(TNO) Ngày 5.8, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đến hết ngày 4.8, đã có 10.135 thùng sữa/12.927 thùng (sữa nghi nhiễm khuẩn, thuộc diện thu hồi ngoài thị trường) đã được thu hồi.
>> Vụ 'sữa nhiễm khuẩn vào VN': Sữa Karicare cũng nhiễm khuẩn
>> New Zealand cảnh báo sữa nhiễm khuẩn vào Việt Nam
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết theo báo cáo mới nhất của Công ty Abbott Việt Nam, đến hết ngày 4.8, việc thu hồi đã được thực hiện tại 2.050 cửa hàng, 90 nhà phân phối tại các địa phương và 5 chuỗi siêu thị.
Tổng số thùng Similac GainPlus Eye-Q nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum đã đưa ra thị trường là 12.927 thùng, đã thu hồi 10.135 thùng. Công việc thu hồi đang được tiếp tục.
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP, đây là sự cố thu hồi sữa với số lượng lớn nhất tại Việt Nam từng được ghi nhận trong những năm gần đây.
Ông Trung cũng nói thêm rằng các sản phẩm dinh dưỡng không thuộc các lô bị khuyến cáo và các dòng sản phẩm khác của Abbott vẫn an toàn.
Ngoài New Zeland, các thành phẩm và nguyên liệu sản xuất sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ nhập vào Việt Nam được sản xuất tại các quốc gia khác nhau: Hàn Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản, Mỹ luôn được kiểm soát chất lượng…
Cục ATVSTP cũng đã khẩn cấp có hướng dẫn phòng chống ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum (C. botulinum).
Theo đó, đây là vi khuẩn hình que, tạo nha bào (bào tử), sinh độc tố có khả năng gây bệnh cho người. Độc tố của C. botulinum cực độc. Vi khuẩn C. botulinum có khả năng sống sót cao, tồn tại được trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng, có thể sống trong đồ hộp đã mở... nhiều tuần.
Để phòng bệnh do C. botulinum, cần thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm đặc biệt những thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm C. botulinum; phòng chống ngộ độc thực phẩm do C. botulinum; thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; tuyệt đối không ăn, uống phẩm nghi ngờ ô nhiễm C. botulinum.
Cẩn thận với C. botulinum Để khử độc tố, cần đun sôi ở nhiệt độ 100oC ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100oC ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160oC ít nhất 30 phút. Các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện yếm khí dễ bị nhiễm C. botulinum. Bệnh lý của C. botulinum gây ra cho người là do nhiễm độc ngoại độc tố của vi khuẩn C. botulinum với biểu hiện hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp tính, nhiễm độc thần kinh có liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể tử vong (Theo hướng dẫn của Cục VSATTP). |
Liên Châu
>> Trung Quốc: 3 trẻ em tử vong do uống sữa "bẩn
>> Sữa nhiễm khuẩn, trứng gà giả chưa vào VN
>> Cảnh báo về sữa nhiễm khuẩn gây tiêu chảy
Bình luận (0)