Giải mật nghi án 60 năm của CIA

25/08/2013 11:00 GMT+7

CIA vừa chính thức thừa nhận đứng sau vụ đảo chính ở Iran năm 1953, vốn gây ra nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến tận ngày nay.

Đầu năm nay, bộ phim Argo, kể về câu chuyện giải cứu ngoạn mục 6 con tin người Mỹ ở Tehran vào thời điểm xảy ra cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran hồi năm 1979, đã nhận đến 3 giải Oscar. Đây quả là một sự trùng hợp thú vị khi đến giữa tháng 8 này, các tài liệu do Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) giải mật đã thừa nhận Washington đứng sau cuộc chính biến lật đổ Thủ tướng Mohammad Mosaddegh ở Iran vào năm 1953. Đây là điều mà giới quan sát vẫn khẳng định từ đó đến nay, nhưng Washington chưa bao giờ chính thức thừa nhận.

Lật đổ chính phủ dân bầu

Cuộc chính biến này về sau trở thành nguyên cớ khiến những người Hồi giáo Iran “ghét cay ghét đắng” chính quyền Mỹ. Đó cũng là lý do khiến Tòa đại sứ Mỹ ở Tehran và những nhân viên ngoại giao xứ cờ hoa tại Iran trở thành mục tiêu của lực lượng tiến hành cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979. Bởi thế, hai sự kiện lịch sử trên liên quan mật thiết với nhau, đến nay vẫn luôn phủ bóng lên tình hình chính trị Trung Đông và thế giới.

 
 
 
Những hình ảnh trong cuộc đảo chính ở Iran vào năm 1953 - Ảnh: CNN

Ngày 19.8, một nhóm nghiên cứu của Đại học George Washington (Mỹ) công bố thêm thông tin trong các tài liệu do CIA vừa giải mật. Trước đó, số tài liệu này cũng đã thừa nhận về sự tồn tại của Khu vực 51, vốn gắn liền với nhiều đồn đoán về căn cứ lưu giữ và nghiên cứu người ngoài hành tinh, phát triển đĩa bay (vật thể bay không xác định - UFO)… ở bang Nevada. Sau khi sự thật về Khu vực 51 được phơi bày, nghi án CIA đứng sau chính biến Iran hồi năm 1953 cũng được công khai rõ ràng. CNN dẫn lời chuyên gia Malcom Byrne, người tiếp cận số tài liệu trên, tiết lộ: “Cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Mosaddegh cùng nội các của ông, được thực hiện dưới sự chỉ dẫn của CIA như một chính sách đối ngoại do cấp cao nhất của chính phủ (Mỹ - NV) chuẩn thuận”. Theo CNN, thông tin này tái khẳng định những gì Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập trong chuyến thăm Ai Cập hồi năm 2009 là: “Giữa giai đoạn Chiến tranh lạnh, Mỹ có đóng vai trò trong cuộc lật đổ một chính phủ Iran, được bầu chọn một cách dân chủ”.

Mọi sự từ dầu mỏ

Ngược dòng lịch sử, ông Mohammad Mosaddegh được bầu làm Thủ tướng Iran vào tháng 4.1951. Lúc bấy giờ, ông tiến hành các động thái nhằm tiến đến quốc hữu hóa các hoạt động của ngành công nghiệp dầu mỏ ở Iran. Điều này tác động sâu sắc đến công việc kinh doanh mà Công ty Anglo-Iranian Oil của Anh đang triển khai tại vùng Vịnh khi đó. Không những thế, việc quốc hữu hóa như vậy còn bị Washington xem như một dấu hiệu chuyển hướng ý thức hệ của Tehran. Đối với Mỹ, dấu hiệu đó chẳng khác gì là một chiến thắng dành cho Liên Xô giữa lúc Chiến tranh lạnh đang ngày càng căng thẳng. Điều này tác động mạnh mẽ đến cục diện giữa Liên Xô và Mỹ khi vùng Vịnh lúc bấy giờ đang khẳng định vai trò quan trọng cả về địa chính trị lẫn nguồn lợi kinh tế. Trong khi đó, vua Iran là Mohammad Reza Pahlavi, vốn có quan hệ thân thiết với phương Tây, đang ngày càng lép vế về ảnh hưởng chính trị so với Thủ tướng Mosaddegh.

