(TNO) Chiều 31.7, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức họp báo giới thiệu Nghị định 72/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 72) về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet. Thông tin được một số báo chí đăng tải sau đó đã khiến dư luận xôn xao khi cho rằng với Nghị định 72 việc chia sẻ và tổng hợp tin tức trên các trang cá nhân sẽ hoàn toàn bị cấm.
>> Quản lý Google, Facebook theo luật Việt Nam và thông lệ quốc tế
>> Mạng đô thị siết quản lý internet
Tuy nhiên, theo Bộ TT-TT, đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định 72, cách hiểu này không hoàn toàn chính xác.
Tại Điều 20 về việc phân loại trang thông tin điện tử (TTĐT), Nghị định 72 xác định “trang TTĐT cá nhân là trang TTĐT do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”.
Trả lời báo chí chiều 1.8, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết đây là điều khoản được sử dụng để phân loại các loại hình trang TTĐT và không mang ý nghĩa ngăn cấm việc “cung cấp thông tin tổng hợp” của chủ sở hữu trang thông tin cá nhân.
|
Tại Nghị định 72, cụm từ “không cung cấp thông tin tổng hợp” còn xuất hiện trong các phần nói về “trang TTĐT nội bộ” và “trang TTĐT ứng dụng chuyên ngành”. Ý nghĩa của điều này, theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, là các loại hình trang TTĐT này (cá nhân, nội bộ, chuyên ngành) khác biệt về ranh giới quản lý với trang TTĐT cung cấp thông tin tổng hợp.
“Phân như vậy để mô hình nào chịu chế tài quản lý ấy. Trang cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp bởi như thế thì thành trang TTĐT tổng hợp mất rồi”,ông Bảo cho biết.
Cũng theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, các quy định của pháp luật đối với các trang TTĐT tổng hợp là rất chặt chẽ với các yêu cầu về tổ chức, nhân sự, khả năng tài chính, kỹ thuật... với những loại giấy phép khác nhau. “Không ai cấm cá nhân làm các trang TTĐT tổng hợp cả miễn là phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật”, ông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định.
Theo đại diện Bộ TT-TT, trang thông tin điện tử cá nhân bình luận về một vấn đề nào đó, một bài báo nào đó thì có quyền bình luận và chịu trách nhiệm về bình luận ấy. Còn chia sẻ thông tin thì phải chỉ đến đường liên kết (link) đến nguồn của thông tin đó.
Tuy nhiên, trên thực tế các cá nhân, tổ chức vẫn có thể đưa lên mạng những trang TTĐT tổng hợp bằng tiếng Việt, về Việt Nam mà tên miền, máy chủ nằm ngoài tầm quản lý của các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Đánh giá về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng thừa nhận có những thách thức trong công tác quản lý khi giữa thực tiễn và chính sách luôn tồn tại những khoảng cách nhất định. “Đặc biệt với lĩnh vực internet thì khoảng cách này càng lớn vì phát triển quá nhanh, quá rộng. Năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cũng chưa bắt kịp...”, ông Bảo cho biết.
Trước đó tại cuộc họp báo ngày 31.7, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cũng đã cho biết việc đăng tải thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan, báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, việc trích dẫn phải được sự cho phép, đồng ý... là quy định chung về luật Dân sự và quy định của pháp luật về luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, điều khoản này trong Nghị định 72 mới chỉ đề ra nguyên tắc chung nhất. Trên cơ sở nguyên tắc đó, Chính phủ đã giao Bộ TT-TT tiếp tục ban hành các hướng dẫn cụ thể liên quan.
Thứ trưởng Bộ TT-TT cũng cho biết hiện Bộ này đang xây dựng thông tư hướng dẫn. Dự thảo thông tư cũng sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và trên một số kênh thông tin khác để lấy ý kiến đóng góp trước khi được chính thức ban hành.
Trường Sơn
Bình luận (0)