiếp tục nã đạn vào thường dân ở bang Perak hôm 28.7 hay bang Penang hôm 30.7.

Trên các diễn đàn, nhiều người cho rằng thất nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm tràn lan nói trên. Còn theo ông Zaman Khan, nguyên nhân là do chính phủ bãi bỏ pháp lệnh Khẩn cấp (EO) - ra đời năm 1969 cho phép giam giữ vô thời hạn những kẻ quấy rối an ninh quốc gia - và thả 2.473 tù nhân diện EO. Ông Khan trích báo cáo của cảnh sát cho hay trong 6 tháng đầu năm 2013, có 67 vụ án nghiêm trọng do các phần tử được phóng thích gây ra. Cố vấn của Tổ chức MyWatch S.Gobikrishnan lại tin rằng tình trạng súng lậu tràn lan, được nói là có nguồn gốc từ Thái Lan, là nguyên nhân chính. “Có thông tin rằng có một băng đảng cho thuê súng và chỉ cần có vài trăm ringgit, bạn đã có thể có một khẩu súng trong vài giờ. Đạn thì chỉ có 80 xu (5.000 đồng) một viên”, ông này nói.

Một khảo sát bởi Đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia công bố hồi tháng 6 cho thấy tội phạm là mối lo số 1 của người dân. Trong lúc chờ một đạo luật thay thế EO dự kiến trình Hạ viện vào tháng 9 hay hành động truy quét súng lậu, báo FreeMalaysiaToday khuyên người dân 7 việc nên làm để giữ an toàn cá nhân, trong đó có ăn cơm nhà và không ra đường sau 9 giờ tối.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Việt - Lào mở đợt cao điểm tấn công tội phạm buôn bán người
>> Công an phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống tội phạm
>> Lòng trắc ẩn của tội phạm tâm thần
>> Chậm xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế vì... thiếu tiền
>> Trùm tội phạm tàn bạo nhất Mexico sa lưới
>> Kịp thời phát hiện và triệt phá các băng nhóm tội phạm
>> TP.HCM trấn áp tội phạm để an dân
>> Tội phạm cướp giật tăng do luồng tội phạm di chuyển về nhiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.