|
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị.
Hầu hết lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đều đánh giá cao, bày tỏ sự ủng hộ nội dung đề án mà TP.HCM xây dựng.
Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trú Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP.HCM nói: “Tôi rất đồng tình với đề án. TP.HCM luôn có truyền thống đi đầu trong các phong trào đổi mới, áp dụng nhiều cách làm mới rất thành công và được nhân rộng trong cả nước. Cho nên, lần này tôi rất mong đề án thành công, tạo tiền đề cho chính quyền năng động, hiệu quả hơn, đáp ứng được mong muốn của nhân dân”.
Một vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra, đó là vấn đề quốc phòng, an ninh khi triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Theo thiếu tướng Phan Văn Giang, Phó tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, khi thay đổi mô hình tổ chức chính quyền, thì các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp.
“Hà Nội hiện có cấp sư đoàn bảo vệ Thủ đô. TP.HCM hiện chỉ có cấp trung đoàn (Trung đoàn Gia Định) thì liệu có đảm đương được việc bảo vệ khi xây chính quyền đô thị với 10 triệu dân hay không”, thiếu tướng Giang đặt vấn đề.
Cũng theo thiếu tướng Giang, vấn đề quốc phòng, an ninh luôn hết sức quan trọng. “Dù trong thời bình hay khi có tình huống xảy ra thì chúng tôi cũng phải lo, tính đến sự sống còn của dân tộc”, ông nói.
Thiếu tướng Giang đề nghị chính quyền đô thị phải gắn liền với chiến lược phòng thủ. Khi xây dựng các trung tâm đô thị mới, các thành phố vệ tinh phải chú ý xây dựng và gắn liền với các khu vực phòng thủ về mặt quốc phòng, an ninh.
Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết đối với đề án chính quyền đô thị, TP.HCM đã và đang có những bước đi cẩn trọng và tiến độ phù hợp. Đề án sắp được trình HĐND TP.HCM thông qua. Sau đó TP.HCM sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 9 xem xét, trình Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định.
Theo ông Hải, để đề án đạt được hiệu quả tối ưu, sớm được triển khai áp dụng trên thực tế, thì rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành T.Ư để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành (trước đó, theo liệt kê của ban soạn thảo, đề án đã “đụng” hơn 100 văn bản luật).
Trước các bộ, ngành T.Ư, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải một lần nữa khẳng định những ưu điểm của đề án chính quyền đô thị.
Ưu điểm nổi bật là tăng cường quyền làm chủ của người dân. Bộ máy hành chính thiết kế theo hướng “giảm bớt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”, “ít tầng nấc không gian”, “tăng cường quyền làm chủ của người dân”…
Vẫn giữ quan điểm thành lập 4 thành phố mới Theo đề án mới, TP.HCM vẫn giữ quan điểm thành lập 4 thành phố mới, đó là thành phố Đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức (diện tích trên 211 km2, dân số trên 890.000 người). Thành phố Tây gồm Q.Bình Tân, điều chỉnh một phần diện tích P.7, P.16, quận 8 (phần phía tây sông Cần Giuộc và đường An Dương Vương) và diện tích của 4 xã: An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh dựa trên ranh giới tự nhiên đang có. Diện tích trên 109 km2, dân số trên 810.000 người. Thành phố Nam gồm Q.7, H.Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích P.7, Q.8 (phần phía nam rạch Bà Tàng) và diện tích 2 xã Bình Hưng, Phong Phú, H.Bình Chánh. Diện tích trên 169 km2, dân số trên 470.000 người. Thành phố Bắc, gồm Q.12 và H.Hóc Môn, diện tích trên 162 km2, dân số trên 860.000 người. |
Tin, ảnh: Đình Phú
>> Bộ Nội vụ đề xuất 3 phương án về chính quyền đô thị
>> TP.HCM chuẩn bị nhân sự cho chính quyền đô thị
>> Đừng để TP.HCM 'tự bơi' với đề án chính quyền đô thị
>> Động lực phát triển từ chính quyền đô thị
>> Cần sửa cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị
>> Nhân sự nào cho chính quyền đô thị ?
>> Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật
>> Chính quyền đô thị cần con người tốt
>> Đề án chính quyền đô thị TP.HCM: Dịch vụ công chưa rõ ràng
>> Xây dựng chính quyền đô thị: Tên thành phố vệ tinh chỉ là tạm thời
Bình luận (0)