Trước những diễn biến trên, CIA cùng Cơ quan Tình báo Anh SIS quyết định thực hiện kế hoạch mang tên TPAJAX để lật đổ Mosaddegh, đồng thời gia tăng hậu thuẫn cho vua Mohammad Reza Pahlavi. Tài liệu do CIA giải mật nêu rõ: Tại Iran, CIA và SIS, thông qua vận động tuyên truyền báo chí và các giáo sĩ đã lên kế hoạch hạ bệ Mosaddegh bằng bất cứ cách nào. Theo PressTV, Đài BBC đã tích cực tham gia cùng kế hoạch trên bằng cách khai thác sức mạnh tuyên truyền của Ban Tiếng Ba Tư.

Mặt khác, Washington và London còn củng cố ảnh hưởng đối với các lực lượng quân sự Iran có xu hướng ủng hộ vua Mohammad Reza Pahlavi. Bên cạnh đó, CIA còn chuẩn bị sẵn 5 triệu USD để tiếp viện cho Fazlollah Zahedi, người thay thế Mosaddegh trong vai trò lãnh đạo chính phủ hậu đảo chính. Tất cả sẵn sàng cho giờ G (ngày 19.8.1953) để quân đội hậu thuẫn các lực lượng ủng hộ vua Mohammad Reza Pahlavi lật đổ chính phủ Mosaddegh. Tài liệu của CIA nêu ra: “Quân đội từ sớm đã tham gia các hành động ủng hộ hoàng gia và đến buổi trưa (ngày 19.8.1953 - NV) thì đảm bảo rằng thủ đô Tehran cũng như những khu vực lân cận đều được kiểm soát bởi các đơn vị quân đội và lực lượng thân hoàng gia”. Kế hoạch đã diễn ra đúng như dự kiến, Thủ tướng Mosaddegh không chỉ bị lật đổ mà sau đó còn bị tuyên án tử hình.

Tuy nhiên, chiến thắng trên không đủ sức duy trì ảnh hưởng vĩnh viễn của Mỹ tại Iran. Ngược lại, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, vua Mohammad Reza Pahlavi bị cho là ngày càng trở nên độc tài, ra tay đàn áp cả giáo sĩ Hồi giáo lẫn những người ủng hộ dân chủ. Tình trạng này gây nên một sự bất mãn sâu sắc trong xã hội Iran. Trong khi đó, đến thập niên 1970, uy tín của giáo sĩ Ayatollah Khomeini ngày càng tăng cao và ông đã phát động một cuộc đấu tranh để lật đổ hoàng gia. Chính phủ đương nhiệm bị chỉ trích mạnh mẽ do thân phương Tây và nguồn lợi từ tài nguyên quốc gia chạy vào Mỹ, Anh.

Đây là nguyên cớ dẫn đến cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979. Sau cuộc cách mạng này, Iran trở thành Cộng hòa Hồi giáo và luôn chứa đựng bất đồng sâu sắc với phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ, vì những “thù xưa oán cũ”. Chính vì thế, suốt nhiều năm qua, Tehran luôn nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Washington tại Trung Đông. Iran đích thị là một “cái gai” đối với Mỹ cùng các đồng minh Ả Rập Xê Út hay Israel.

Đại gia dầu mỏ BP

Anglo-Iranian Oil là tên gọi của Tập đoàn dầu khí Anh BP trong giai đoạn từ năm 1935 - 1954. Ra đời vào năm 1909 với tên gọi là Anglo-Persian Oil, công ty này được thành lập để khai thác các mỏ dầu khổng lồ ở vùng Vịnh. Đến năm 1935, nó đổi tên thành Anglo-Iranian Oil và đến năm 1954 thì mang tên British Petroleum (BP). Suốt hơn một thế kỷ qua, BP trải qua nhiều thăng trầm với bao cuộc mua bán, sáp nhập nhưng vẫn duy trì vị thế là một trong các đại gia hàng đầu thế giới. Trong đó, nguồn lợi khổng lồ mà BP có được tại Iran từ thập niên 1950 -1970 được cho là góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tập đoàn này.

Ngô Minh Trí

>> CIA thừa nhận đứng sau đảo chính ở Iran năm 1953
>> CIA thừa nhận chủ mưu đảo chính ở Iran năm 1953
>> Philippines phạt tù hai sĩ quan âm mưu đảo chính
>> Tổng thống Honduras cảnh báo nguy cơ đảo chính
>> Sudan phá một âm mưu đảo chính
>> Thí điểm đánh giá lãnh đạo chính quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.