Chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ

02/08/2013 03:05 GMT+7

Ấn Độ sắp chạy thử tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tự đóng đầu tiên, trong nỗ lực hoàn tất bộ ba hạt nhân chiến lược của nước này.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) chế tạo nội địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Arihant sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển vào giữa tháng 8, bao gồm cả thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Theo tạp chí The Diplomat, một khi tàu INS Arihant sẵn sàng để tiến hành các cuộc tuần tra răn đe, sớm nhất vào cuối năm nay, Ấn Độ về cơ bản sẽ có một bộ ba hạt nhân, tức khả năng phóng vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển. Quốc gia Nam Á cũng là nước thứ sáu có năng lực hạt nhân trên biển, sau Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ 1
Tàu ngầm INS Arihant của Ấn Độ - Ảnh: Indiatimes

Nỗ lực hơn 40 năm

Nỗ lực chế tạo tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo bắt đầu vào năm 1970 dưới thời Thủ tướng Indira Gandhi. Với mật danh Chương trình phương tiện công nghệ tiên tiến (ATV), sự tồn tại của kế hoạch này được giấu kín trong hơn 3 thập niên trước khi cựu Chủ tịch Ủy ban Năng lượng hạt nhân Ấn Độ PK Iyengar tiết lộ vào năm 2007.

Chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ 2
Ấn Độ sẽ gia tăng đáng kể khả năng răn đe hạt nhân trên biển khi tên lửa K-15 được trang bị cho INS Arihant - Ảnh: The Hindu

 

Trung Quốc triển khai tàu lớp Tấn

Báo mạng The Washington Free Beacon đưa tin Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai SLBM mới cho việc tuần tra biển trong năm 2014. Lực lượng tàu ngầm tên lửa chiến lược của nước này hiện bao gồm 3 chiếc lớp Tấn với 12 ống phóng tên lửa mỗi chiếc. Giới chức quốc phòng Mỹ nhận định đây là loại tàu được trang bị tên lửa JL-2, tầm bắn khoảng 7.200 km. Trong một báo cáo mới đây, Lầu Năm Góc tin rằng khi được trang bị trên tàu ngầm lớp Tấn, tên lửa này có thể đặt các lãnh thổ Mỹ như Guam và Alaska vào tầm ngắm ngay từ lãnh hải Trung Quốc.

Tàu INS Arihant được hạ thủy lần đầu vào năm 2009 nhưng không có các tên lửa phóng từ tàu ngầm hoặc lò phản ứng nước nhẹ tương ứng. Tàu nặng 6.000 tấn, dài 110 m và di chuyển với tốc độ 24 hải lý dưới nước. Chi phí chế tạo tàu INS Arihant ở vào khoảng 2,5 tỉ USD. Tàu chạy bằng năng lượng được cung cấp bởi một lò phản ứng nước nén có công suất 80 MW sử dụng uranium và nước nhẹ. Tàu INS Arihant có thể mang đến 12 SLBM K-15 Sagarika có tầm bắn khoảng 700 km, hoặc 4 SLBM K-4 tầm bắn 3.500 km, có thể sánh với tên lửa phóng từ mặt đất Agni-III. Tuy nhiên, tên lửa K-4 vẫn đang được chế tạo. New Delhi cũng được cho là đang phát triển một SLBM K-5 có tầm bắn 1.500 km, theo báo The Hindu. Hồi tháng 1, Ấn Độ lần đầu tuyên bố nước này đã thử nghiệm một SLBM K-15 từ thuyền phao chìm ở độ sâu 50 m.

Không chỉ để răn đe

Theo chuyên trang World Politics Review, giới chức và các chiến lược gia Ấn Độ lập luận rằng bộ ba hạt nhân là hình thức ngăn chặn hiệu quả nhất và tàu ngầm hạt nhân chiến lược là thành phần quan trọng số 1. Lý do là chỉ cần một vài SSBN là có thể thực hiện chức năng răn đe tốt hơn những giàn tên lửa phóng từ mặt đất hay vũ khí hạt nhân vận chuyển bằng máy bay. The Diplomat đưa tin Ấn Độ dự định sẽ triển khai 3 SSBN, trong đó 2 chiếc sẽ được duy trì cho các hoạt động tuần tra liên tục.

Tuy nhiên, răn đe không phải là mục tiêu duy nhất. Nỗ lực tìm kiếm bộ ba hạt nhân của Ấn Độ còn được thúc đẩy bởi một tác nhân khác. Đó là ý muốn phá vỡ chiến lược Chuỗi ngọc trai của Trung Quốc, vốn được cho là bao gồm những cảng biển nối từ biển Đông sang Ấn Độ Dương nhằm tạo thế độc bá trên biển và bao vây Ấn Độ. Chuyên gia Yoghes Joshi, thuộc Đại học George Washington (Mỹ), nhận định những cảng này có thể được biến thành những căn cứ hải quân, vô hiệu hóa ưu thế địa chính trị của New Delhi trong khu vực. Do đó, đội SSBN được kỳ vọng sẽ giúp New Delhi khống chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương trong trường hợp xảy ra xung đột, bằng cách bít cửa eo biển Hormuz và eo biển Malacca cũng như gây ảnh hưởng lên hoạt động vận tải hàng hóa của Trung Quốc trong khu vực. 

Tranh giành ảnh hưởng

Theo The Diplomat, các kế hoạch triển khai tàu ngầm hạt nhân nằm trong chiến lược của Ấn Độ và cả Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong mấy tháng qua, giới chức Ấn Độ liên tục thăm Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Úc để thảo luận việc hợp tác hàng hải lẫn an ninh - quốc phòng. Mới đây nhất, Ấn Độ lên kế hoạch giúp Myanmar đóng tàu tuần duyên và huấn luyện quân đội, đồng thời hai bên thảo luận về hợp tác kiểm soát biên giới biển. Trong một thời gian dài, Myanmar được cho là có quan hệ rất hữu hảo với Trung Quốc và giới chuyên gia Ấn Độ từng lo ngại nước này sẽ trở thành một “viên” trong chiến lược Chuỗi ngọc trai.

Trong khi đó, Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương bằng cách lợi dụng quan hệ lạnh giá giữa Ấn Độ với các nước duyên hải láng giềng. Nước này đã và đang hợp tác đầu tư xây dựng một loạt cảng tại Sri Lanka, Pakistan đồng thời tăng cường hợp tác với Seychelles và Maldives.

Trùng Quang

>> E dè Trung Quốc, Ấn Độ tăng cường giúp quốc phòng Myanmar
>> Indonesia, Ấn Độ tàn sát cá mập nhiều nhất thế giới
>> Ấn Độ cho Việt Nam vay tiền mua 4 tàu tuần tra
>> Ấn Độ dồn binh lực chống Trung Quốc
>> Sập tường tại Ấn Độ, 6 người chết 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.