Phim dã sử được xếp vào hàng “khó nhai” đối với các nhà làm phim Việt bởi nhiều yếu tố.
Thiếu và yếu
Nhìn lại phim dã sử - cổ trang Việt, số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó chủ yếu là phim truyền hình dài tập như Về đất Thăng Long (40 tập), Lục Vân Tiên (16 tập), Đinh Tiên Hoàng đế (20 tập), Phạm Công - Cúc Hoa (11 tập), Huyền sử thiên đô (42 tập), Thái sư Trần Thủ Độ (33 tập)… Phim truyện nhựa dã sử hiếm hoi đáng chú ý gần đây chỉ có Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long.
Tạo hình, phục trang nhân vật, thậm chí kể cả cách đánh đấm, xử lý tình huống vẫn thấy… rất đỗi thân quen như bắt gặp đâu đó ở một số phim dã sử - cổ trang của xứ bạn. Việc sử dụng kỹ xảo trong phim dã sử Việt dù đã được tận dụng tối đa nhưng theo đạo diễn Đào Duy Phúc, để đạt được mức độ thật nuột nà vẫn còn là một trở ngại. Anh cũng cho rằng việc các nhà sản xuất e dè không dám đầu tư tiếp vào mảng phim này là bởi doanh thu của phim dã sử không được như mong muốn.
|
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho rằng: “Thiên mệnh anh hùng là một phim hay nhưng sử dụng ngôn ngữ của phim dã sử Trung Quốc hơi nhiều. Các nhà làm phim còn bị lệ thuộc quá nhiều. Chúng ta chưa quen làm phim dã sử hoặc do làm quá ít nên không có kinh nghiệm. Người ta làm phim dã sử nhưng vẫn tuyên truyền hiện thực nhiều hơn và không tính được tới sức mạnh của dòng phim này”.
Thực tế cho thấy các nhà làm phim nước ta đã, đang và vẫn tiếp tục phải đương đầu với vô số khó khăn, thiếu nhiều yếu tố như phim trường, bối cảnh cổ trang, công nghệ, trang phục… chưa có đầy đủ tư liệu về chi tiết sử, trang phục, kiến trúc các triều đại.
Nhà biên kịch - đạo diễn Việt kiều Quan Lelan (từng đoạt giải tại các liên hoan phim ở Mỹ với 2 kịch bản phim dã sử Việt: Lời nguyền của Quý Phi, Ái Cơ công chúa) nhận xét chính điều này đã dấy lên sự tranh cãi về tính chân thực của từng yếu tố lịch sử là bất tận, có hay không có, đúng hay sai. Chuyên gia lịch sử phân tích những cái sai, trong khi nhà làm phim chờ chuyên gia lịch sử thống nhất những cái đúng mới làm. Hiện trạng này có khi dẫn đến sự thụ động hoặc cách viết và làm phim sử kiểu an toàn, minh họa, khô khan. Ngoài ra, những thiếu thốn về cơ sở hạ tầng cũng là trở ngại lớn trong việc sản xuất phim dã sử.
Theo đạo diễn Đào Duy Phúc, hạn chế lớn của các nhà làm phim dã sử Việt là không có trường quay, thiếu cơ sở hạ tầng làm phim dã sử và những tranh cãi đúng - sai về chi tiết lịch sử khiến các nhà sản xuất ngần ngừ trong việc rót kinh phí.
3 yếu tố sống còn
Là người đã khiến Hollywood chú ý đến đề tài phim dã sử Việt, đạo diễn Quan Lelan chia sẻ, so với kịch bản phim hiện đại, chắc chắn kịch bản dã sử khó viết hơn vì đòi hỏi nhiều nghiên cứu và sự sáng tạo giữa lịch sử và hư cấu. Theo anh, 3 yếu tố sống còn để tạo nên phim dã sử hay là: kịch bản phải hay (yếu tố quan trọng nhất) và có khả năng thu hút khán giả; đạo diễn phải giỏi; có những nhân vật độc đáo và cần những diễn viên tài năng làm cho họ sống dậy trên màn hình và cuốn hút khán giả thay vì chỉ minh họa lịch sử.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng phàn nàn phim dã sử Việt hiện quá đơn giản hoặc lai tạp. Ông cho rằng, để phim dã sử Việt “thuần Việt” chỉ có cách: “Không được cải lương. Không được lai Tàu”.
Đạo diễn Đào Bá Sơn lại khẳng định, các nhà làm phim Việt không cần mặc cảm tự ti, không cần băn khoăn về khả năng (kịch bản, kỹ thuật làm phim) và nhà nước nên rót kinh phí nhiều hơn để làm phim dã sử thường xuyên, không cần nhân dịp các đại lễ. Theo ông, những phim dã sử Việt được làm thời gian qua khá tốt là Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng… “Phim dã sử Việt hiện quá ít trong khi lịch sử Việt có hàng ngàn năm. Trách nhiệm của người làm phim Việt là cần đi sâu khai thác những giá trị Việt đích thực” - ông nói.
Ý kiến Biên kịch Đoàn Tuấn (ảnh): “Chỉ có cách làm thật nhiều. Kịch bản phải có chất liệu văn học tốt. Phải có chiến lược, phải có đầu ra cho phim dã sử. Nhà nước phải tham gia kết hợp cùng tư nhân”. Đạo diễn Đào Duy Phúc: “Cần tận dụng các câu chuyện trong lịch sử Việt, đó là một kho sáng tác lớn. Đồng thời phải có hình thức nào đó trong xã hội và nhà nước để các nhà làm phim tiếp tục được làm phim dã sử”. |
Ngọc Bi
>> Nhiều "bom tấn" đổ bộ rạp phim Việt mùa hè
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?
>> Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ 1
>> Phim Việt thiếu vai diễn để đời
Bình luận (0)