(TNO) Những ngày qua, dư luận sôi sục với vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đăng tải ‘tâm thư’ trên trang blog cá nhân phản pháo lại những ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về những nhận xét thẳng thắn mang tính chất ‘điểm huyệt’ một số điểm mạnh cũng như hạn chế của vài ca sĩ nổi tiếng hiện nay.
Để rộng đường dư luận, Thanh Niên Online mở diễn đàn với chủ đề ‘Nhạc Việt trong mắt tôi’, đăng tải ý kiến một số nhạc sĩ, ca sĩ, chuyên gia, khán giả… trong lĩnh vực âm nhạc, văn hóa liên quan đến chủ đề này.
Qua đó, diễn đàn muốn ghi nhận những góc nhìn, những chia sẻ đa chiều nhằm chuyển tải đến bạn đọc một cái nhìn trọn vẹn và bao quát về làng âm nhạc giải trí hiện nay của Việt Nam: từ điểm mạnh đến điểm yếu và xu hướng giải trí, nghe nhìn những năm gần đây.
Mở đầu Thanh Niên Online giới thiệu chia sẻ của nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn, người vẫn được nhiều khán thính giả yêu nhạc ở Việt Nam cũng như hải ngoại yêu thích với những ca khúc nổi tiếng như: Con đường màu xanh, Nhớ, Dĩ vãng, Về đây em, Quên đi tình yêu cũ, Nuối tiếc…
Thị trường âm nhạc Việt - Thiếu chuyên nghiệp, dễ bất đồng! (*)
Trên trang cá nhân của mình, nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn đã có những dòng chia sẻ. Được sự đồng ý của nhạc sĩ, Thanh Niên Online xin giới thiệu đến bạn đọc những suy nghĩ của ông về câu chuyện vừa qua từ góc độ làm nghệ thuật chuyên nghiệp.
|
Đọc xong bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, và một số bài viết khác liên quan, tôi thấy câu chuyện xảy ra thật là đáng tiếc!
|
Trong "tâm thư" của Đàm Vĩnh Hưng, có nhắc đến một status của đại tá, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phó tổng biên tập Báo Công an nhân dân viết trên trang facebook của anh. Đại ý rằng: "Càng là nghệ sĩ thì càng phải thận trọng khi nhận xét về nghệ thuật của đồng nghiệp dù họ có thể lớn tuổi hay ít tuổi hơn mình! Thực tế từng cho thấy, có những nghệ sĩ sáng tạo rất đỉnh nhưng lại kém thuyết phục khi định đóng vai nhà phê bình…!". Lời này không sai! Vì người giỏi ở một lĩnh vực sáng tạo không hẳn đã là người thầy giỏi về phê bình khi va chạm với xã hội vì nó đòi hỏi sự can đảm, tế nhị và thành thật.
Nhưng sử dụng câu này vào thời điểm nào thì cũng còn tùy vào cách suy nghĩ của người sử dụng. Sao “quả tạ” thường rơi là do chỗ khi mà người kém bản lĩnh, kém khả năng giữ bình tĩnh để cảm tính lấn át lý trí hoặc thiếu sự “huấn luyện chuyên nghiệp” để nhìn ra đâu là những cái khác nhau giữa phê bình có tính cách xây dựng và phê bình có tính cách chê bai, đả phá trong lĩnh vực “sử dụng và xử lý” các tác phẩm sáng tác.
Vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng bất đồng ý kiến, đưa đến bất mãn, không hài lòng về nhau.
Ý tôi muốn nói là chuyện rất vắng bóng cái yếu tố “tôn trọng” ý của tác giả sáng tác hay ý của người nắm giữ bản quyền.
Từ chuyện bảo vệ ‘ý nhạc’, tác quyền…
Ở Mỹ (tôi không biết rõ các quốc gia khác ra sao) tương đối quy củ hơn trong lãnh vực này. Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, khi sử dụng nhạc Mỹ, như bài Wonderful Tonight sáng tác của Eric Clapton, ngoài việc liên lạc với Harry Fox Agency để sử dụng nhạc phẩm mình chọn, tôi còn phải viết thư đến tác giả sáng tác để xin phép.
|
Theo yêu cầu của đại diện bên tác quyền, mình phải gửi cho họ nghe mẫu nhạc tape có phần hòa âm, ca sĩ hát, cách hát và lời dịch tiếng Việt. Nếu thấy được họ mới đồng ý cho mình sử dụng. Như vậy, khi sản phẩm trình làng, nếu bị công chúng phê bình thì ngoài người nghệ sĩ trình diễn phải mặc nhiên chấp nhận còn có cả người cho phép, cũng phải ráng chịu vì đã đồng ý cho người nghệ sĩ trình diễn thay đổi “ý nhạc” của mình.
Quay trở lại với chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Khi nhận định về điểm mạnh hoặc điểm yếu của những nghệ sĩ mà ông đã nghe và thấy, như đã viết trên báo, thì không có nghĩa là ông đã xác định người nghệ sĩ đó thất bại về mặt biểu diễn hay về kinh tế, hay là về kỹ thuật.
Ông cũng đã nhắc qua là các nghệ sĩ đều có kỹ thuật (hàn lâm) cao nhưng thiếu “cái hồn”. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhấn mạnh đến sự cảm nhận “cái hồn” trong bản nhạc ông sáng tác mà ông muốn nghe từ các ca sĩ trình bày nhạc của ông.
