Sáng kiến bạc tỉ - Kỳ 2: 60 ngày đêm căng thẳng

26/08/2013 03:05 GMT+7

Không chấp nhận phụ thuộc đối tác nước ngoài khi có sự cố, anh Nguyễn Thiện Dũng đã có nhiều cải tiến làm chủ máy móc, tiết kiệm hàng tỉ đồng.

Không chấp nhận phụ thuộc đối tác nước ngoài khi có sự cố, anh Nguyễn Thiện Dũng đã có nhiều cải tiến làm chủ máy móc, tiết kiệm hàng tỉ đồng. 

4 công trình nghiên cứu khoa học, 5 sáng kiến cải tiến có giá trị ứng dụng cao là sự khẳng định thành công về mặt nghề nghiệp của anh Nguyễn Thiện Dũng (35 tuổi), Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Hữu Liên Á Châu, TP.HCM.  

Bước ngoặt làm chủ máy móc

Qua thử nghiệm nhiều lần thất bại, cuối cùng cải tiến đầu tay của anh Nguyễn Thiện Dũng đã thành công sau 60 ngày đêm, mở ra bước ngoặt làm chủ máy móc, công nghệ mà không phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài hay công ty đối tác; đồng thời tiết kiệm hơn 1,1 tỉ đồng.

Sáng kiến bạc tỉ - Kỳ 2: 60 ngày đêm căng thẳng
Anh Dũng kiểm tra công nghệ hàn mà anh đã có công trình nghiên cứu, cải tiến - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Dũng cho biết, khoảng đầu tháng 9.2007, tình hình sản xuất ở công ty trở nên khó khăn do 4 dây chuyền bị hư tủ cao áp máy hàn mà không có linh kiện thay thế. Công ty dự kiến mua công nghệ hàn mới, giá 120 triệu đồng/máy, đồng thời phải ngưng sản xuất trong 3 tháng. “Trong tình hình này, tôi tự nhủ rằng mình phải làm một cái gì đó vì nếu tiếp tục mua mới máy móc thì lại phụ thuộc vào nhà cung cấp, phải chờ đợi chuyên gia nước ngoài, chi phí cao, phụ thuộc nhiều”, anh Dũng chia sẻ.

 

Tôi xem xét lại những thất bại đã qua, tiếp tục nghiên cứu. Sau 10 ngày, công trình cải tiến được đưa vào dây chuyền sản xuất và lần này thì sản phẩm cho ra đáp ứng xuất sắc nhu cầu của công ty. Giây phút đó tôi muốn khóc luôn

Nguyễn Thiện Dũng,
Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Hữu Liên Á Châu, TP.HCM

Vậy là 60 ngày đêm căng thẳng (12.10 - 12.12.2007) bắt đầu. Đây là lần đầu anh Dũng nghiên cứu về công nghệ hàn nhưng lại gánh thêm áp lực về thời gian. Anh đã mạnh dạn dùng linh kiện thông dụng trên thị trường trong nước để thiết kế thành mạch điện tăng áp. “Đã có những đêm tôi thức trắng nghiên cứu, tìm hiểu. Sau 1 tháng tôi chế tạo và lắp thêm board mạch cao áp vào tủ hàn. Tuy nhiên, khi vận hành nghiệm thu thì công trình không đạt, do tia lửa đưa ra quá yếu. Trong giây phút đó, tôi cảm thấy rất buồn và lo lắng”, anh Dũng nhớ lại.

Không bỏ cuộc, anh tiếp tục cải tiến, chỉnh sửa và đưa vào thử nghiệm lần thứ hai. Lần này, máy có thể hoạt động nhưng sản phẩm chưa đạt yêu cầu kỹ thuật. “Tôi xem xét lại những thất bại đã qua, tiếp tục nghiên cứu. Sau 10 ngày, công trình cải tiến được đưa vào dây chuyền sản xuất và lần này thì sản phẩm cho ra đáp ứng xuất sắc nhu cầu của công ty. Giây phút đó tôi muốn khóc luôn”, anh Dũng nói. Cải tiến thành công đã giúp công ty tiết kiệm hơn 1,1 tỉ đồng tiền thay thế công nghệ, chi phí sửa chữa máy móc.

