Stress hiện nay đang trở thành nỗi ám ảnh với tất cả mọi người. Stress có mặt mọi lúc, mọi nơi, và ở mọi lứa tuổi. Stress có thể tấn công bất kỳ ai kể cả trẻ em nếu không biết cách ứng phó và bảo vệ mình trước những căng thẳng và áp lực của cuộc sống.
|
Nếu người lớn có nhiều kiến thức và phương pháp để vượt qua stress thì trẻ con lại đối diện với stress một cách đơn độc như cây non trơ trọi giữa bão táp.
Bé Thy An rất được cô giáo ở trường khen vì tuy mới học lớp 3 nhưng bé không những học giỏi mà còn rất nhiệt tình, năng động, được bạn bè quý mến. Nhưng những ngày gần đây, chị Thy - mẹ bé, cứ thấy con ngồi một góc ủ rũ, không nói chuyện với ai và đôi khi còn bỏ cơm. Chị nghĩ chắc con không khỏe nên đưa đi khám bệnh. Kết quả không phát hiện ra bệnh gì mà con ngày càng xanh xao hơn. Tình cờ đọc được nhật ký con viết, chị mới phát hiện ra là do làm mất quỹ lớp nên con không được làm lớp trưởng nữa. Bạn bè hiểu lầm và không chơi với con. Đưa con đến chuyên gia tâm lý, chị mới ngỡ ngàng khi được biết con có biểu hiện của stress. Chị Thy thắc mắc: “Mới tí tuổi thế kia mà stress là sao nhỉ? Chỉ có ăn, có học, chứ có phải làm ăn kiếm tiền gì đâu mà căng thẳng?”.
|
Stress ở trẻ có thể bắt nguồn từ những việc tưởng như đơn giản như thay đổi chỗ ở, chuyển trường, bất hòa với bạn, hoặc một lời khiển trách của người lớn mà trẻ thấy bị xúc phạm nhưng không dám phản đối nên cứ bị dằn vặt âm ỉ, hoặc một bài kiểm tra bị điểm thấp chỉ vì sự bất cẩn khiến trẻ vừa tiếc nuối vừa buồn bã... Stress cũng có thể xuất hiện do học hành quá căng thẳng, thiếu thời gian giải trí, hoạt động thể chất... Stress có thể được nhận biết qua các biểu hiện rối loạn về mặt sinh lý như: kém ăn, mất ngủ, giảm trí nhớ, chóng mặt, tức ngực, khó thở, tay chân bủn rủn, đau bụng, đau đầu, đau khớp... đôi khi trẻ có thể lên cơn co giật giống như người động kinh. Stress cũng có biểu hiện của rối loạn tâm lý như: lo âu, giận dữ, ủ rũ, dễ bị xúc động, có thái độ tiêu cực hay tỏ ra bất cần với người khác và cả chính bản thân mình.
Những biểu hiện và ảnh hưởng của stress không dễ nhận thấy, tuy nhiên nếu kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần và khiến trẻ trở nên trầm cảm, dễ bị tổn thương và luôn mệt mỏi. Do đó, khi phụ huynh nhận thấy trẻ có điều gì đó lo lắng, hãy nhẹ nhàng tâm sự cùng trẻ. Hãy để trẻ cảm nhận rằng bạn thực sự cảm thông và mong muốn được nghe trẻ chia sẻ mọi chuyện. Đôi khi trẻ vẫn chưa thể diễn tả chính xác cảm xúc của mình vì vậy trong cuộc nói chuyện, hãy gợi ý hoặc lồng ghép những từ ngữ miêu tả sắc thái cảm xúc để trẻ nhận ra mình đang ở trạng thái tâm lý như thế nào. Điều này có tác dụng lớn giúp trẻ giải tỏa căng thẳng và hiểu bản thân mình hơn. Hãy cùng trẻ bàn bạc để tìm ra phương án giải quyết tối ưu. Giải quyết stress là giải quyết từ cái gốc của vấn đề và cha mẹ chỉ nên định hướng và khuyến khích trẻ đưa ra cách giải quyết vấn đề chứ không nên thay trẻ quyết định mọi việc.
Để giúp trẻ vượt qua những biến động và áp lực, rất cần sự quan tâm, chăm sóc và chỉ dẫn từ nhiều phía. Vì vậy, để việc học hành, thi cử không còn là sức ép đến thần kinh của trẻ, các bậc phụ huynh và nhà trường cần tạo cho các em một chế độ học tập, sinh hoạt, vui chơi phù hợp; thúc đẩy tư duy tích cực ở trẻ, gần gũi để động viên các em trong những kỳ học căng thẳng, nhất là những trẻ có nhân cách thụ động, dễ bị lệ thuộc.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
>> Trao giải thưởng 'Manulife cùng bé ước mơ
>> Manulife VN tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội trong năm 2012
>> Manulife Việt Nam giới thiệu sản phẩm bảo hiểm giáo dục mới “Manulife - Điểm Tựa Tài Năng”
>> Manulife Việt Nam công bố tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1/2012
>> Manulife Việt Nam bán đĩa CD nhạc làm từ thiện
Bình luận (0)