Theo dấu văn thơ - Kỳ 5: Lư Khê nhạt dấu

02/08/2013 00:50 GMT+7

Cá vược đã góp phần tạo nên danh thắng trong thập cảnh Hà Tiên nay hiếm dần, trong khi cá cháy Trà Ôn khơi gợi biết bao câu chuyện chưa lời giải đáp cũng mất bóng.

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 4: Trái tim đá núi
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 3: Bí ẩn Chiêu Anh Các
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 2: Bài thơ thầy Thông Chánh

Còn Lư Khê, mất cá vược

Lư Khê Ngư Bạc là một trong mười bài thơ tả mười cảnh tuyệt đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng tác. Cố thi sĩ Đông Hồ giải thích Lư là loài cá vược, Khê là khe, là rạch, còn Ngư là thuyền chài, người lưới cá, câu cá, Bạc là thuyền đỗ bến. Lư Khê Ngư Bạc là cảnh Rạch Vược, nơi thuyền ngư đỗ bến. Thi sĩ Đông Hồ dịch nghĩa bài thơ ấy như sau: Bóng chiều nắng ngả dòng sông thẳm/Rạch Vược đèn ngư khói chập chùng/Bến cũ nhấp nhô thuyền đỗ sóng/Bờ xa san sát lưới phơi trăng/Cánh tơi sáo thấm sương pha buốt/Mái trúc chèo khua nước sáng trưng/Lồng lộng vời trông cười thử hỏi/Cá rồng vùng vẫy chốn này chăng.

Theo dấu văn thơ - Kỳ 5: Lư Khê nhạt dấu
Lư Khê bị quốc lộ chắn ngang không còn thông với biển - Ảnh: Thanh Dũng

Ông Trương Minh Đạt, nhà Hà Tiên học, nói trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên thì Lư Khê Ngư Bạc còn mà như mất, mất mà như còn bởi con rạch vẫn còn đó nhưng cảnh đã khác xưa! Rạch Vược bây giờ thuộc ấp Thuận Yên, cách TX.Hà Tiên khoảng 5 km, chạy xe ngang qua đoạn này có ai ngờ nơi ấy từng được ca tụng là Hà Tiên thập cảnh.

Các cựu lão hồi tưởng ngay Rạch Vược ngày xưa là xóm ngư dân yên bình, vì rạch ấy có lắm cá vược nên gọi tên là Rạch Vược. Rạch Vược có hai nhánh: một thông với vàm Đông Hồ và một thông ra biển. Tại con rạch này, Mạc Thiên Tích cho dựng một điếu đình làm chỗ buông câu, hưởng thú nhàn hạ núi trăng. Cá nặng trên 5 - 10 kg mới gọi là cá vược, còn cá dưới 5 kg gọi là cá chẽm. Ông Đạt nhớ lại kể: “Cá vược là loài cá ngon có tiếng, trong văn học ca tụng nhiều. Cá nấu chưng với sả nghệ hay hấp dầu ăn rất ngon. Những phụ nữ đảm đang xưa hay trổ tài nấu nướng đãi món cá vược trong ngày giỗ, lễ làm người ăn khen nức lòng. Ngày nay, cá vược ít lắm nên công thức chế biến cá ngon giới trẻ ít người biết đến”.

Theo ông Đạt thì thời Pháp đã cho xây cầu sắt bắc qua Rạch Vược, tới năm 1943 Pháp phá cầu đắp thành con lộ lớn. Năm 1944, vua Bảo Đại tới dự lễ khánh thành con lộ này. Pháp đắp lộ chủ đích cho xe cơ giới qua mau hơn, sau này Việt Minh đào phá con lộ chặn xe cơ giới giặc khó chạy qua. Sau giải phóng, con lộ được đắp lại và nay nằm trong đoạn quốc lộ 80. Con rạch bị quốc lộ chắn ngang không còn thông với biển, chỉ còn một ngọn thông với Đông Hồ, cá vược không còn bơi qua được nên hiếm dần.

