Theo dấu văn thơ - Kỳ 4: Trái tim đá núi

01/08/2013 00:15 GMT+7

Trái tim Núi Sập là tiếng kêu thổn thức, đau đáu về một trái núi đẹp bị tàn phá dần. Cố soạn giả Hoa Phượng đã viết bài vọng cổ này bằng cả tấm lòng hoài vọng.

Bài ca ký thác

Núi Sập là ngọn núi đẹp thuộc thị trấn Núi Sập (H.Thoại Sơn, An Giang). Nhà thơ Trần Hữu Phước, 81 tuổi, cựu chiến binh Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật An Giang nhớ lại lúc nhỏ ông và Lương Kế Nghiệp (tức soạn giả Hoa Phượng) sống chung ở làng Thoại Sơn, tổng Định Phú cũ. Nhà Hoa Phượng trên núi Sập, nhà ông Phước dưới chân núi. Lúc đó chưa có đường bộ nên muốn vào làng Thoại Sơn phải đi bằng xuồng hoặc tàu đò, mất rất nhiều thời gian.

Dạo ấy người dân dựng một trường tư nhỏ như cái lán trại trên mé núi cho trẻ trong xóm núi đi học với thầy Chiểu. Hoa Phượng, ông Phước học chung lớp, Hoa Phượng nhỏ hơn 1 tuổi nên hai ông quen miệng gọi nhau là mày tao. Gia đình Hoa Phượng rất nghèo, thân sinh sống bằng nghề đập đá rất cực nhọc. Hoa Phượng điềm đạm ít nói, sống rất chân tình với bè bạn.


Núi Sập đã không còn hình dáng xưa - Ảnh: Thanh Dũng 

Ông Phước nhớ lại: “Lúc đó núi Sập rất đẹp, trải dài như dáng con rồng nằm, lại có một cái đầm nhỏ gần núi và một cụm đá nhỏ nhô lên trên đầm nước nên tư thế như rồng ngậm châu. Trên núi Sập lúc ấy có am Cô Mười, pháo đài và rất nhiều hoa phượng vào hạ nở đỏ rực trên núi tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình nên lũ học trò rất thích”. Ông Phước cho biết từ ký ức ấy Hoa Phượng chọn bút danh loài hoa đỏ lưu luyến quê hương.

Rời trường hai người đi kháng chiến ở chung chiến khu, lúc ấy mê vọng cổ thơ văn quá nên cả hai len lén chống xuồng bơi ra đồng nghêu ngao vài câu. Rồi lại xa nhau, hòa bình lập lại Hoa Phượng sống ở Sài Gòn, Hữu Phước về lại quê nhà. Hai ông biền biệt tin nhau nhưng có niềm chung riêng về tình yêu đá núi, cùng nghiệp văn chương, sân khấu. Lúc Hoa Phượng viết xong bài vọng cổ Trái tim Núi Sập thì không lâu sau Hữu Phước cũng có bài thơ Núi Sập với tiếng than buồn: “Sao lại gọi là núi Sập/Núi có sập không, tự bao giờ...”.

Ông Phước nói bài vọng cổ trên Hoa Phượng đã ký thác gửi gắm tâm sự nỗi niềm với nhà thơ Kiên Giang cùng lời trăn trối. Liên hệ với nhà thơ Kiên Giang qua điện thoại, ông xác nhận bài vọng cổ ấy Hoa Phượng viết xong trong năm 1969, Hoa Phượng trao cho ông vào năm 1976 với lời ký thác đừng phổ biến nó, chỉ ca trước quan tài của Hoa Phượng.

Nhà thơ Kiên Giang cho biết năm 1984 Hoa Phượng mất, theo di ngôn người xưa nhà thơ đã tìm người hát bài vọng cổ ấy trước linh cữu Hoa Phượng. Nhà thơ Kiên Giang nhớ lại: “Tôi tìm nghệ sĩ Thanh Sang hát bài này vì giữa Thanh Sang và Hoa Phượng có mối thâm tình, nhưng lúc đó Sang đang lưu diễn ở vùng quê nên không liên hệ được. Tôi đã gặp nghệ sĩ Thanh Tuấn và em nó đã hát bài này...”.