Năm 2009, anh tiếp tục nghiên cứu chế tạo mạch công suất cao tần kênh P trên công nghệ hàn cao tần của nước ngoài để khắc phục hạn chế phụ thuộc vào đối tác. Anh đề xuất ý tưởng và được Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới (Sở KH-CN TP.HCM) tài trợ kinh phí nghiên cứu.

Trong thời hạn 60 ngày anh phải hoàn thành công việc và có báo cụ thể với trung tâm. “Thông số kỹ thuật thì không có vì các linh kiện trên board mạch gốc bị nhà cung cấp xóa mã số, điều này gây trở ngại lớn cho việc nghiên cứu nguyên lý hoạt động của board mạch”, anh Dũng cho biết. Nhưng càng khó khăn càng kích thích sự đam mê tìm tòi, sáng tạo trong Dũng. Anh lao vào nghiên cứu các thông số kỹ thuật, nguyên lý của board, tìm nguồn linh kiện có sẵn trong nước để lắp ráp, thiết kế mạch công suất… Nỗ lực được đền đáp, công trình của anh thành công, đưa vào sử dụng tiết kiệm được hơn 1,4 tỉ đồng chi phí đầu tư và sửa chữa thiết bị. 

 

Sau khi tốt nghiệp ngành điện - điện tử Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, anh Nguyễn Thiện Dũng tiếp tục tốt nghiệp cùng chuyên ngành Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Khởi nghiệp ở vị trí công nhân tổ điện Công ty CP Hữu Liên Á Châu, sau quá trình phấn đấu không mệt mỏi với những cải tiến hiệu quả, anh được đề cử làm Trưởng phòng Kỹ thuật nghiên cứu và phát triển của công ty. 

Những thành công nối tiếp

Từ năm 2007 đến nay, anh Dũng luôn có những sáng kiến cải tiến giá trị. Các sáng kiến của anh đã hạn chế rất nhiều sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, tận dụng tối đa linh kiện trong nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Cuối năm 2010, anh tiếp tục thành công trong nghiên cứu thiết kế chế tạo mạch công suất cao tần kênh N trên công nghệ hàn cao tần của Đài Loan, nâng cao tuổi thọ thiết bị. Anh dùng phần mềm để thiết kế board mạch cho phù hợp với điều kiện sản xuất của công ty, cải tiến thêm chức năng dò nhiệt. Những cải tiến này sử dụng thiết bị trong nước, nâng cao tuổi thọ cho thiết bị và giá trị làm lợi hơn 2,1 tỉ đồng.

Nối tiếp là thành công khi anh thiết kế chế tạo mạch nghịch lưu dương cực (P) sử dụng trong công nghệ hàn cao tần nước ngoài, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tuổi thọ công nghệ, làm lợi hơn 1,2 tỉ đồng. Chế tạo mạch nghịch lưu âm cực sử dụng trong công nghệ hàn cao tần của nước ngoài, nâng cao chế độ bảo vệ khi quá tải do điện lưới gây ra, làm lợi hơn 1,6 tỉ đồng.

Nhiều năm liền anh Dũng được công ty tặng giấy khen, Liên đoàn Lao động TP.HCM tặng bằng khen “Người thợ TP.HCM” năm 2011 và “Lao động giỏi” năm 2012; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen “Lao động sáng tạo” năm 2010 và giải thưởng Nguyễn Hữu Cảnh năm 2013. Không những được đánh giá cao về chuyên môn, liên tiếp thành công khi đưa ra sáng kiến, anh Dũng còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho anh em nhân viên. Cụ thể, anh đã tham gia huấn luyện về kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý sự cố trong nhà máy... cho 19 nhân viên, đào tạo 4 công nhân được đề bạt lên làm quản lý.

Thanh Thùy

>> Sáng kiến bạc tỉ
>> Sáng kiến xanh
>> Sáng kiến tìm việc
>> 7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu
>> Sáng kiến tiền tỉ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.