Mua bán sáp nhập trong thời gian gần đây được coi như là một giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.
Làm thế nào để tránh bị thâu tóm và lấy được vốn ngoại để tiếp tục phát triển trong thời buổi khó khăn này là nội dung cuộc trao đổi giữa chuyên gia tài chính Nguyễn Nam Sơn với Báo Thanh Niên.
Cần vốn để đầu tư mở rộng, nhưng còn nhiều doanh nghiệp (DN) Việt khá e ngại trước nguy cơ bị thâu tóm, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Quan điểm của tôi là mua bán sáp nhập (M&A) để cùng nhau phát triển tốt hơn chứ không phải để hủy diệt nhau. Bởi thực tế, trong giai đoạn khó khăn, các công ty nội lấy được tiền từ các nhà đầu tư ngoại là thành công mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. M&A thời nay phải hiểu như một cuộc hôn nhân, phải tìm hiểu kỹ càng, có niềm tin tưởng và có đồng quan điểm trong chiến lược phát triển...
|
Với góc nhìn của ông, M&A có thể là cơ hội với các DN Việt?
Đúng thế, tôi cho rằng M&A sẽ phát triển mạnh trong 2 năm tới. Ở trong nước, các quỹ đầu tư vào DN tư nhân đang nỗ lực tìm đối tác để thoái vốn đã tạo nên nguồn cung dồi dào cho thị trường M&A. Thứ nữa là nguồn vốn huy động từ 2 kênh chứng khoán và ngân hàng càng trở nên khó khăn nên gọi vốn từ M&A khả thi hơn. Từ bên ngoài, Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ lập cơ sở sản xuất tại đây để được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước trong Hiệp định TTP.
Cách nhanh nhất là họ tìm mua lại cổ phần của các DN tại thị trường nội địa. Như vậy, M&A là cơ hội cho nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam nhanh nhất nhưng cũng là cơ hội cho DN Việt mở rộng đầu tư tại chính doanh nghiệp mình. Ở Trung Quốc, chỉ trong 2 thập niên từ 1995-2005, những công ty Trung Quốc huy động vốn từ nước ngoài hơn 150 tỉ USD. Chính nhờ nguồn đầu tư này mà Trung Quốc nhanh chóng qua mặt nhiều công ty lớn để phát triển mạnh kinh tế trong thập niên sau đó.
DN Việt cần lưu ý điều gì khi huy động vốn từ nước ngoài?
Phải có giàn quản lý giỏi, tầm vóc quốc tế, thạo tiếng nước ngoài. Tỉ phú giàu nhất châu Á là Lý Gia Thành, giám đốc các công ty trong tập đoàn của ông đều là người nước ngoài hoặc sống làm việc trong môi trường ở nước ngoài trước khi đầu quân về tập đoàn. Khó khăn lớn nhất doanh nghiệp Việt gặp phải khi quyết định hợp tác với nước ngoài chính là ngôn ngữ.
Thứ nữa, bất cứ thương vụ nào cũng cần có nhà tư vấn. Những nhà tư vấn có thể nói với 100 nhà đầu tư ngoại để tìm đúng nhà đầu tư thích hợp với doanh nghiệp mình. Quá trình huy động vốn mất 6 -12 tháng để chuẩn bị, nếu lần đầu ra mắt không tốt, coi như doanh nghiệp mất cơ hội làm việc lần 2 với đối tác. Theo kinh nghiệm của tôi, không có nhà tư vấn chuyên nghiệp, 90% M&A không làm được.
Ông Nguyễn Nam Sơn, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP) (www.vncappartners.com), tốt nghiệp cử nhân tài chính tại Đại học Colorado, tốt nghiệp MBA tại Trường kinh doanh Harvard (Mỹ) và có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc ở các vị trí cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Mỹ. Trước khi quyết định thành lập quỹ đầu tư VCP, ông Sơn là Tổng giám đốc Citigroup tại Hồng Kông và VN. |
Nguyên Nga
(thực hiện)
>> Nâng mức vay vốn cho HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng
>> 7.000 học sinh - sinh viên được hỗ trợ vay vốn
>> Cho vay vốn chuộc “sổ chính sách”
>> Hơn 14.000 học sinh được vay vốn
>> Nhiều chương trình vay vốn học tập
>> Cá nhân vay vốn nước ngoài không dễ
Bình luận (0)