Không còn dáng xưa

Giờ đường đến núi Sập không cách trở như xưa, thân tộc của Hoa Phượng vẫn còn ở triền núi. Núi Sập bị khai thác đá từ thời Pháp thuộc, sau tiếp thu vẫn bị khai thác tiếp nên dáng hình núi lở lói mất dần nét xưa, nay đời sau đã ngưng khai thác đá, núi Sập trở thành khu du lịch. Nhiều người tiếc vì đá núi Sập là đá granit - loại đá tốt nhất, có giá trị nhưng từng bị đem làm đá lót đường đi.

Ông Trần Phước Lập, Phó chủ tịch Hội Khuyến học H.Thoại Sơn nói ông và nhiều người xóm núi rất thích bài vọng cổ Trái tim Núi Sập bởi lời lẽ quá hay đẹp nên đi đâu hay có đám tiệc cũng hát bài này cho bạn bè nghe. Ông Lập cho biết bài gồm 6 câu trong đó 3 câu đầu nhịp 32, còn 3 câu cuối nhịp 12. Tuy nhiên, do là dân nghiệp dư nên ông chỉ hát được 3 câu đầu, còn 3 đoạn sau rất khó vì phải hát trầm trầm, giọng ngang ngang nên hát được thì không hay lắm, mà có hát được thì mấy tay đờn vùng An Giang cũng không đờn theo được.

Rồi ông trịnh trọng lấy giọng vô đề 3 đoạn đầu: “Núi Sập ngày 16.2.1959, ba là Lương Văn Tráng có mấy lời gửi lại cho con. Ba mươi năm trước con chào đời tại xã Thoại Sơn. Khi núi Sập vẫn còn nguyên hình dáng. Nay trái núi quê hương bị vỡ ra từng mảnh để người dân tìm phương sinh sống. Chớ không còn ai thảnh thơi nằm võng mà nghe tiếng gà trưa lay động bóng tre... làng. Núi Sập giờ đây cũng như ba, nó cũng sắp thở hơi tàn. Với thân mình tiều tụy, núi Sập nhìn con sông Lạc Dục để trối trăn “Sông ơi, người ta đem thịt xương tôi để nối liền những con đường xứ sở cũng như con sông đó là huyết quản của quê hương, nhưng sông có buồn không khi đá núi đã mòn mà nước sông vẫn còn luân lưu chảy mãi...

...Đã đành mọi vật có sanh thì có tử nhưng khi thấy cảnh tang điền thương hải, mấy ai tránh khỏi nén lòng đau xúc động bồi hồi. Núi Sập được bao nhiêu niên kỷ hay cùng sinh ra một lượt với đất trời. Ôi còn đâu pháo đài uy nghi trên chóp núi, còn đâu am Cô Mười với cây đa lẻ chơ vơ. Tất cả đã trở thành đời xưa khi núi Sập hóa thành bình địa. Rồi mai kia có những người Thoại Sơn lạ lùng bỡ ngỡ hỏi nhau rằng: Núi Sập nằm đâu...”.

Nhà thơ Kiên Giang nói đấy bài vọng cổ thể hiện tình yêu của một người con xa xứ. Lúc ấy Hoa Phượng có nỗi niềm riêng nên chưa công bố. Do thế bài hát dù lời lẽ hay đẹp nhưng công chúng và giới văn nghệ vẫn xa lạ. Năm 2006 tại H.Thoại Sơn đã diễn ra đám giỗ của Hoa Phượng với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ, bạn hữu và chính quyền địa phương... nhằm tri ân đứa con đá núi. Nhưng ông Phước cũng như bao người dân ở xóm núi đã nghe dân nghiệp dư hát nhiều, giờ đây họ chỉ mong được nghe một nghệ sĩ chuyên nghiệp hát trọn bài để họ thưởng thức đúng những lời hay ý đẹp tỏa ra từ núi đá...

Thanh Dũng

>> Đá xây thành nhà Hồ không phải đá núi An Tôn?
>> Đá núi Ba Hòn rơi gây nguy hiểm cho người dân
>> Ra quân chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ
>> Chiến dịch Hoa phượng đỏ
>> Hơn 20.000 học sinh tham gia Hoa phượng đỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.