Hai sự việc khác nhau nhưng có liên quan đến việc liên doanh liên kết giữa bệnh viện (BV) với một số doanh nghiệp trong việc lắp đặt các thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.
|
Giám đốc BV bị chém suýt chết
Ngày 9.8.2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao bác đơn kháng án, tuyên y án sơ thẩm đối với 4 bị cáo trong vụ truy sát ông Đào Quang Minh, Giám đốc BV Thanh Nhàn.
Theo hồ sơ, bản chất của vụ việc là do xung đột về lợi ích trong hoạt động xã hội hóa y tế. Theo đó, Nguyễn Quang Đạt nguyên là Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ y tế (gọi tắt là Công ty ĐY33). Từ những năm 2005, Đạt là người đại diện pháp luật cho Công ty ĐY33 ký hợp đồng liên kết liên doanh với BV Thanh Nhàn về một số dịch vụ xe tang lễ và máy móc thiết bị khám chữa bệnh. Theo thỏa thuận giữa hai bên, đối với dịch vụ tang lễ, phía Công ty ĐY33 mua sắm ô tô và được hưởng 95% doanh thu, phần còn lại là của BV Thanh Nhàn. Đối với một số máy móc thiết bị khám chữa bệnh cũng do Công ty ĐY33 đầu tư được chia theo tỷ lệ 85% và 15%.
Năm 2011, ông Đào Quang Minh sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc BV Thanh Nhàn có chủ trương xem xét lại các hợp đồng liên doanh liên kết do người tiền nhiệm của mình ký kết trước đó. Khi hai bên không đạt được thỏa thuận nên dẫn đến mâu thuẫn. Cho rằng ông Minh cản trở, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của mình nên Nguyễn Quang Đạt thuê một nhóm “sát thủ” ở Phú Thọ ra tay. Ngày 1.3.2013, ông Minh dẫn đầu đoàn công tác từ Hà Nội lên Thái Nguyên thì bị các đối tượng phục sẵn tại ngã ba Thạch Lỗi thuộc xã Thanh Xuân, H.Sóc Sơn, Hà Nội rồi dùng dao chém.
Doanh nghiệp được 10, BV chưa được 1
Tìm hiểu của Thanh Niên, từ 2005-2010, BV Thanh Nhàn đã ký kết hợp đồng liên doanh liên kết với nhiều doanh nghiệp bên ngoài thực hiện xã hội hóa y tế. Riêng Công ty ĐY33, ngoài một số dịch vụ khác đã ký kết 3 hợp đồng liên doanh liên kết với BV Thanh Nhàn về máy móc chẩn đoán hình ảnh theo hình thức thuê máy. Với việc xã hội hóa này, toàn bộ thiết bị của ĐY33 lắp đặt khai thác đã tạo thành một đơn nguyên chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao chiếm diện tích khoảng 300 m2 ở vị trí gần như đẹp nhất trong BV.
|
Theo phản ánh của một số bác sĩ tại BV Thanh Nhàn (đề nghị không nêu tên), khi ký kết hợp đồng trước đây, các lãnh đạo BV không hiểu vì lý do gì đã không tính đến cơ sở vật chất cũng như nguồn bệnh nhân của BV và cả khấu hao tài sản. Các hợp đồng được ký có thời hạn 10 năm, tức là những hợp đồng đến năm 2020 mới hết hạn, sau thời gian này thì toàn bộ máy móc vẫn thuộc về doanh nghiệp. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dù liên doanh liên kết hoành tráng nhưng hiệu quả thu được về cho BV rất khiêm tốn. Năm 2009, dựa trên con số tổng thu các ca bệnh, Công ty ĐY33 được chia hơn 5,5 tỉ đồng còn BV Thanh Nhàn chỉ được hưởng 972 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2012, ĐY33 được chia hơn 5 tỉ đồng, còn BV Thanh Nhàn được chia 980 triệu đồng. Đáng chú ý, trong khoản được hưởng thì BV Thanh Nhàn còn chưa trừ đi số tiền lương phải trả cho 11 cán bộ nhân viên của BV được huy động sang làm việc tại mô hình liên doanh này.
Ngoài liên kết với Công ty ĐY33, năm 1998, BV Thanh Nhàn còn ký hợp đồng hợp tác khoa học kỹ thuật lọc thận nhân tạo với Công ty thương mại Đại Việt (thời hạn 15 năm), với tỷ lệ ăn chia cũng khập khiễng. Năm 2009, tổng thu của mô hình liên kết này là gần 9 tỉ đồng, nhà đầu tư được chia hơn 8,7 tỉ đồng còn phía BV được 170 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2012, tổng thu mô hình này là 4,9 tỉ, nhà đầu tư được hưởng hơn 4,8 tỉ đồng còn BV chỉ được hưởng... 44,5 triệu đồng!
Người bệnh lãnh đủ
Những bất đồng trong quan điểm và xung đột về lợi ích kinh tế trong xã hội hóa y tế ở BV Thanh Nhàn đã gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Đầu tháng 8 mới đây, nhân viên ĐY33 đã căng băng rôn đứng trước điểm khám bệnh của BV Thanh Nhàn để đòi quyền lợi.
Nguyên nhân do sau khi tiến hành đàm phán về tỷ lệ ăn chia không được, từ ngày 1.8, BV Thanh Nhàn đã dừng toàn bộ dịch vụ liên kết với Công ty ĐY33. Phía ĐY33 lại cho rằng, các hợp đồng ký kết giữa hai bên còn có hiệu lực nhiều năm, việc BV Thanh Nhàn đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm pháp luật.
Bình quân mỗi ngày BV Thanh Nhàn khám chữa bệnh cho khoảng 800 - 1.000 người bệnh. Tuy nhiên, do chọn hình thức đầu tư xã hội hóa, nên nay khi “đoạn tuyệt” với doanh nghiệp, BV không có máy móc chẩn đoán hình ảnh để phục vụ khám chữa bệnh. Từ ngày 1.8 đến nay, các trường hợp đến cấp cứu tại BV Thanh Nhàn sau khi tiếp nhận, thì được BV đưa lên... xe cấp cứu đi chụp chiếu nơi khác. Chưa hết, một số bệnh nhân mổ hoặc điều trị nội trú tại đây khi có chỉ định chụp chiếu của bác sĩ để theo dõi thì cũng phải tự đi hoặc lên xe cấp cứu đưa sang nơi khác chụp rồi đưa về.
Từ chối tiếp phóng viên Đáng chú ý, trong quá trình tìm hiểu sự việc này, PV Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc để hẹn làm việc với lãnh đạo BV Thanh Nhàn, song bà Chu Thị Dự - Phó giám đốc cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí. Tương tự, ông Đào Quang Minh, Giám đốc cũng nhiều lần cáo bận để từ chối không làm việc với PV. |
(Còn tiếp)
Thái Sơn - Hoàng Trang
Bình luận (0)