Theo dấu văn thơ - Kỳ 10: Về nơi núi Mộng gương Hồ

15/08/2013 03:35 GMT+7

Hà Tiên - Kiên Giang vẫn còn lưu lại ngôi nhà thi nhân cùng mối tình 'song kiếm hợp bích' Đông Hồ - Mộng Tuyết.

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 9: Gặp lại Huyền Trang
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 8: Anh bán chiếu Cà Mau trên dòng kinh Ngã Bảy
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 7: Nàng Chăng Cà Mum của Nguyễn Chánh Sắt
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 6: Mẫn của chúng ta
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 5: Lư Khê nhạt dấu

Ngôi nhà thi nhân

Nhà lưu niệm Đông Hồ nằm bên bờ Đông Hồ, P.Đông Hồ. Đây là nơi lưu ức mối tình thơ “núi Mộng gương Hồ” giữa cố thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết.

Ngôi nhà thi nhân - d
Ngôi nhà thi nhân - Ảnh: T.D 

Ở ngôi nhà thơ này xưa kia thi sĩ Đông Hồ từng xây dựng Trường Trí Đức học xá do chính ông làm trưởng giáo truyền bá chữ quốc ngữ, truyền thụ nền quốc văn cho học trò. Và Mộng Tuyết, một trong những giáo sinh ấy, 12 tuổi đã được thầy Phác (Đông Hồ) tập tành làm thơ để từ đó đã nảy sinh khối tình.

Mộng Tuyết kém Đông Hồ đến 8 tuổi, lúc đầu giữa nữ sĩ và thi sĩ là tình thầy trò và quan hệ anh rể - em vợ. Thuở hoa niên bà tương tư thầy, gửi tâm tình qua mười bài thơ tình ấp ủ. Khi vợ thi sĩ mất, vượt qua định kiến bà đã trở thành tri âm tri kỷ của ông, ông ngâm thơ, bà xướng họa...

Từ cổng rào nhìn vào căn nhà nằm bên trong thấy dòng chữ “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường”. Một phần xưa của nền Trí Đức học xá đã được nữ sĩ tặng để xây Trường mẫu giáo Đông Hồ. Trong khuôn viên vẫn hai hàng trúc lơ thơ trước gió mà khi gầy dựng lại nền xưa nữ sĩ đã chăm chút tưởng nhớ bạn tình. Ngày 25.3.2006, nữ sĩ vui mừng khi UBND thị xã Hà Tiên long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố thi sĩ Đông Hồ. Đến năm 2007 thì nữ sĩ qua đời.

Ngôi nhà lưu niệm hiện giờ luôn đóng cửa nên khách nhàn du lần bước tới cũng ngập ngừng. Từ khi nữ sĩ qua đời, ngôi nhà được giao cho bà Thanh Hoa là cháu gái Đông Hồ coi sóc. Bà Thanh Hoa thường hay viếng chùa, lạy Phật lại hay rày đây mai đó tu đạo nên ngôi nhà thơ luôn im lìm bên bờ Đông Hồ. Đấy cũng là điều đáng tiếc bởi khách lãng du từ nơi xa xôi tìm đến muốn ghé vào thăm thắp một nén nhang trước di ảnh người xưa hay ghi đôi dòng thủ bút tưởng nhớ Đông Hồ - Mộng Tuyết đành thất vọng ra về.

Ngôi nhà thi nhân trầm mặc ngó qua bên kia núi Tô Châu, phía bên kia sườn núi Tô Châu là mộ thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết nằm sóng đôi nhau. Trong cuối phần đời nữ sĩ có tâm nguyện khi bà mất mộ bà được đặt cạnh người xưa để muôn đời núi Mộng e ấp bên gương Hồ. Để mai sau “Núi Mộng gương Hồ thơ hiển linh/thi thần tuyệt sắc giữa nhân sinh”.

Còn đâu xóm Rẫy ngày xưa...

Khi Đông Hồ đột ngột tạ thế ở Sài Gòn, Mộng Tuyết xem đời như giấc mộng. Là mộng nên trong hồi ký Núi Mộng gương Hồ nữ sĩ hay tơ tưởng lại chuyện xưa. Bà viết, nhà anh ở bên bờ Đông Hồ, nhà tôi ở xóm Rẫy gần chân núi Bình San, cách nhau con lộ thẳng tắp. Dạo ấy nước ngọt Hà Tiên khan hiếm lắm nên nhà nào cũng sắm vài cái lu chứa nước mưa. Và cô bé Mộng Tuyết theo chân các chị ra Ao Sen lấy nước ngọt. Rồi đôi lần cô bé bắt gặp chàng thư sinh nho nhã, mặt thanh tú, trắng trẻo trong quần áo vải trắng tinh thẳng nếp đi vẩn vơ ngắm sen. Buổi ban sơ ấy gieo vào Mộng Tuyết những mộng mơ. Năm lên 9, Mộng Tuyết đi học lớp năm (lớp 1 bây giờ) mới biết “người mộng” là thầy Lâm Tấn Phác (tên thật của Đông Hồ). Dạy học vài ngày thầy Phác có việc nên nghỉ, rồi sau đó gặp thầy Phác ở đâu là cô bé bẽn lẽn trốn dù chẳng rõ lý do.

Núi Mộng - Gương Hồ - Ảnh chụp lại
Núi Mộng - Gương Hồ - Ảnh chụp lại

Nữ sĩ tả xóm Rẫy là nơi xa chợ, nơi đó dân lành sống yên ả với nghề vườn tược. Khách đi chơi núi hay ghé xóm uống trà, ngoạn cảnh hoa lá. Còn nhà Đông Hồ là ngôi nhà năm gian cạnh bờ Đông Hồ, trước sân nhà là hai bụi trúc xanh lả ngọn rì rào...

Xóm Rẫy qua trường ca Người xóm Rẫy của thi sĩ giang hồ Nguyễn Bính khi lạc bước đến Hà Tiên làm xóm cô thôn yên bình thêm nổi tiếng. Nhưng bây giờ dấu vết xưa đã biến mất, xóm Rẫy bây giờ đông đúc hơn, nhà lầu, nhà ngói mọc lên, không còn nương rẫy như xưa hay chạng vạng là nhà xóm Rẫy khép cửa.

Xóm Rẫy đổi thay, bờ Đông Hồ biến đổi. Nhiều cụ lão bước qua hàng 77 tuổi nói ngày xưa dọc theo bờ Đông Hồ là rặng dừa xanh cùng ghe tàu ngư dân neo bến nên phong cảnh rất hữu tình trong đêm trăng tròn. Sau này bờ Đông Hồ xây kè cao nên thủy triều dâng nước không tràn vào làm thị xã sạch hơn nhưng phần thơ mộng đã giảm đi. Họ nhớ ngày ấy từ bờ Tô Châu qua Đông Hồ và ngược lại phải đi bằng phà kéo tay rồi sau này là cầu phao. Cầu phao nằm vắt qua như sợi chỉ hồng xuyên đầm Đông Hồ làm đường vào Hà Tiên thêm mềm mại dù chạy lên cầu xe bị lắc lư bồng bềnh nhưng khách rất thích. Sau này, năm 2007, cầu phao bị dỡ bỏ do có cầu bê tông Tô Châu thay thế. Đi qua cầu Tô Châu nhanh hơn nhưng đường bờ hồ kém đi lãng mạn.

Thanh Dũng

>> Vợ và thơ, mối tình thứ hai
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 16: Mối tình Túy Hồng - Lam Phương
>> Những mối tình đẹp trên sân khấu
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 16: Đại Giác cổ tự và mối tình công chúa
>> Mối tình đầu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.