Gạt nước mắt kể chuyện 6 năm ròng sống chui lủi ở Nga

14/08/2013 10:40 GMT+7

(TNO) Vừa trở về từ nước Nga , khi những giọt nước mắt chưa kịp lau khô, nói về 6 năm ròng rã sống chui lủi, anh Thân Văn Hậu (25 tuổi, thôn Thành Công, xã Tiền Phong, Yên Dũng, Bắc Giang) chỉ có thể thốt lên hai từ “ kinh hoàng ”.

>> 31 lao động Việt Nam bị tạm giữ tại Nga đã về đến Nội Bài
>> 31 lao động Việt nhập cư trái phép ở Nga lên đường về nước
>> Lo lắng về lao động bất hợp pháp ở vùng biên
>> Phối hợp với Bộ Quốc phòng, BĐBP quản lý lao động bất hợp pháp qua biên giới

Giấc mộng đổi đời

Trong chiến dịch truy quét người nhập cư trái phép ở thủ đô Moscow (Nga) trong tháng 7 vừa qua, hàng nghìn lao động bất hợp pháp (từ Việt Nam, Ai Cập, Syria, Ma Rốc…) đã bị bắt giữ. Anh Thân Văn Hậu là một trong số 31 lao động Việt Nam vừa được phía Nga trả về Việt Nam hôm 11.8 vừa qua.


Anh Hậu đã trở về đoàn tụ với gia đình

Trước khi ôm mộng sang Nga, anh Hậu chỉ là một thợ phụ hồ theo đúng nghĩa "bán mồ hôi lấy tiền". Học hết cấp hai, Hậu chỉ quanh quẩn ở quê, làm thợ phụ hồ rồi thợ xây với mức lương bèo bọt.

Năm 2007, một số cai thầu tự xưng là đang làm việc cho Công ty D. chuyên về lĩnh vực xây dựng ở Liên bang Nga về xã Tiền Phong nhận lao động đi Nga.

Theo các cai thầu này, việc đi Nga dễ như đi chợ, chỉ cần chạy đủ số tiền 60 triệu đồng sẽ được sang Nga làm việc thu nhập “khủng” lên đến 400 USD tháng đầu tiên, sau đó sẽ tăng dần. Chuyện thủ tục, các cai thầu này sẽ lo từ A đến Z. Theo như hợp đồng lao động, các lao động Việt sẽ được thử việc 1 tháng sau đó sẽ có công việc ổn định, ngày làm 8 tiếng.

Thấy khoản thu nhập quá lớn, Hậu mạnh dạn nói với bố mẹ “nhà mình nghèo, con đi 2 - 3 năm có tiền sẽ gửi tiền về xây nhà, lấy vốn làm ăn” và quyết tâm đi Nga, ôm theo giấc mộng đổi đời.

Sáu năm chui lủi

Thế nhưng, sau tháng đầu tiên đặt chân đến Nga, anh Hậu đã vỡ mộng hoàn toàn. Thực tế diễn ra phũ phàng ngoài sức tưởng tượng.

Ngay từ tháng đầu tiên, Hậu đã phải thử việc không công. Công việc không khác gì ở nhà, vẫn xách vữa, đi xây. Đến tháng thứ 2, thay vì làm 8 tiếng, chủ thầu ép làm 12 tiếng mỗi ngày. Nhưng bù lại, Hậu nhận được 800 USD/tháng tiền lương. Niềm vui chưa được bao lâu, liên tục tháng thứ 3, thứ 4, Hậu làm việc quần quật nhưng bị quỵt lương. Đây là chiêu trò của chủ thầu để giữ người.

Không chịu được cảnh làm không lương lại bị ép giờ lao động, Hậu phá bỏ hợp đồng lao động, chấp nhận mất trắng khoản tiền 60 triệu cho chi phí ban đầu. Được sự giúp đỡ của nhiều người lao động Việt tại Nga cùng chung cảnh ngộ, Hậu trở thành lao động tự do, lang bạt ở xứ người, hễ có chủ cai nào ở Nga thuê mướn, Hậu đều đồng ý nhận làm.

