Những ngày qua, London và Madrid liên tục lời qua tiếng lại khá cứng rắn về “mỏm đá” vỏn vẹn 6 km2 với 30.000 dân, hiện vẫn được xem là thuộc địa của Anh. Tờ ABC dẫn lời Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho biết nước ông đang xem xét áp dụng phí xuất nhập cảnh 50 euro tại khu vực biên giới với Gibraltar và tuyên bố thêm: “Không bao giờ tôi đặt chân đến Gibraltar chừng nào nơi ấy chưa treo cờ Tây Ban Nha”.
Ngoài ra, nước này còn đề cập một số biện pháp như: tăng cường kiểm soát thuế đối với công dân Gibraltar có tài sản tại Tây Ban Nha; đóng cửa không phận đối với những máy bay xuất phát từ Gibraltar... Madrid cũng đang kiểm tra gắt gao ở khu vực biên giới chỉ dài vỏn vẹn 1,2 km với Gibraltar, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
|
Ngay lập tức, đại sứ Anh tại Tây Ban Nha đã đệ đơn khiếu nại lên chính quyền Madrid. London cũng cho biết sẽ đưa vấn đề này lên Ủy ban Châu Âu. Ngày 7.8, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố tình hình biên giới Tây Ban Nha Gibraltar là “không thể chấp nhận được”. Hai ngày sau, Bộ Quốc phòng Anh cho biết 2 chiến hạm, trong đó có tàu hộ tống HMS Westminster, chở theo một đơn vị biệt kích tinh nhuệ của hải quân sẽ thăm Gibraltar vào cuối tháng 8.
Mối hận 300 năm
Cách đây khoảng 2 tuần, chính quyền bán đảo này cho thả 70 khối bê tông xuống vùng biển thuộc vịnh Algeciras nhằm “tạo bãi đá ngầm nhân tạo để phát triển hệ sinh thái”. Tuy nhiên, Tây Ban Nha cho rằng đây chỉ là cái cớ để cản trở hoạt động của ngư dân nước này, vốn được quyền đánh bắt trong vùng biển của Gibraltar kể từ sau thỏa thuận năm 1999 giữa Madrid và London. Nghiêm trọng hơn, Madrid cho rằng đây là hành động “thay đổi hiện trạng”. Như vậy, 70 khối bê tông trở thành mồi lửa làm bùng lên bất hòa tồn tại đã 3 thế kỷ giữa 2 thế lực châu Âu.
Từ năm 1462, Gibraltar trở thành lãnh thổ ở cực nam Tây Ban Nha và còn được gọi là Peñon (mỏm đá). Đến năm 1700, cái chết của vua Carlos II của Tây Ban Nha mở ra một thời kỳ chiến loạn tại châu Âu đồng thời là nguyên nhân gián tiếp khiến Gibraltar tuột khỏi tay Madrid. Sau khi Carlos II băng hà, 2 hoàng tộc lớn có quan hệ họ hàng với ông là Bourbon ở Pháp và Hasburg ở Áo giành giật ngai vàng và nhiều thế lực khác nhảy vào cuộc, theo sách A History of Spain (Lịch sử Tây Ban Nha) của Simon Barton.
Cục diện khi đó chia làm 2 phe: Pháp - Tây Ban Nha đấu với liên quân Áo - Anh - Hà Lan - Phổ - Bồ Đào Nha. Thực chất, nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến là các cường quốc khác muốn ngăn chặn vua Pháp trị vì luôn Tây Ban Nha vì điều này có thể phá vỡ cân bằng quyền lực tại châu Âu. Mang tên Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, đây được xem là một trong những đại chiến thế giới, lan tới cả những thuộc địa ở châu Mỹ.
Năm 1704, tàu chiến Anh - Hà Lan tiến chiếm Gibraltar, rồi liên minh Pháp - Tây Ban Nha dần thất thế. Đến năm 1713, chiến tranh kết thúc bằng Hòa ước Utrecht với phần thiệt thuộc về Paris và Madrid. Một trong những hậu quả cụ thể nhất là điều khoản quy định Gibraltar chính thức trở thành thuộc địa của Anh. Ngoài ra, cuộc chiến còn có một ý nghĩa quan trọng khác là ý tưởng về cân bằng lực lượng bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong địa - chiến lược quốc tế, theo sách The Emergence of the Great Powers: 1685 - 1715 (Sự trỗi dậy của các đại cường: 1685 - 1715).