Chỗ này, liên hệ lại ví dụ về trường hợp xin phép sử dụng nhạc ở Mỹ vừa nói trên, nếu ông nói ngay từ lúc đầu khi các nghệ sĩ xin phép ông thu băng thì có lẽ tránh được sự việc mất mát tình cảm đáng tiếc cho cả hai bên.
Nhưng ai cũng biết nghệ sĩ Việt Nam ta coi trọng chuyện tình cảm, nhạy cảm với sự tự ái nghề nghiệp, và đôi khi cả nể nhau nên khó mà mở miệng yêu cầu nghệ sĩ trình diễn trình bày trước cho tác giả nghe để quyết định. Tôi nói “thiếu chuyên nghiệp” là vì thế!
… Đến chuyện thích hay không, hợp hay không
Quan điểm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chỉ là một quan điểm cá nhân trên phương diện phê bình. Đã là phương diện phê bình của cá nhân thì nghệ sĩ - người của công chúng - phải chấp nhận thôi!
Ngược lại, các nghệ sĩ bị phê bình đều nên (nếu có thể) mổ xẻ yếu tố phê bình đó với người phê bình để tự cải thiện mình và cho cả đối tác, hơn là tranh luận theo lối tiêu cực để rồi đi đến quyết định phá bỏ đáng tiếc trong tương lai những sự hợp tác có thể mang đến lợi ích cho cả hai phía.
|
Với quan điểm “thích, hay không thích”, nghệ thuật nào cũng thế, cần có tiên phong và cần có phá cách. Tuy nhiên, cách nhìn về nghệ thuật và sự tiên phong phá cách tạo hướng đi mới có đi đôi với sự thành công tột đỉnh về mặt kinh tế hay không còn tùy thuộc vào bối cảnh thời đại, tính thời điểm và khả năng sáng tạo của chính người nghệ sĩ. Cấp độ "phá cách” (nói nôm na) trong nghệ thuật dẫn đến thất bại hay thành công cũng còn tùy thuộc vào thị hiếu, sở thích "văn hóa miền" và khả năng cảm nhận “cái hồn bản nhạc” của người thưởng ngoạn đối với người nghệ sĩ mà họ thích.
|
Lấy ví dụ bài I Will Always Love You. Là một nhạc phẩm nổi tiếng do nữ ca, nhạc sĩ Dolly Parton sáng tác theo lối “đồng quê” (Country Music) vào năm 1973, ra mắt năm 1974, nhưng khi được phá cách bởi Whitney Houston theo lối Soul Music vào năm 1992 thì cũng trở thành Hit trong văn hóa nhạc Pop (Pop Culture).
Ở đây, đơn cử này cho thấy một điều, chỉ một bản nhạc nhưng có người thích nghe theo lối đồng quê, có người thích nghe theo lối pop.
Nói chung, có cầu tất có cung! Nếu nghệ thuật không đủ nhu cầu hoặc thiếu quảng bá chuyên nghiệp tất phải đi vào dĩ vãng.
Nền giáo dục trong âm nhạc
Có một điểm tôi rất đồng ý với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về con đường âm nhạc, nói chung. Đó là ảnh hưởng của nền giáo dục.
Nếu người lớn chỉ lo đến chuyện kiếm tiền mà không chú trọng đến bồi bổ, duy trì và phát triển văn hóa, sắc thái dân tộc thì văn hóa và khả năng giữ gìn sắc thái riêng của dân tộc sẽ dần phai nhạt, thay vào là sự lệ thuộc, bị “đô hộ hóa” bởi văn hóa của quốc gia khác do chính mình tự chọn.
Lấy ví dụ như ảnh hưởng sâu đậm trong giới trẻ Việt Nam về văn hóa âm nhạc và phim ảnh của Nam Hàn (tức Hàn Quốc, nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn gọi theo cách gọi cũ - Thanh Niên Online). Giới trẻ Việt Nam hiện nay dùng văn hóa âm nhạc phim ảnh pop của Nam Hàn làm tiêu chuẩn cho hoạt động nghệ thuật của mình. Nếu trách họ là thiếu ý thức hay là sáng tác nhạc và lời gì đâu mà không nghe lọt tai thì yếu tố giáo dục sẽ phải lãnh trách nhiệm phần lớn!
Giới trẻ thiếu “idols” (tạm dịch: thần tượng - Thanh Niên Online) chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc và phim ảnh của chính nước mình - Việt Nam - để họ có thể hãnh diện so sánh với idols của các nước bạn.
Không phải Việt Nam thiếu nhân tài trong nghệ thuật. Cái mà Việt Nam yếu kém ở đây rõ ràng là thiếu một sự giáo dục nghiêm chỉnh và một “công nghệ chuyên nghiệp" trong lĩnh vực âm nhạc.
Trịnh Nam Sơn
(*) Tựa bài và tít phụ do Thanh Niên Online đặt
>> Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: 'Thấy buồn và quá mệt mỏi
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 1: Ghét nhạc Việt, chuộng nhạc Anh, nhạc Hàn
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 2: "Các bé chê nhạc Việt sến
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 3: Đừng bắt trẻ con làm trò cho người lớn!
>> Bắt tay chấn hưng ca nhạc Việt
>> Đàm Vĩnh Hưng: "Ai xứng là ông hoàng nhạc Việt hơn tôi?
>> Nâng tầm nhạc Việt
Bình luận (0)