Ước mơ thành phố không có rác

22/09/2013 03:00 GMT+7

Hình ảnh những bạn trẻ đi khắp khu vực nhà thờ Đức Bà, công viên 30.4 ở TP.HCM để nhặt rác đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Hình ảnh những bạn trẻ đi khắp khu vực nhà thờ Đức Bà, công viên 30.4 ở TP.HCM để nhặt rác đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

 
Thành viên nhóm Nhặt rác Sài thành đi khắp nơi nhặt rác nhằm góp phần giúp môi trường sạch đẹp hơn - Ảnh: N.T.N

Đó là các thành viên của nhóm Nhặt rác Sài thành, đa số là sinh viên các trường ĐH, CĐ.

“Vô tình đọc được một bài viết kể về một giám đốc người Nhật nhặt rác ở Hồ Gươm (Hà Nội) vào mỗi chủ nhật khiến mình suy nghĩ: Người ta đến Việt Nam sinh sống và làm việc, người ta là khách, mình là chủ, vậy mà mình lại để một người ngoại quốc hành động như vậy. Thế là tự mình đi nhặt rác ở quanh công viên 30.4. Dần dần có thêm nhiều người cùng giam gia, từ đó nhóm Nhặt rác Sài thành ra đời”, Võ Văn Cường nói về ý tưởng của mình.

Tính đến nay, đã được hơn 1 năm, ban đầu chỉ có mỗi Cường giờ nhóm đã có hơn 20 thành viên. Đều đặn vào chủ nhật hằng tuần, dù ở Q.6 hay Q.Thủ Đức, Gò Vấp, dù có phương tiện đi lại hay không, các thành viên vẫn cố gắng tập hợp đông đủ để nhặt rác, là những bịch ni lông, mẩu thuốc lá, giấy báo, chai lọ, những hộp đồ ăn thừa thãi… bị nhiều người vô ý thức vứt bỏ lung tung.

Chia sẻ thêm về những câu chuyện xoay quanh công việc tình nguyện này, Luân, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp, nói: “Những người lớn tuổi, có tầm nhìn sâu sắc về cuộc sống thì hiểu được công việc này và ủng hộ tụi mình. Nhưng cũng buồn vì không ít người cười về hành động của nhóm, cho rằng tụi mình dở hơi, vớ vẩn, làm chuyện bao đồng. Tuy nhiên, tụi mình vẫn quyết tâm làm để hướng đến một Việt Nam tươi đẹp hơn, sạch sẽ hơn".

Song song với hành động nhặt rác, nhóm đã và đang thực hiện “chủ thuyết ba không” với nhiều việc làm nhằm tác động tích cực đến hành vi của người xả rác. Phượng Hoàng, nhân viên ngân hàng, thành viên của nhóm giải thích, đó là “không cần, không muốn, và không dám xả rác”. Không cần nghĩa là làm sao để người dân không cần phải xả rác nữa, phải cung cấp đầy đủ phương tiện để người dân bỏ rác. Không dám tức là phải có những quy định, chế tài nghiêm minh, cụ thể để người có ý thức kém sẽ không dám làm. Không muốn là nên tuyên truyền cho mọi người hiểu xả rác là hành động kém văn hóa, đáng phê phán, để từ đó dần dần trở thành ý thức sâu trong cộng đồng. Được biết, nhóm từng đề xuất Ban Quản lý công viên 30.4 lắp thùng rác đôi và đề xuất này đã trở thành hiện thực.

Không chỉ vậy, nhóm cũng thường xuyên tổ chức những chương trình như "Cùng em nhỏ nuôi mầm xanh", qua đó cùng các học sinh tiểu học vẽ lên các thùng xốp những khẩu hiệu với nội dung: đừng xả rác; xả rác là một hành vi không đẹp, không văn minh… để tuyên truyền trực tiếp thông điệp đến người dân. Hay phối hợp cùng Hội Sinh viên thành phố tổ chức ngày hội Môi trường xanh…

Ngoài nhặt rác, nhóm còn lập ra trang Nhặt rác Sài thành trên Facebook (https://www.facebook.com/nhatracsaithanh) với gần 2.500 thành viên. Bên cạnh việc điểm tin hoạt động của nhóm, chia sẻ những bài báo, những gương mặt người tốt trong việc bảo vệ môi trường, còn có những chuyên mục như: Rác và tiền, 3600 rác, câu chuyện cuộc sống, góc ảnh… khá thú vị.

“Chúng mình hy vọng trong một tương lai không xa, mỗi người dân khi ra đường sẽ chủ động tìm kiếm thùng rác, bỏ rác đúng nơi quy định, thấy rác thì nhặt cho vào thùng, thậm chí khi không tìm được thùng rác thì sẽ giữ cho đến khi nào tìm được nơi bỏ rác”, Cường bày tỏ. 

Xuân Phương

>> Xóm nhặt rác
>> Nhóm “Nhặt rác Sài thành”
>> “Ông Tây” nhặt rác ở Hồ Gươm
>> Ca sĩ, người mẫu nhặt rác bảo vệ môi trường
>> Người dơi… nhặt rác  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.