Khốn khổ vì nhà vệ sinh công cộng

05/08/2013 09:00 GMT+7

Những nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước vẫn tồn tại tại P.Trung Phụng, Q.Đống Đa (Hà Nội) trở thành điểm tập kết rác thải và 'điểm hẹn' của con nghiện khiến người dân vô cùng khốn khổ.

Những nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước vẫn tồn tại tại P.Trung Phụng, Q.Đống Đa (Hà Nội) trở thành điểm tập kết rác thải và "điểm hẹn" của con nghiện khiến người dân vô cùng khốn khổ.

>> Xây nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch
>> Nỗi ám ảnh nhà vệ sinh công cộng
>> Quá hiếm nhà vệ sinh công cộng
>> Rác thải tràn lan
>> Rác thải bủa vây đảo Lý Sơn
>> Báo động ô nhiễm do rác thải

Còn cách 200 m mới đến nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) số 48, ngõ 165/97 (thuộc tổ 44, 47, 49, 42) P.Trung Phụng, chúng tôi đã ngửi thấy mùi xú uế nồng nặc.

Dưới tấm biển “cấm đổ rác” là 1 xe để rác đã ngập ngụa chăn bông, chiếu rách... Số rác còn lại nằm la liệt trên đường, dòng nước đen xì chảy đến đâu, ruồi muỗi bu kín đến đó.

Nhà vệ sinh công cộng
Người dân đang phải chịu đựng 'sự vô lý' từ các NVSCC - Ảnh: Ngọc Thắng

Người xanh rớt như tàu lá, bà Phạm Thị Liệu (58 tuổi, số nhà 1, gần như đối diện NVSCC) than thở, đã xịt đủ loại thuốc diệt muỗi, diệt vi trùng quanh nhà nhưng không đỡ. Trẻ con, người lớn trong nhà ốm yếu liên miên, dăm bữa nửa tháng lại có người bị sốt xuất huyết. “Cứ dọn mâm cơm là không nuốt nổi, thối quá”.

Bà Nguyễn Ngọc Bích, 55 tuổi, số nhà 97 bịt mũi: “Chó chết, mèo chết cũng quăng vào đó, bất kể giờ giấc. Đóng cửa vẫn nghe tiếng bụp bụp người ta ngồi xe máy liệng rác vào”.

Cùng cảnh ngộ với cư dân ngõ 165/97 là những người dân đang sống quanh NVSCC số 45 (thuộc địa phận các tổ 37, 38, 49, 40, 28, 29), P.Trung Phụng.

Bà Lê Thị Hoàn, 54 tuổi, số nhà 70, ngõ 241, phố chợ Khâm Thiên, cho biết bà treo biển bán nhà mấy năm nay nhưng ai đến một lần gặp bãi rác to tướng trước nhà lại bỏ đi luôn.

“Tôi chân què, nằm ở tầng 1. Mùi thối khắm xộc vào tận óc. Tiếng đập rác bồm bộp tìm vỏ chai, túi bóng, chó sủa ủng oẳng cả đêm”, bà Hoàn nói.

Cách đó một đoạn không xa là NVSCC số 28, ngách 50, ngõ Hòa Bình (thuộc các tổ 7, 8, 9, 3, 4, 1, 2, 10). Trên là trạm biến áp Phụng Thánh, cổng vào phía ngõ Khâm Đức, bị rác bịt kín. Các nhà số 86, 93, 95 gần đó treo biển còn phòng trọ hằng tháng nay vẫn không ai hỏi thuê.

Chị Vương Hồng Thúy, 37 tuổi, số nhà 44, mở xưởng may nên phải mở cửa suốt ngày, con trai chị 5 tuổi gầy gò xanh xao, bệnh viêm mũi, viêm xoang chữa mãi không khỏi.

Nỗi kinh hãi của những NVSCC này chưa dừng lại. Bà Nguyễn Thị Tuyết, 71 tuổi, tổ trưởng tổ 49 đã 30 năm cho biết trong đời bà không dưới chục lần thấy người ta lôi những xác chết vì sốc ma túy từ trong NVSCC ra. “Ba năm trước, trên nền gạch kim tiêm dính máu cứ gọi là chi chít. Giờ ít hơn nhưng thi thoảng vẫn thấy bóng dáng con nghiện dật dờ”, bà Tuyết rùng mình.

Muốn phá không dễ

Chúng tôi có 1 tuần để khảo sát việc sử dụng các NVSCC trên. Đối tượng hay vào nhất là những người buôn phế liệu, tình cờ ngang qua hoặc một số người vô gia cư, tinh thần không ổn định.

Con số được UBND P.Trung Phụng cung cấp cho thấy NVSCC số 28, 45 còn khoảng 3 gia đình hay sử dụng. NVSCC số 48 không còn phục vụ dân cư trong phường vì 100% người dân đã có nhà vệ sinh riêng. Nhìn chung phía trong các NVSCC được giữ sạch (vì không mấy người sử dụng) tuy nhiên, các bãi rác trước các NVSCC vẫn đang hành hạ người dân mỗi ngày.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Anh Tuấn, Chủ tịch UBND P.Trung Phụng, cho biết phường đã nhiều lần gửi đơn đến công ty môi trường đô thị chi nhánh Đống Đa (trước là xí nghiệp môi trường số 4) về việc muốn phá dỡ NVSCC số 48, xây dựng dạng cabin gọn, sạch, tiết kiệm diện tích với các NVSCC còn lại. Tuy nhiên, phường nhận được câu trả lời, “còn một người sử dụng thì vẫn phải để”.

Nghịch lý là P.Trung Phụng rộng 0,24 km2, gần 1,7 vạn người nhưng chỉ có duy nhất khu phố 7 có một nhà văn hóa. Khi có dịp tập trung bà con, tổ trưởng sẽ đi “mượn” một nhà dân rộng nhất. Trẻ con không có chỗ sinh hoạt hè, trung thu phải ngồi vỉa hè phá cỗ. Trong khi đó, có ít nhất 3 NVSCC, mỗi nhà rộng gần 30 m2 đang bị bỏ không.

Đại diện Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng truyền thông, cho biết nhiệm vụ của công ty là giữ gìn bên trong các NVSCC luôn sạch. Còn đổ rác bừa ra trước NVSCC là ý thức kém của người dân, công ty đã thỏa thuận với UBND phường đặt một số xe rác.

“Công ty không có trách nhiệm xem nó sử dụng hiệu quả hay lãng phí, có nghiện vào chích hút hay không. Không có NVSCC thì họ cũng ra cột điện họ chích”, ông Dũng nói.

“Hà Nội còn thiếu NVSCC. Người dân không sử dụng đi chăng nữa thì khách vãng lai, khách du lịch họ sử dụng. Xây dựng thêm không được tại sao lại phá đi”, ông Dũng nói thêm.

Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng phải chờ vào báo cáo kết quả kiểm tra thực tế của UBND Q.Đống Đa lên sở Xây dựng, UBND TP.Hà Nội. Đây sẽ là đơn vị quyết định số phận của những NVSCC tồn tại ở P.Trung Phụng 53 năm qua.

Thúy Hằng - Trần Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.