(TNO) Số bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ tăng mạnh trong những ngày gần đây ở Hà Nội. Nhiều trường hợp, cùng lúc 3-4 người trong gia đình mắc bệnh.
|
“Bệnh rất dễ lây lan, vì vậy cần giữ vệ sinh và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Không tự ý điều trị khi mắc để tránh dẫn đến các tai biến nghiêm trọng”, bác sĩ (BS) Nguyễn Hoàng Cương, Bệnh viện (BV) Mắt T.Ư (Hà Nội), lưu ý.
Theo thống kê tại BV Mắt T.Ư, số ca mắc đau mắt đỏ đến khám tại BV trung bình từ 100-120 bệnh nhân/ngày; trong khi 5-6 tuần trước, số ca mắc bệnh này chỉ rải rác.
Theo BS Hoàng Minh Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV mắt T.Ư, có nhiều tỉnh thành có bệnh nhân đau mắt đỏ. Ngoài Hà Nội, bệnh nhân các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên... cũng đến BV này chữa trị.
BS Hoàng Cương cho biết, đau mắt đỏ (viêm kết mạc dịch hay viêm kết mạc họng hạch) là tên chung của một bệnh do Adenovirus gây nên. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè - thu.
Anh Hà (nhà ở Q.Hai bà Trưng, Hà Nội), bệnh nhân đến khám do bị đau mắt đỏ, kể lại: “Con trai tôi học tiểu học bị đau mắt đỏ vì lây bạn, sau đó cháu lại lây cho em trai 4 tuổi và tiếp tục lây cho bố. Nhà có bốn người thì ba người đang đỏ mắt”.
“Phòng bệnh đau mắt đỏ thực sự là vấn đề khó khăn do đường lây bệnh rất đa dạng: qua tiếp xúc trực tiếp đường tay - mắt, qua hơi thở, qua nước bọt, qua sinh hoạt vợ chồng...”, BS Hoàng Cương lưu ý.
Theo BS Cương, bệnh đau mắt đỏ diễn ra theo chu kỳ hằng năm và việc phòng ngừa, điều trị phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần vì thực tế vẫn có những sai lầm trong dùng thuốc và biến chứng đáng tiếc.
“Bệnh lành tính có thể phòng ngừa được và có xu hướng tự khỏi trong 7-10 ngày. Nhưng điều trị sai vẫn có thể gây nguy hiểm: viêm loét giác mạc, giảm thị lực”, BS Cương khuyến cáo.
Liên Châu
>> Đau mắt đỏ bùng phát
>> Đau mắt đỏ vào mùa dịch
>> Đau mắt đỏ lăm le tấn công trường học
>> Bệnh đau mắt đỏ gia tăng
>> Tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Bình luận (0)