Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 7: Bùi Giáng - Phạm Công Thiện với 'ngày tháng ngao du'

24/09/2013 01:32 GMT+7

Ngồi lại với nhau nhân ngày đầu tiên phát hành tập thơ cuối đời của Bùi Giáng: Tâm sự tuổi già vào hôm qua (23.9), các bạn làng văn có nhắc đến một trong những gương mặt dị thường từng sống mãnh liệt cùng Bùi Giáng qua những “ngày tháng ngao du”...

 
Bùi Giáng qua ống kính của L.N.D - Ảnh: gia đình cung cấp

Đó là nhà thơ - học giả Phạm Công Thiện, sinh năm 1941 tại Mỹ Tho, tài hoa và rất thông minh như Bùi Giáng - thạo tiếng Anh, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha và Sanskrit (một cổ ngữ của Ấn Độ) từ 15 tuổi, biên soạn Anh ngữ tinh âm lúc 16 tuổi, bắt đầu viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học lúc 19 tuổi.

Phạm Công Thiện nổi tiếng với một loạt sách biên khảo: Bồ đề Đạt ma - tổ sư Thiền tông (1964), Im lặng hố thẳm và Hố thẳm của tư tưởng (1967), dịch cuốn: Tự do đầu tiên và cuối cùng (nguyên tác Krishnamurti - 1968), Về thể tính của chân lý (Martin Heidegger - 1968), Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (Friedrich Nietzsche - 1969).

Ông làm Khoa trưởng Văn khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh, chủ biên Tạp chí Tư Tưởng của viện này từ 1968 và đã xuất gia thọ giới với pháp danh Thích Nguyên Tánh tại chùa Hải Đức. Năm 29 tuổi (1970), từ giã Bùi Giáng và làng văn Sài Gòn, Phạm Công Thiện rời Việt Nam qua Đức, Pháp, rồi Mỹ, giảng dạy tại College of Buddhist Studies. Ở hải ngoại, ông tiếp tục viết nhiều tác phẩm, như: Trên tất cả đỉnh cao là im lặng, Đối mặt với 1.000 năm cô đơn của Nietzche và qua đời tại thành phố Houston (Texas, Mỹ) ngày 8.3.2011, thọ 71 tuổi.

Là một học giả, một nhà văn nổi danh với các cuốn: Mặt trời không bao giờ có thực hoặc: Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, nhưng trước hết Phạm Công Thiện tự nhận mình là nhà thơ, với tập: Ngày sinh của rắn (1967), trong đó nhiều câu được người yêu thơ đọc thuộc: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/Cây khế đồi cao trổ hết bông” - hoặc cả đoạn dài: “Gió thổi đồi tây hay đồi đông/Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng/Trong mơ em vẫn còn bên cửa/Tôi đứng trên đồi mây trổ bông/Gió thổi đồi thu qua đồi thông/Mưa hạ ly hương nước ngược dòng/Tôi đau trong tiếng gà xơ xác/Một sớm bông hồng nở cửa đông” (Lê Uyên Phương phổ nhạc).

