Tình trạng nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là những tên tuổi lớn, đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước.
|
Cục Thuế Hà Nội vừa công bố danh sách 77 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nợ thuế tính đến hết ngày 31.8.2013, với tổng số tiền lên tới hơn 1.800 tỉ đồng. Trong đó, đứng đầu là Công ty CP Sông Đà - Thăng Long (trụ sở Khu đô thị mới Văn Khê) nợ 282,999 tỉ đồng; đứng thứ hai là Vinashin nợ hơn 105 tỉ đồng.
Trước bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, số DN thuộc lĩnh vực xây lắp, vật liệu xây dựng chiếm tỷ lệ cao về nợ thuế. Trong đó phải kể đến các thành viên của Viglacera như: Công ty CP cơ khí xây dựng Viglacera hơn 39 tỉ đồng, Công ty CP Viglacera Hà Nội 70 tỉ đồng… Là một trong những tập đoàn từng “làm mưa làm gió” những năm trước, Sông Đà giờ đây đã nợ thuế đậm, chỉ tính riêng 3 thành viên đã lên đến 70 tỉ đồng.
6 tháng nợ 64.632 tỉ đồng
Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, tính đến đầu tháng 8.2013, số tiền nợ thuế hơn 19.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 13% số thu, gấp hơn 2,5 lần so với mức trung bình của cả nước.
Theo Cục Thuế Bình Dương, tính đến kỳ khai thuế tháng 6.2013, tổng nợ đọng thuế tại đơn vị gần 2.400 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm trên 1.792 tỉ đồng, so với thời điểm cuối năm 2012, tăng hơn 717 tỉ đồng, trong đó nợ các khoản thu từ đất trên 604 tỉ đồng.
Tại Chi cục Thuế TP.Buôn Ma Thuột, theo báo cáo, số nợ đọng đã lên 226 tỉ đồng, tăng hơn 45 tỉ đồng so với cuối năm 2012. Điều đáng nói, nợ đọng thuế tăng ở cả 3 nhóm, trong đó nhiều nhất là nợ có khả năng thu tăng gần 25 tỉ đồng, nợ khó thu tăng hơn 19 tỉ đồng, nợ chờ xử lý tăng hơn 1,1 tỉ đồng.
Theo báo cáo của ngành thuế Quảng Bình, nợ đọng thuế toàn tỉnh đến hết tháng 8.2013 lên đến 216 tỉ đồng. Trong đó, số nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều đơn vị nợ đọng lớn kéo dài như: Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng COSEVCO 12 nợ 30 tỉ đồng; Nhà máy đóng tàu Nhật Lệ nợ hơn 9 tỉ đồng; Công ty CP COSVECO 6 nợ 7,8 tỉ đồng.
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thuế, nợ đọng thuế lên tới khoảng 64.632 tỉ đồng, tăng 15.497 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2012.
|
“Tái cơ cấu nợ thuế”
Trước tình hình khó khăn chung, theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ tái cơ cấu nợ thuế, để hỗ trợ các DN có khó khăn thực sự, nhưng chỉ tạm thời và hoàn toàn còn khả năng trả nợ. Theo đó, có thể dùng phương án khoanh lại các khoản tiền thuế chậm nộp, tiền phạt lãi suất, nếu DN cam kết trả toàn bộ phần nợ gốc. Thời hạn khoanh nợ có thể là 6 tháng, 1 năm… tùy theo khả năng trả nợ, cũng như cam kết của từng đơn vị.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng đối với các DN có khó khăn tạm thời, ngành thuế cần phải ngồi lại để chia sẻ, tháo gỡ, cơ cấu lại nợ. Đặc biệt, cần phải rà soát lại toàn bộ các “con nợ” lên danh sách từng ngành, từng lĩnh vực để có thể đưa ra biện pháp cơ cấu.
Trả lời Thanh Niên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cũng xác định quan điểm của ngành thuế là luôn chia sẻ khó khăn với các DN. Trước khi công bố danh tính các đơn vị, ngành thuế đã làm việc với DN rất nhiều lần. Theo quy trình quản lý nợ thuế, DN được thông báo, nhắc nhở, làm việc trực tiếp, đưa ra nhiều giải pháp để cùng tháo gỡ. Việc công khai danh tính ảnh hưởng uy tín DN, nhưng trong trường hợp DN có vi phạm về thuế, quá thời hạn theo quy định (hiện là 90 ngày - PV) buộc cơ quan thuế phải nêu tên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết danh sách các DN đã công bố phần lớn đều là các đơn vị có nợ đọng thuế kéo dài, chây ì hoặc vi phạm pháp luật về thuế. Thậm chí có những DN dù vẫn còn khả năng nhưng lại cố tình không nộp, dây dưa kéo dài. Đối với trường hợp này, cơ quan thuế sẽ kiên quyết truy thu, kể cả giải pháp cưỡng chế.
Anh Vũ
Bình luận (0)