Các dấu hiệu từ phương Tây cho thấy khả năng can thiệp bằng quân sự vào Syria là rất lớn, thậm chí có thể xảy ra ngay hôm nay 29.8.
Các phương án đã được vạch ra, danh sách mục tiêu đã được khoanh vùng và lực lượng của các bên cũng đã vào vị trí. Hiện có 3 lực lượng lớn nhất nhiều khả năng tham chiến nếu các thế lực bên ngoài quyết định dùng vũ lực với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, gồm Mỹ và Anh, Pháp.
Giương oai rầm rộ
Tờ The Washington Post và Đài NBC News hôm qua dẫn lời giới chức cấp cao của Mỹ tiết lộ lực lượng nước này đã sẵn sàng tấn công Syria ngay sau khi nhận lệnh và chiến dịch có thể bắt đầu ngay trong hôm nay 29.8. Đến nay, đã có 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa là USS Barry, USS Mahan, USS Ramage và USS Gravely được triển khai đến Địa Trung Hải, sát Syria. Hôm qua, tiếp tục có thêm tàu khu trục USS Stout đi qua eo biển Gibraltar và tiến vào vùng biển trên. Bên cạnh đó, Mỹ còn có thêm 2 tàu sân bay trong khu vực, gồm USS Harry S.Truman ở Hồng Hải và USS Nimitz ở biển Bắc Ả Rập. Nếu cần bổ sung hỏa lực, Washington có thể dễ dàng triển khai chiến đấu cơ từ những căn cứ chung với đồng minh ở châu u và vùng Vịnh.
|
Anh cũng đang tích cực triển khai lực lượng tại Địa Trung Hải, trong đó có tàu ngầm hạt nhân HMS Tireless. Hải quân hoàng gia nước này cũng đang duy trì nhóm lực lượng tác chiến với tàu sân bay trực thăng HMS Illustrious cùng các tàu hộ tống HMS Montrose và HMS Westminster tại khu vực. Trong trường hợp khẩn cấp, các chiến đấu cơ của Anh tại căn cứ không quân Akrotiri (đảo Síp) sẵn sàng xuất kích. Về phần mình, Pháp điều động tàu sân bay Charles de Gaulle đến Toulon, phía tây Địa Trung Hải. Các chiến đấu cơ Rafale và Mirage thì được đặt vào tình trạng sẵn sàng tác chiến từ căn cứ không quân Al-Dhahra tại UAE.
Tấn công trong 3 ngày
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng nếu quyết định nhúng tay vào Syria, phương Tây và đồng minh sẽ không lập vùng cấm bay như đã làm tại Libya cách đây 2 năm. Lý do là khác với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Tổng thống al-Assad sở hữu lực lượng phòng không khá mạnh với hỏa lực lớn gấp nhiều lần. Do đó, kịch bản khả dĩ nhất là phóng tên lửa hành trình tiêu diệt các mục tiêu định trước như các tòa nhà chính phủ, căn cứ quân sự, kho vũ khí… Thông tin tình báo sẽ được thu thập bằng máy bay không người lái và NBC News dẫn các nguồn tin từ Washington tiết lộ quân nổi dậy Syria đã cung cấp cho phương Tây bản đồ các mục tiêu tiềm năng. Chưa tính tới lực lượng của Anh và Pháp, 4 tàu khu trục của Mỹ đã mang tổng cộng gần 400 tên lửa hành trình Tomahawk có độ chính xác cao với sai số không quá vài mét.
AFP dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Mỹ không tính đến việc lật đổ Tổng thống al-Assad mà các lựa chọn đang được xem xét chỉ nhằm “phản ứng hành động sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân, vốn vi phạm luật pháp quốc tế”. Từ đó, theo các chuyên gia, phương Tây và đồng minh trước tiên sẽ tiến hành một chiến dịch có quy mô hạn chế và thời gian ngắn nhằm “dằn mặt” chính quyền Damascus không sử dụng vũ khí hóa học. Các quan chức cấp cao của Washington cho biết hành động sẽ kéo dài hơn 24 giờ nhưng tối đa cũng chỉ trong vòng 3 ngày. Sau đó, các chiến lược gia sẽ đánh giá kết quả và đưa ra quyết định tiếp theo.
Hệ quả khôn lường Mấy ngày qua, Nga và Iran liên tục cảnh báo mạnh mẽ rằng mọi hành động qua mặt LHQ và tấn công Syria sẽ mang lại “hậu quả thảm khốc” và xung đột sẽ lan ra cả khu vực, theo AFP. Chính quyền Damascus cũng từng tỏ ý đe dọa rằng nếu bị tấn công, lực lượng nước này sẽ phối hợp Hezbollah ở Li Băng đánh Israel để trả đũa. Đài DW dẫn lời chuyên gia Paul Rogers thuộc Viện Nghiên cứu Oxford Research Group ở Anh cho rằng rất khó để dự đoán hậu quả cùng những diễn biến tiếp theo, không chỉ đối với Syria mà cả Trung Đông. Theo ông, cái nhìn của thế giới Hồi giáo với phương Tây sẽ tiếp tục xấu đi. Phản ứng của Iran cũng sẽ rất khó lường khi đồng minh bị tấn công và có thể ảnh hưởng đến nỗ lực đối thoại về chương trình hạt nhân. Chưa hết, sau khi “nhịn” một lần trong vấn đề Libya, lần này rất khó để Nga ngồi yên, ông Rogers nhận định. Mặt khác, nhóm thanh sát viên của LHQ vẫn chưa đưa ra kết luận điều tra về cáo buộc quân đội Syria dùng vũ khí hóa học tấn công phe nổi dậy làm hàng trăm người thiệt mạng hồi tuần rồi, vốn là cớ để phương Tây rục rịch can thiệp. Có ý kiến tỏ ra nghi ngờ khi cáo buộc trên xuất hiện trong bối cảnh quân chính phủ đang giành ưu thế trước quân nổi dậy. Ngày 28.8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Titov và đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Ả Rập về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi đều khẳng định các bên cần chờ kết luận cuối cùng cũng như sự chuẩn thuận của LHQ mới có thể đưa ra bất cứ hành động nào. Cũng trong ngày 28.8, 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bắt đầu nhóm họp sau khi nhận được dự thảo nghị quyết về Syria do Anh đệ trình. Một số nước như Ý và Ba Lan hôm qua tỏ ra ngần ngại, không mấy mặn mà ủng hộ hành động quân sự nhằm vào Syria. Bản thân giới chức Mỹ cũng khẳng định nước này sẽ tham vấn kỹ lưỡng với các đồng minh và sẽ không đơn phương hành động, theo AFP hôm qua. |
Thụy Miên
>> Iran, Triều Tiên điều hành 'phòng chiến dịch' ở Syria?
>> Anh trình nghị quyết 'bảo vệ dân thường' Syria lên Liên Hiệp Quốc
>> Triều Tiên bị tố chuyển vũ khí cho Syria
>> ‘Luật quốc tế’ nào cho phép phương Tây, Mỹ can thiệp quân sự Syria?
>> Phương Tây siết chặt vòng vây Syria
Bình luận (0)