Để giúp thêm tư liệu, một kỳ lão trong làng văn cho chúng tôi mượn cuốn đặc san Tưởng niệm Bùi Giáng do thầy Thích Quảng Hạnh và Thích Thông Bác chủ biên, có đăng bài của nhà văn Tuấn Huy viết về những “ngày tháng ngao du” giữa Bùi Giáng và Phạm Công Thiện như sau: “Mỗi lần Phạm Công Thiện gặp Bùi Giáng là hai người thường gây nhau. Gây nhau về những “triết thuyết” này và “tư tưởng” nọ. Nhưng với thơ văn thì hai người lại “thương” nhau vô cùng. Bùi Giáng thường đọc những câu thơ ngắn cho Phạm Công Thiện nghe và ngược lại. Trong thơ  không có điều gì phải luận giải, trong thơ chỉ có sự chia sẻ và cảm thông. Chúng tôi nhìn hai nhà thơ quàng ôm nhau. Hai nhà thơ ngó nhau cười dịu dàng. Hai nhà thơ uống những ngụm bia lạnh. Hai nhà thơ hút thuốc lá. Rồi hai nhà thơ ngồi yên như pho tượng” (…) Một ngày khác, tôi chở Phạm Công Thiện đến thăm Bùi Giáng. Căn gác gỗ ọp ẹp ở bến xe đò gần đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2- PV). Vừa bước lên cầu thang, đã thấy một dãy “gà mên” xếp đầy trước một khung cửa đóng kín. Phạm Công Thiện gõ cửa. Mùi thức ăn (từ gà mên để lâu ngày) gây nồng, và những con ruồi bay chấp chới trên những chiếc vung bằng nhôm xám xỉn. Một lúc, Bùi Giáng ló đầu ra. Áo quần nhăn nhúm và tóc tai bù rối. Căn phòng nhỏ, chật cứng sách vở. Một chiếc mền màu tro cũ và một ngọn điện được kéo thấp xuống còn cháy sáng. Bùi Giáng, một tay đẩy những đống sách cho gọn gàng lại, một tay hất hất chiếc mền. Cả ba chúng tôi vẫn đứng vì căn phòng quá hẹp. Một đôi đũa và mấy chiếc mũ quăng bừa bãi trên một cuốn sách của Camus. Một đôi vớ đen lẫn lộn giữa một cuốn sách của Heidegger. Bùi Giáng nói: “Ngồi đi, ngồi đi…” (…) nhưng chúng tôi đứng lổn ngổn như mấy con ngựa hoang giữa một lòng núi hẹp”. Bùi Giáng giải thích nhiều bữa ông đã quên ăn, cứ để những phần cơm trước cánh cửa đóng im lìm, nhưng người nấu cơm tháng cứ theo lệ hằng ngày vẫn xách tới thêm, để sẵn.

Tuấn Huy kể tiếp: “Tôi nhìn lại những chiếc gà mên và những con ruồi đậu xuống như một tấm lưới không hề có thực. Lát sau chúng tôi đến một tiệm cơm chay ở góc đường Trần Quốc Toản, đối diện với Việt Nam Quốc tự (…) Phạm Công Thiện gọi một ly cà phê. Tôi gọi một ly trà đá. Riêng Bùi Giáng gọi (một lúc bốn thứ cả thảy): một tô hủ tíu, một tô mì, một ly cà phê sữa và một ly đá chanh. Tôi ngơ ngác nhìn Bùi Giáng, nhưng càng ngơ ngác hơn khi thấy ông ăn một miếng mì, rồi lại ăn một miếng hủ tíu, uống một chút nước chanh, rồi lại nhắm nháp một chút cà phê (…) Ông gắp cái này một chút, uống cái kia một chút - như người nhạc trưởng uyển chuyển trước một dàn nhạc. Ngay cả đồ gia vị cũng vậy. Ông rắc một chút tiêu lên tô này, lại thêm một chút ớt vào tô nọ. Xúc một muỗng đường, xin vài hạt muối. Muối cho vào ly đá chanh. Đường cho vào tô mì, lung linh chộn lộn. Có lẽ chỉ có ông-trời-xanh hay bà-trời-trắng mới biết được ông đang ăn uống hay đang chơi dạo giữa mùa trăng châu thổ?” (Còn nữa).

“Bùi Giáng - thi nhân thấu thị, đã sống kiệt tận miên bạc bình sinh, đã là một trong số hiếm hoi những linh hồn đã đi đến tận đáy của cái vực sâu không đáy, đã yêu đắm đuối cả cuộc bể dâu thê thảm, để công phu ghi tặng lại, bằng ngòi bút lô hỏa thuần thanh...”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thanh

Giao Hưởng

>> Ấn tượng Bùi Giáng
>> Bùi Giáng và bài thơ 'phù thủy
>> Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng
>> Người vợ của Bùi Giáng
>> Tối nay, ông Bùi Giáng xuất hiện!
>> Bùi Giáng “nhập” vào nhạc Trần Quế Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.