|
Chúng tôi đến Bệnh xá 264, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng vào một buổi chiều mưa nhưng không khí nơi đây rất nhộn nhịp, các phòng vang tiếng nói, tiếng cười của các cặp vợ chồng và cả tiếng khóc của trẻ con. Ở đây đang có hàng chục cặp vợ chồng là cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang điều trị hiếm muộn. Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Lê Thị Mừng (32 tuổi, giáo viên tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Xoa tay vào bụng bầu sắp đến ngày sinh nở, chị cười rất tươi, kể về hoàn cảnh của mình. Chồng chị là thượng úy Trịnh Khắc Hùng, công tác tại Phòng Trinh sát, Bộ đội biên phòng Gia Lai. Hai người cưới nhau đến nay đã được 9 năm. Năm 2007 chị sinh được một đứa con gái rồi “im bặt” luôn đến nay. Hơn 6 năm nay, anh chị đi điều trị đủ các nơi nhưng không có kết quả. Gần đây, trong một lần khám, bác sĩ phát hiện chị bị đa nang buồng trứng nên rất khó có con. Nhà nghèo, bố mẹ lại ở xa, anh Hùng thì đi công tác thường xuyên nên không có điều kiện. Sau khi nghe tin Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có chủ trương hỗ trợ các cặp vợ chồng cán bộ chiến sĩ biên phòng bị hiếm muộn, hai vợ chồng vội vàng khăn gói xuống TP.HCM. Thật không ngờ, chỉ sau một tháng điều trị, được sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh xá 264 và Bệnh viện Từ Dũ, niềm vui đã trở lại với vợ chồng anh chị. Thượng úy Nguyễn Đăng Duẩn, Đồn biên phòng Ia Púch, H.Chư Prông, tỉnh Gia Lai và vợ là chị Phan Thị Thu Hồng, cán bộ dân số xã biên giới Ia Púch, thì bồng con hồ hởi khoe vì trước đây hai người cưới nhau 5 năm mà chẳng có mụn con nào.
Cùng ngồi nói chuyện với chúng tôi, bác sĩ, thiếu tá Lương Ngọc Hùng, Phòng Hành chính Bệnh xá 264 nói: “Trong điều trị hiếm muộn, quan trọng nhất vẫn là thời gian điều trị, có những trường hợp thời gian phải kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm mới có kết quả. Trong khi đó, các chiến sĩ biên phòng thì đâu có nhiều thời gian. Bởi vậy, chương trình này đã hỗ trợ rất nhiều cho các chiến sĩ, nhất là tạo điều kiện về thời gian để các chiến sĩ chữa trị. Gia đình hạnh phúc, hậu phương vững mạnh thì các chiến sĩ sẽ càng yên tâm công tác bảo vệ Tổ quốc”.
Tính đến tháng 9. 2013, tại Bệnh xá 264 đã có 93 trường hợp vợ chồng hiếm muộn là quân nhân được điều trị, trong đó 61 cặp là cán bộ biên phòng, thì 15 cặp đã có được niềm vui.
Theo thiếu tướng Lê Thái Ngọc - Phó chính ủy Bộ đội biên phòng, chủ trương hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn, được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động từ đầu năm 2013. Đây là một chủ trương đầy tính nhân văn, xuất phát từ ý tưởng của trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Tại buổi gặp mặt với các gia đình quân nhân hiếm muộn, trung tướng Võ Trọng Việt khẳng định: “Bộ Tư lệnh biên phòng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về công việc và kinh tế để các gia đình hiếm muộn có điều kiện chữa trị để thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ. Những đồng chí công tác xa gia đình, Bộ Tư lệnh sẽ tạo điều kiện về các đơn vị gần hơn...”. Đăng Bảy |
Hải Nam
>> Thai ngoài tử cung trong điều trị hiếm muộn
>> Hiếm muộn ở nam giới có liên quan gốc oxy hóa
>> Người hiếm muộn ngày càng trẻ
>> Phương pháp mới điều trị cho đàn ông hiếm muộn
Bình luận (0)