|
Tiếp cận tiếng Việt rất thoải mái
Theo các giáo viên giảng dạy công nghệ giáo dục (CNGD), điểm nổi bật nhất của chương trình này là học sinh (HS) nắm chắc quy luật chính tả, đặc biệt không quên sau khi nghỉ học thời gian dài.
Đây là năm đầu tiên Trường tiểu học Âu Cơ, TP Rạch Giá, Kiên Giang thực hiện chương trình CNGD. Hiệu trưởng Trần Thị Liên cho hay: “Điều dễ nhận thấy nhất là HS tiếp cận với việc học tiếng Việt rất thoải mái, không bị gò ép như chương trình hiện hành - vào lớp 1 là phải học chữ cái ngay”. Bà Liên nói thêm: “Tuần đầu tiên là “tuần 0” để HS làm quen, tạo tâm lý thoải mái nên dù chúng tôi đang vào chương trình chậm hơn các trường khác một tuần nhưng không hề lo lắng gì cả”.
Cà Mau cũng có hơn 10 trường áp dụng CNGD. Ông Lê Hoàng Dự, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thới Bình, nơi 2 trường áp dụng chương trình, thông tin: “Năm ngoái phụ huynh e dè, phản ứng, nhưng năm nay nhiều người lại gặp chúng tôi yêu cầu thực hiện tiếp ở lớp 2, lớp 3 vì họ thích quá”. Cùng chung nhận định này, bà Nguyễn Thị Lan, giáo viên lớp 1, Trường tiểu học A Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời, Cà Mau, chia sẻ: “Chín năm dạy lớp 1, trong đó 3 năm dạy theo CNGD tôi phải khẳng định là mình thích dạy CNGD hơn mặc dù giáo viên vất vả hơn nhiều”. Dạy chương trình này, giáo viên phải tận tâm, làm kỹ từng bước một để HS biết được chữ nào là nhớ chữ đó. Qua một kỳ hè dù không “sờ” đến sách vở nhưng khi trở lại trường, HS vẫn rất nhớ, không “trả chữ” lại cho thầy.
Do CNGD chỉ mới thực hiện ở lớp 1 nên HS học chương trình này xong, lên lớp 2 phải theo chương trình chung hiện hành. Tuy nhiên, cũng theo bà Lan: “HS học xong tiếng Việt 1 - CNGD, lên lớp 2 vẫn hoàn toàn có thể theo được chương trình hiện hành mà không gặp khó khăn gì về mặt kiến thức. Giáo viên lớp 2 phản ánh tiếp nhận HS lớp 1 theo CNGD rất thuận lợi”.
|
Không cần học thêm, học trước
Ông Dương Văn Bổ, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho rằng: “Quan trọng là chúng tôi thấy nó đổi mới được phương pháp dạy học”. Ông Bổ giải thích chương trình hiện hành dạy theo phương thức thầy giảng, trò ghi nhớ - thầy giáo là nhân vật trung tâm. CNGD thì thầy thiết kế, trò thi công - chuyển nhân vật trung tâm từ giáo viên sang HS.
Hầu hết giáo viên dạy chương trình này đều cho rằng luôn đặc biệt lưu ý phụ huynh không dạy trước cho con ở nhà vì như thế là làm hỏng việc tiếp thu bài mới của trẻ. Giáo sư Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của CNGD, giải thích: “Mục đích khi thiết kế CNGD là ngoài giờ học cho ra học, phải cho trẻ chơi thoải mái - không cần học thêm, không cần học ở nhà. Học trước thì có hại nên không phải học trước, phụ huynh được giải phóng, không phải kè kè làm bài tập ở nhà với con”. Để thực hiện được điều này, theo Giáo sư Đại, phải biên soạn sách thật kỹ. Ông giải thích: “Bộ sách này được viết từ năm 1978. Đến nay không sai đến cái dấu phẩy. Tôi kiểm tra chi li từng chi tiết một, từng cái dấu phẩy. Sản phẩm cho trẻ con là không được thiếu sót”.
Cũng theo Giáo sư Đại, năm nay sau khi triển khai đại trà đối với lớp 1, bộ bắt đầu thí điểm đối với lớp 2 ở khoảng 3 - 4 tỉnh. Những năm sau sẽ lần lượt triển khai theo lộ trình như vậy.
Với những ưu điểm này trong việc dạy và học tiếng Việt, bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho hay: “CNGD không còn là thí điểm nữa”. Bà Thắm phân tích: “Có thể hiểu là chúng ta đang tiến hành song song bộ tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1. Trường nào dạy cái này thì thôi cái kia. Việc đánh giá vẫn theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình hiện hành”. Từ thực tế này, các trường sư phạm đã tiến hành nghiên cứu về bộ tài liệu CNGD để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng nếu việc áp dụng thành công, đây sẽ là một trong những phương thức dạy học được hướng đến trong đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau 2015.
Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc
>> Chấm dứt 'thí điểm
>> Người khai mở danh từ khoa học tiếng Việt
>> Cấp chứng chỉ tiếng Việt cho học viên
>> Tác giả clip Tiếng Việt nói về thần tượng
>> Dạy học hè miễn phí
>> Nơi dạy học trò cách ứng xử
Bình luận (0)