Từ đó đến nay, Tây Ban Nha từng nhiều lần tìm cách giành lại Gibraltar nhưng đều bất thành, nổi bật là 2 cuộc tấn công lớn vào các năm 1727 và 1779.
Thuộc địa cuối cùng ở châu Âu
Suốt 300 năm qua, quan hệ song phương Anh - Tây Ban Nha không ít lần nguội lạnh vì vấn đề này. Tây Ban Nha luôn tìm dịp đòi lại Gibraltar, trong khi Anh không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để khẳng định chủ quyền. Cũng chính vì 2 nước không ai chịu ai và liên tục viện dẫn các điều khoản của Hòa ước Utrecht theo hướng có lợi cho mình nên đến giờ, Gibraltar vẫn là nơi duy nhất ở châu Âu còn bị xem là thuộc địa, chưa thể được công nhận là lãnh thổ tự trị của Anh dù trên thực tế, nơi này tự chủ về nội chính.
Mối bất đồng cứ thế kéo dài suốt bao nhiêu năm qua, tùy vào điều kiện chính trị, kinh tế mà tạm thời lắng xuống hay bùng phát mạnh mẽ. Cũng chính vì điều này mà vào năm 2012, Hoàng hậu Tây Ban Nha Sofia đã từ chối tham dự buổi chiêu đãi dành cho hoàng gia các nước nhân dịp kỷ niệm 60 năm đăng cơ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, theo tờ El Mundo.
Năm 2013 là cột mốc rất nhạy cảm, đánh dấu 300 năm Gibraltar chính thức trở thành thuộc địa của Anh. Ngoài ra, điều kiện chính trị, xã hội tại Tây Ban Nha và Gibraltar hiện nay cũng là yếu tố khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Chính quyền cánh hữu của Thủ tướng Mariano Rajoy có quan điểm cứng rắn về chủ quyền và lại đang phải đối mặt tình thế khó khăn trong nước do kinh tế ảm đạm và “bóng ma” nợ công luôn ám ảnh. Do đó, tờ Le Monde Diplomatique dẫn lời giới quan sát cho rằng luận điểm cứng rắn mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc hiện nay của Madrid còn là “chiến lược” đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi các khó khăn nội bộ.
Mỏm đá chiến lược
Anh và Tây Ban Nha nhất quyết không ai nhường ai vì tuy “bé hạt tiêu” nhưng Gibraltar nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng cả về quân sự lẫn thương mại. Được bao quanh bởi nhiều quốc gia của châu Á, châu Phi và châu Âu, nên Địa Trung Hải là vùng biển gần như khép kín, chỉ thông với Đại Tây Dương qua eo biển duy nhất là Gibraltar. Do đó, đây là một trong những tuyến giao thông hàng hải có lưu lượng tàu bè cao nhất thế giới, theo tờ Le Monde. Bán đảo này còn là một căn cứ hải - không quân rất quan trọng của quân đội Anh. Ngoài ra, Gibraltar còn có thế mạnh là kinh tế ổn định. Năm 2012, trong lúc Anh tăng trưởng 0,2%, Tây Ban Nha suy thoái 1,4% thì Gibraltar thảnh thơi với GDP tăng 7,8% và hầu như không biết thất nghiệp là gì. Bán đảo này được xem là “thiên đường thuế” nên thu hút được nhiều công ty nước ngoài. Ngay chính người dân Gibraltar cũng không muốn quay về với Tây Ban Nha vì sợ sẽ phải đóng thêm nhiều khoản thuế. Theo kết quả trưng cầu năm 2002, gần 99% cử tri tại đây phản đối việc Tây Ban Nha chia sẻ chủ quyền với Anh tại Gibraltar. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Thảm họa xe lửa ở Tây Ban Nha
>> Thảm họa đường sắt tại Tây Ban Nha, ít nhất 45 người chết
>> Tây Ban Nha bắt nghi can khủng bố tuyển người sang Syria
>> Bà con xa của vua Tây Ban Nha dính líu đến mafia Trung Quốc
>> Giữ sạch đường phố kiểu Tây Ban Nha
Bình luận (0)