Theo văn bản, việc san lấp giếng nước đình làng do giếng này không được miêu tả trong hồ sơ di tích như một số hạng mục, bộ phận công trình có giá trị đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc không thuộc diện phải bảo vệ nghiêm ngặt (thực tế là có miêu tả trong hồ sơ kiến trúc tôn giáo đình Dư Khánh - PV). Hơn nữa, sau khi có nước máy, đình làng không sử dụng nguồn nước giếng nên nước bị nhiễm bẩn do lá cây rơi xuống ứ đọng lâu ngày tạo thành mùi hôi thối. Vì vậy, Ban quản lý, Ban tư vấn đình làng thống nhất lấp miệng giếng là tích cực, tiến bộ, không sai. Về việc lấp sân chầu đình làng là do sân chầu cũ trong tình trạng xuống cấp, bị sạt lở. Mặt khác, công năng sử dụng không còn như ngày xưa nên việc duy trì kiểu kiến trúc sân chầu cũ vừa phải tu bổ tốn kém, vừa phải thường xuyên quét dọn xác lá cây và cỏ dại mọc um tùm từ dưới rãnh chữ U, vừa bị nước mưa ứ đọng trong rãnh không đảm bảo vệ sinh và mỹ quan trước mặt đình. Vì vậy, Ban quản lý, Ban tư vấn đình đã đề xuất và được Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL đồng ý.
|
Về việc bán hiện vật, báo cáo này nêu do Thanh tra Sở VH-TT-DL Ninh Thuận kiểm tra số lượng thực tế tại đình và đối chiếu với số liệu tài sản liệt kê trong hồ sơ khảo tả để kết luận là không thực tế. Vì trong hồ sơ khảo tả được viết dựa trên tài liệu cũ về đình làng Dư Khánh để lại, đã có một quá trình tài sản bị thất thoát do không có người quản lý từ sau 30.4.1075 đến năm 1989 và từ năm 1999 là thời điểm đình Dư Khánh được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia. Như vậy kết luận chính xác thì Ban quản lý đình chỉ chịu trách nhiệm về việc bán 2 bộ ván; 2 cặp chân đèn đồng loại nhỏ. Việc bán 2 bộ ván này đã được thống nhất trong Ban quản lý để lấy tiền sửa chữa lại mái che 2 dãy nhà đông - tây do bị hư hỏng nặng…
Sau văn bản trả lời của ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND H.Ninh Hải, dư luận đặt nhiều câu hỏi: Việc quản lý di tích của Ban quản lý di tích có làm theo đúng Luật di sản văn hóa không? Hay là khi muốn phá luôn cả đình làng để xây ngôi đình cho khang trang thì chỉ họp lấy ý kiến giữa Ban quản lý và Ban tư vấn là hợp lệ? Theo giải trình của UBND H.Ninh Hải thì việc lập hồ sơ trước đây để công nhận di tích quốc gia là khống?
Đình làng Dư Khánh được xây dựng vào năm 1819, trên diện tích đất 1.956 m2, gồm các hạng mục: cổng Tam quan, tòa Chánh điện, nhà thờ Tiền hiền, nhà bếp, nhà kho cùng hai dãy nhà Tây bang và Đông bang. Bên cánh hữu nhà Tây bang có một giếng nước hình vuông, rộng khoảng 1 m2, thành giếng được xây dựng bằng đá san hô. Trước tòa Chánh điện là sân chầu hình chữ U… Bên trong ngôi đình còn lưu giữ bốn bức sắc phong (do các vị vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định sắc phong), một dấu ấn bằng ngà voi, các án hương, hoành phi, bài vị, câu đối, chuông đồng… được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999. Tuy nhiên, sau khi người dân tố cáo, Thanh tra Sở VH-TT-DL Ninh Thuận vào cuộc và phát hiện một số hiện vật của di tích, gồm: 6 cặp câu đối bằng gỗ, 5 bức hoành phi, dấu ấn bằng ngà voi... bị thất lạc. Người dân còn phát hiện 14 tấm cửa gỗ, 2 bộ buồng pha 4 tấm và một bàn thờ bằng gỗ quý ở trong ngôi nhà thờ Tiền hiền cũng bị “biến mất”.
Thiện Nhân
>> San lấp, bán hiện vật di tích quốc gia
>> Vụ san lấp, bán hiện vật di tích quốc gia: Sẽ khôi phục theo đúng hiện trạng
>> Đề nghị công an vào cuộc vụ san lấp, bán hiện vật di tích quốc gia
Bình luận (0)