Chấn thương trong thể thao

03/09/2013 03:00 GMT+7

Chấn thương trong khi chơi thể thao là tình huống rất thường gặp. Những môn thể thao thu hút đông người chơi như: bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, bơi lội, tỷ lệ chấn thương rất cao.

Chấn thương trong khi chơi thể thao là tình huống rất thường gặp. Những môn thể thao thu hút đông người chơi như: bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, bơi lội, tỷ lệ chấn thương rất cao.

Theo bác sĩ Ngô Thành Ý (Hội Y học thể thao TP.HCM), các chấn thương có thể xảy ra ở nhiều bộ phận, nhưng gặp nhiều nhất là ở tay (bàn tay, cánh tay, cổ tay), và chân (khớp gối, cẳng chân, bàn chân, khớp háng, đùi). Chấn thương đứt dây chằng khớp gối, rách cơ, viêm cơ, trật mắt cá thường gặp trong bóng đá. Trật khớp vai hay gặp ở môn võ judo, bóng rổ, bóng chuyền. Viêm gân thường gặp khi chơi cầu lông.

Tình huống xảy ra chấn thương chủ yếu khi người chơi thể thao xoạc chân, và nghe tiếng cúp gây rách cơ, đau cơ, không vận động được, sưng nề, bầm tím ở vùng cơ bị rách. Nhiều trường hợp do va chạm, bị té, bị kê chân có thể nghe tiếng kêu rắc trong khớp. Ngay thời điểm đó thấy đau, sưng và việc đi lại khó khăn. Nhiều người bị trật khớp vai sẽ dễ dẫn đến trật nhiều lần, gây đau nhức.

Theo bác sĩ Thành Ý, khi bị chấn thương cần phải nghỉ thi đấu ngay lúc đó; và chườm nước đá vào vết thương chứ không nên bôi các loại dầu nóng, hay rượu. Khi chườm nước đá sẽ giảm đau, mạch máu co lại giúp cầm máu. Còn bôi các loại dầu nóng thì mạch máu giãn ra, gây phù nề, khiến máu chảy nhiều hơn.

Sau khi xử trí bước đầu, cần đến bệnh viện để khám, kiểm tra chấn thương. Rách cơ thì khâu nối lại, đứt dây chằng có thể khâu nối, trường hợp nhẹ có thể chỉ dùng thuốc.

Chấn thương trong thể thao
Xử trí một tình huống chấn thương đầu gối trong bóng đá - Ảnh: Bạch Dương

Hạn chế chấn thương

Để hạn chế chấn thương xảy ra trong khi chơi thể thao, bác sĩ Thành Ý lưu ý, cần nắm rõ kỹ thuật từng môn, phải khởi động kỹ trước khi bắt đầu chơi thể thao, khởi động giúp cho cơ dẻo dai. Ngoài ra, không nên tập các động tác đột ngột, động tác quá khó với bản thân, và không cố gắng tập khi thấy đau.

Trang thiết bị hỗ trợ chơi thể thao như giày, quần áo, vợt... và cả mặt sân phải đảm bảo. Mặt sân kém dễ gây chấn thương cổ chân, bàn chân. Vợt không tốt gây chấn thương bàn tay, khuỷu tay.

Ngoài ra, nên chọn thời điểm chơi hợp lý với nhịp sinh học cơ thể. Không nên chơi vào các buổi trưa vì đây là thời điểm cơ thể cần nghỉ ngơi; hơn nữa, thời tiết lúc này nắng nóng. Tốt nhất nên chơi thể thao buổi sáng. Không chơi những môn quá sức.

Đối với những chấn thương nhẹ, cần giảm thời gian và sức tập khi bắt đầu hồi phục. Với những chấn thương nặng, cần phải phẫu thuật thì thời gian hồi phục lâu hơn, người bị chấn thương cần phải dừng chơi thể thao trong thời gian dài.

Hà Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.