Trong khoảng thời gian này, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt. Lắm lúc, Hậu đến cơm cũng không có mà ăn, xoay sở mọi cách để tìm kiếm việc làm. Khoản tiền công ít ỏi cũng chỉ đủ trang trải tiền nhà trọ, tiền ăn hàng ngày. Hậu cho biết, bản thân mình ở cùng với 4 lao động Việt khác trong phòng trọ rộng chừng 20 m2 với giá 3 triệu đồng, gồm cả chi phí điện nước.


Góc nhỏ làng quê ở thôn Thành Công (xã Tiền Phong, H.Yên Dũng, Bắc Giang)

Quyệt ngang dòng nước mắt, Hậu kể anh sang Nga đúng vào mùa đông, thời tiết rét như cắt da cắt thịt. Thời gian đầu chưa kịp thích nghi, ốm đau liên miên. Thời tiết ở Nga chỉ "cày" được 5 tháng hè, còn mùa đông trời rét đến -26 độ C, không làm được việc gì.

Đặc biệt, thời điểm những năm 2008 - 2009, “chợ Vòm” (khu chợ của người Việt kinh doanh tại Nga - PV) bị sập, kinh tế Nga bước vào thời kỳ khủng hoảng, chủ xây dựng phá sản, hàng nghìn lao động Việt lâm vào cảnh khốn đốn. Giữa nơi đất khách quê người, nhiều người không chịu được nên đã bỏ về nước.

“Tôi khổ mãi quen rồi, dù làm việc 12 tiếng hay 14 tiếng, công việc nặng nhọc mấy tôi cũng cắn răng chịu được nhưng cứ nghĩ đến lúc bố mẹ ở nhà chạy vạy khắp nơi vay tiền cho mình, trong khi đó bên này tôi đang sống dở chết dở, ngay cả tiền về cũng không có…”, Hậu thở dài.

Mãi đến năm 2010, kinh tế phục hồi, vắt kiệt sức mình để làm việc Hậu kiếm được 10 - 12 triệu/tháng. Đến 17.7.2013, Hậu bị công an liên ngành về cư trú ngoại kiều Nga kiểm tra và bị đưa về khu trại tạm giữ người nhập cư bất hợp pháp.

Trắng tay hoàn tay trắng

Không có hộ chiếu, không có giấy phép lao động, Hậu bị phía Nga trục xuất vì là người nhập cư, lao động bất hợp pháp.

Đến 16 giờ ngày 10.8, sau khi làm đủ các thủ tục, Hậu được lên máy bay về nước. Sáng 11.8, gia đình Hậu thuê xe ô tô ra sân bay Nội Bài đón anh...

Về đến nhà, nhẩm tính lại, Hậu cũng đã chắt chiu gửi được về cho gia đình hơn 200 triệu đồng để trả nợ và sửa sang căn nhà xây dở dang từ 10 năm về trước. Thế nhưng, sau 6 năm phiêu bạt bên trời Nga, ngày về cay đắng vẫn bao trùm Hậu trong cảnh trắng tay.

Hôm làm thủ tục, Hậu phải vay 14 triệu để làm giấy thông hành và lo tiền vé máy bay.

Nói về dự định sắp tới, Hậu chỉ có ước mơ nhỏ nhoi muốn xây dựng gia đình, còn công việc trước mắt, có thể sẽ lại đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống như những ngày còn chưa đi Nga ôm mộng đổi đời...

Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, ở các thôn Thành Công, Quyết Tiến… tại xã Tiền Phong (H.Yên Dũng, Bắc Giang) còn có hàng chục cảnh ngộ tương tự trường hợp của anh Thân Văn Hậu… Nhiều người trong số đó đã vỡ mộng “giấc mơ Nga” vì bỗng dưng lâm vào cảnh nợ nần túng quẫn, lại phải chịu cảnh giam giữ hàng tháng trời vì nhập cư bất hợp pháp.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Thân Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “Những năm 2006 - 2007, người dân trong xã ồ ạt đi Nga. Nhưng hầu hết các trường hợp này đi theo hình thức tự phát, không thông qua xã, nên xã không thể nắm con số cụ thể bao nhiêu”.

Theo ông Thịnh, phần lớn lao động Việt tại Nga làm ăn không hiệu quả nên sau năm 2008, họ kéo nhau về nước gần hết.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn

>> Thêm một người đi xuất khẩu lao động "chui" tử vong ở Angola
>> Vụ lao động bị sát hại: Đưa người sang Angola lao động chui
>> Mất tiền, vào tù vì đi lao động chui

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.