Mầm non tư nhân 'áp đảo' công lập

18/09/2013 11:20 GMT+7

Theo Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa (Đồng Nai), trong năm học 2013-2014, đối với bậc mầm non toàn thành phố có 31 trường công lập và 27 trường tư thục. Trong khi đó, có trên 500 nhóm, lớp ngoài công lập được UBND phường, xã cấp phép.

Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa (Đồng Nai), trong năm học 2013-2014, đối với bậc mầm non toàn thành phố có 31 trường công lập và 27 trường tư thục. Trong khi đó, có trên 500 nhóm, lớp ngoài công lập được UBND phường, xã cấp phép.

Mầm non tư nhân
Một nhóm lớp gia đình giữ trẻ ở  P.Long Bình (TP.Biên Hòa) - Ảnh: Lê Lâm

Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, chỉ tính riêng 31 trường mầm non công lập, thì chỉ mới đám ứng được 20% nhu cầu gửi trẻ. Trong khi đó, trên 500 nhóm, lớp ngoài công lập gần như "gánh" hết số trẻ còn lại (một số ít gửi ở trường tư thục). 

Đánh giá của Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa, số nhóm, lớp giữ trẻ tư nhân phát triển rất mạnh tập trung những địa bàn dân cư có số công nhân đông. Điển hình như ở P.Long  Bình (TP.Biên Hòa) có đến 80 nhóm lớp gia đình (nhiều nhất trong tất cả các phường, xã) nuôi dạy tổng cộng gần 3.900 em. Bà Vũ Thị Thúy Hà- Phó Chủ tịch UBND P. Long Bình cho biết: “Hiện tại trên địa bàn phường chưa có trường mầm non công lập nào, mầm non tư thục thì có 2, trong khi đó nhóm trẻ gia đình lên đến 80. Vừa qua, UBND phường có giới thiệu địa điểm cho thành phố xây dựng trường lớp, nhưng vẫn không có mầm non mà ưu tiên cho cấp tiểu học”.

     Nói về thực trạng của trường mầm non công lập trên địa bàn, ông Bùi Văn Phượng, Phó Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa nhận xét: "Quy mô các trường công lập nhỏ, hầu hết cơ sở đều được xây dựng từ khá lâu nay đã xuống cấp, nhất là 4 xã mới sáp nhập (An Hòa, Long Hưng, Phước Tân và Tam Phước). Có nhiều nơi  không phải là trường học, nhưng do điều kiện lịch sử để lại nên phải tiếp tục sử dụng. Vì thế khả năng thu nhận học sinh rất ít, chỉ đạt tỉ lệ 20 %, khoảng trên 10.000 em”. Cũng theo ông Phượng, ngoài trường lớp xuống cấp, còn vướng phải quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Đó là quy định ưu tiên thành lập và xây dựng mới các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng nông thôn, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, các xã miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa và các xã, phường có mức sống thấp của TP, thị xã. “Trong khi đó, TP.Biên Hòa nằm ngoài chính sách ưu tiên nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các trường mầm non công lập. Đảm bảo các điều kiện tốt cho nơi học tập, ăn, ngủ của trẻ...”, ông Phượng lý giải.

Hằng năm, UBND TP.Biên Hòa đều ưu tiên cấp kinh phí sửa chữa các trường mầm non, nhưng trên thực tế vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Việc xã hội hóa, kêu gọi sự đầu tư xây dựng trường mầm non thì lại chưa thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế. Một số dự án đầu tư trường mầm non tư thục đã được cho chủ trương, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn khá chậm…

Phát triển trường mầm non trong KCN

Vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã họp với Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và các sở, ngành liên quan để bàn việc xây dựng phát triển trường mầm non trong KCN. Hiện Đồng Nai có trên 30 KCN đang hoạt động, số lượng công nhân nhập cư trong độ tuổi sinh đẻ lớn, kéo theo nhu cầu gửi trẻ cao, đặc biệt là ở TP.Biên Hòa. Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN tìm phương án xây dựng trường mầm non, nhà trẻ thí điểm trong các KCN, nhưng vướng mắc lớn nhất là chưa tìm được quỹ đất thích hợp để xây dựng. Đó là chưa kể thiếu nguồn vốn, cơ chế… để thực hiện.  

Lê Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.