 

Trong hồi ký Hậu Giang - Ba Thắc cụ Vương Hồng Sển tả lại loài cá cháy như sau: Trứng cá ăn ít thấy ngon đến thèm khát, nhưng nếu tham ăn quá nhiều sẽ ngồi đâu trịnh đó. Thịt cá cũng mau ươn hơn các loại cá khác, do vậy phải ăn cấp kỳ, ăn tại chỗ nếu không sẽ mất ngon. Theo cụ Sển, cá cháy phải ăn một lửa mới cảm hết hương vị của nó. “Một con cá tươi thì mười cỗ cơm Tàu Chợ Lớn không đổi”, cụ Sển phán. Món cá cháy chỉ là món ăn xa xỉ của giới nhà giàu và để dành đãi khách sang. Cách thết đãi khách bằng món cá cháy quý hiếm cũng thể hiện được tính cách phóng khoáng, mến khách. Theo cụ Sển, vì lẽ đặc biệt đó nên cá cháy đã góp phần tạo nên một phong cách ẩm thực hết sức tinh tế và sành điệu của người Nam bộ xưa.

Với Rạch Vược, ông Đạt có lắm kỷ niệm. Nơi ấy thân sinh ông sống với nghề ngư phủ đói nghèo, không nhàn hạ thong dong như ngư ông trong bài thơ họ Mạc. Thân sinh ông Đạt ít học nên nguyện vọng trong đời là lo cho bầy con ăn học tới nơi tới chốn. Ước nguyện của ông bà đã trọn bởi bầy con đều đỗ đạt thành tài, trong đó phải kể đến nhà thơ nhà báo Trương Minh Em (biệt hiệu là Lư Khê), được mệnh danh là “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm Đông Hồ, Trúc Hà, Mộng Tuyết, Lư Khê. Mang cái máu ngư dân nên tướng tá Lư Khê là thư sinh nhưng chài, câu cá vược không thua kém các ngư câu. Lư Khê lên Sài Gòn làm chủ bút tờ báo Ánh Sáng, nhưng tháng 7.1950 bị ám sát, ông mất ở tuổi 34. 

Tiếc cho “cá tầm” miền Tây

Nếu cá vược tạo nên một cảnh đẹp xưa thì cá cháy tạo nên phong cách của món ăn Nam bộ. Gần đây, khi rộ lên thông tin cá tầm Trung Quốc nhập lậu, ngư dân miền Tây lại tiếc cho cá cháy - loài cá mà trứng ngon không kém gì cá tầm nhưng không hiểu sao lại biến mất tăm trên sông Hậu. Ông Dương Công To, ngư dân xóm Đáy (xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) kể: “Tôi sống bằng nghề đánh cá mấy chục năm trên đoạn sông Trà Ôn, sông Hậu nhưng hiếm khi nào đánh lưới dính được cá cháy. Tôi nghe mấy lão ngư kể lại trứng cá cháy “ngon tuyệt cú mèo” mà thèm, muốn một lần được nếm thử nhưng thú thực chưa có dịp may”. Ông To nói bây giờ lớp ngư dân biết rõ về cá cháy đã mất, lớp còn thì tuổi xế bóng nên ký ức về cá cháy đời sau đã bị mai một dần.

Ông To nói hồi các lão ngư còn minh mẫn hay kể các loài cá xưa, trong đó cá cháy luôn gây hút sự thích thú cho lớp trẻ. Cá cháy nhiều xương, mình thon dài, vảy to và trắng, con to lắm nặng cũng khoảng 1,5 kg trở lại. Từ khoảng tháng 11 âm lịch đến mùa sa mưa năm sau là mùa cá cháy hội, từ biển khơi chúng bơi vào sông Hậu và đây là thời điểm ngư dân tổ chức đánh bắt. Cá cháy rất yếu, bắt lên khỏi mặt sông vài giây là chết. Ông To nói: “Độ năm 1984 không còn ngư dân nào bắt được nó nữa. Mấy lão ngư cũng không hiểu sao chúng biến mất kỳ lạ trên sông rạch. Nhiều cụ suy đoán có thể ngày xưa nước biển có độ mặn cao khi xâm nhập vào cửa sông Hậu đã mang theo cá cháy từ biển vào sông Trà Ôn. Sau này do độ mặn thay đổi nên sông rạch không thích nghi cho cá cháy”.

Đây là loài cá bí ẩn vì cho đến nay các loài cá có tên trong Sách đỏ vẫn lộ diện trên sông rạch nhưng cá cháy thì bặt tăm. Ngay cả Trung tâm giống quốc gia thủy sản nước ngọt Nam bộ là nơi nuôi dưỡng nhiều loài cá quý hiếm, nhưng khi đề cập đến cá cháy nhiều chuyên gia thủy sản cũng lắc đầu. Họ nói do chưa nắm rõ về chúng nên chưa thể nói gì.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.